.

Phí BOT - nỗi lo doanh nghiệp vận tải

.

Việc thu phí ở các trạm BOT “phi mã” trong thời gian qua đã dẫn đến hệ quả trên một số tuyến đường, khoản chi phí cầu đường còn cao hơn cả nhiên liệu; đẩy các doanh nghiệp vận tải vào tình thế rất khó khăn.

Trạm thu phí BOT trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Trạm thu phí BOT trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Ra ngõ gặp trạm thu phí BOT

Từ ngày 1-1-2016, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng không còn trạm thu phí BOT, sau khi trạm thu phí ở Nam hầm Hải Vân giải thể, trạm  thu phí ở Hòa Phước chuyển vào Km944 thuộc địa bàn thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, với doanh nghiệp vận tải, kể cả vận tải hàng hóa và vận tải hành khách trên địa bàn thành phố thì không lấy đó làm vui, vì thực chất phương tiện của họ chạy dọc dài bắc - nam.

Một số tài xế ở Đà Nẵng cho hay, xóa trạm thu phí ở Đà Nẵng nhưng lại mọc lên 2 trạm đặt tại Điện Bàn và Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, phía bắc có trạm Bắc hầm Hải Vân. Ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố cho biết: “Thời gian gần đây, các trạm thu phí BOT “mọc” lên quá nhiều, bao phủ gần như toàn bộ các tuyến đường huyết mạch có mật độ phương tiện lưu thông cao.

Điều đáng nói là theo Quy định 159 của Bộ Tài chính thì khoảng cách tối thiểu của hai trạm thu phí ít nhất từ 70km trở lên; thế nhưng, trên thực tế rất nhiều trạm thu phí có khoảng cách dưới con số này, thậm chí tuyến quốc lộ 14 nối Tây Nguyên với thành phố Hồ Chí Minh trung bình là 40km/trạm thu phí BOT”.

Nếu như cuối năm 2014 trên địa bàn cả nước có tổng cộng 44 trạm thu phí BOT, đến đầu năm 2016 số trạm đã tăng lên 86. Đó là chưa kể, theo kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải, thời gian đến sẽ tiếp tục nâng cấp 1.763km quốc lộ 1A đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến Cần Thơ theo hình thức BOT, như vậy đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến quốc lộ này sẽ tăng thêm 24 trạm thu phí BOT nữa. Đến lúc đó, có thể nói các doanh nghiệp vận tải đi đâu cũng gặp trạm BOT.

Doanh nghiệp than phí BOT

Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng hóa Việt Nam, sau đợt nâng mức phí qua trạm BOT lên từ ngày 1-1-2016, trên nhiều tuyến đường cao tốc, mức phí đã vượt quá mức nhiên liệu. Với ô-tô tải trung bình chạy 1km tốn hết 1.200 đồng tiền nhiên liệu, trong khi đó, mức phí trung bình khi qua trạm BOT 1.500 đồng/km. Điều này đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình thế rất khó khăn khi thực hiện chủ trương của Chính phủ là giảm giá cước do giá xăng dầu trong thời gian qua giảm mạnh.

Theo ông Đinh Thành Tân, chủ Doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt, chuyên vận chuyển hàng hóa từ Cảng Đà Nẵng đi các cửa khẩu phía bắc và ngược lại cho rằng, mức phí như hiện nay là làm khó doanh nghiệp. Bởi theo ông, trước đây nếu vận chuyển một container hàng loại 40feet từ Đà Nẵng đi Lạng Sơn, tiền phí cầu đường ở mức 4 triệu đồng, nay tăng lên 6-7 triệu đồng.

Bà Lê Thị Mai, Công ty TNHH Tùng Mai, nhà vận chuyển hàng logistics cho các đối tác Nhật Bản cho rằng, gần như không thể thuyết phục được khách hàng điều chỉnh giá cước, vì họ đưa ra lý do là nhà vận tải nên chọn những tuyến đường không xây dựng theo hình thức BOT để đi. Điều này với các doanh nghiệp miền Trung gần như không thể, vì rất nhiều trục đường vận chuyển là “độc đạo” không có sự lựa chọn nào khác, đều phải qua trạm BOT.

Ông Tô Văn Hiệp đề xuất, các dự án xây dựng theo hình thức BOT cần phải minh bạch mọi thông tin, để Nhà nước, doanh nghiệp giám sát việc xây dựng khung giá thu phí, thời gian hoàn vốn công trình...; tuyệt đối tránh tình trạng “sốt ruột” tăng phí để sớm thu hồi vốn đầu tư như hiện nay, gây nhiều khó khăn cho ngành vận tải và không có lợi cho nền kinh tế cả nước.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
.
.
.
.
.