.
Đà Nẵng-Quảng Nam: Liên kết, hợp tác cùng phát triển

Bài 4: Ươm mầm tương lai

.

Thời gian qua, hợp tác giáo dục và đào tạo là một trong những chủ trương được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đặc biệt quan tâm. Nhờ vậy, đã có nhiều hình thức giao lưu, hợp tác, liên kết, hỗ trợ phát triển, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hai địa phương.

Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS cụm xã Chà Vàl - Zuôich được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng, đã tạo điều kiện để các em học sinh vùng cao có được môi trường học tập tốt nhất.  Trong ảnh: Cô giáo và học sinh của trường trong một tiết học.
Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS cụm xã Chà Vàl - Zuôich được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng, đã tạo điều kiện để các em học sinh vùng cao có được môi trường học tập tốt nhất. Trong ảnh: Cô giáo và học sinh của trường trong một tiết học.

Những nụ cười nơi ngôi trường mới

Một ngày giữa tháng 4, chúng tôi băng qua những con dốc cao, hẹp, khúc khuỷu để tìm đến Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS cụm xã Chà Vàl - Zuôich (gọi tắt là Trường Chà Vàl) nằm ở thôn A Bát, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Trong các lớp học khang trang, những mái đầu trẻ thơ say sưa bên trang sách, cần mẫn gom nhặt tri thức. Giữa không gian bao la của núi rừng, giữa cái nắng gắt chói chang của vùng đất cằn khô sỏi đá, vang lên thanh âm ngọt ngào, dịu vợi của tiếng đọc bài ê a.

Thầy Nguyễn Thanh Long, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước đây, khi Trường ChàVàl chưa được xây dựng, học sinh tại xã ChàVàl và xã Zuôich phải học tại các khu nhà xuống cấp, thiếu thốn cơ sở vật chất. Quãng đường đến trường xa xôi, cách trở, gian nan cũng phần nào ngăn cản bước chân hiếu học của những đứa trẻ vùng cao, những chiếc ghế học sinh hôm thì trống chỗ này, mai lại vắng chỗ kia. “Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của học sinh huyện miền núi, nơi tiếp giáp biên giới, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư xây dựng Trường Chà Vàl.

Năm 2006, ngôi trường được đưa vào sử dụng với khu hiệu bộ, khu học tập, 2 khu nội trú dành cho giáo viên, học sinh, khu vệ sinh. Hiệu quả giáo dục qua đó nâng cao rõ rệt, số lượng học sinh bền bỉ đến trường cũng ngày càng tăng. Năm học 2015-2016 có 230 em học tập tại trường, trong đó có 220 em là người dân tộc thiểu số”, thầy Nguyễn Thanh Long xúc động chia sẻ.

Thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cho thấy, từ năm 2008 đến nay, thành phố Đà Nẵng hỗ trợ cho ngành giáo dục tỉnh hơn 71 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí này chủ yếu tập trung xây dựng 2 trường THPT chuyên (gần 40 tỷ đồng) và các trường vùng miền núi.

Theo ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, sự giao lưu, kết nối của ngành giáo dục giữa hai địa phương trong nhiều năm qua không chỉ thể hiện tính phối hợp mà còn khắc sâu nghĩa tình. “Năm 1997, sau khi chia tách tỉnh, ngành giáo dục Quảng Nam có xuất phát điểm khó khăn vì địa bàn rộng, dân cư phân bố không đều, nhiều huyện thuộc vùng sâu, vùng xa, miền núi, giáp biên giới. Sự có mặt, giúp đỡ kịp thời của ngành giáo dục thành phố Đà Nẵng trong những ngày đầu tỉnh còn khó khăn thật sự là điều đáng trân trọng” ông Hà Thanh Quốc chia sẻ.

Ươm mầm ước mơ

Bên cạnh việc hỗ trợ nguồn kinh phí cho ngành giáo dục của tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng còn duy trì chính sách tuyển sinh vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) đối với học sinh Quảng Nam và đăng ký dự tuyển vào Trường THPT Phan Thành Tài.

Thầy Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho hay, hằng năm, trong công tác tuyển sinh vào lớp 10, nhà trường luôn có chính sách ưu tiên cho các học sinh giỏi, có hạnh kiểm và sức khỏe tốt của tỉnh Quảng Nam vào học tại trường nhằm bảo đảm chỉ tiêu 20 học sinh/năm học. Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh cho biết thêm: “Hợp tác giáo dục giữa hai địa phương được thực hiện từ lâu và tiếp nối một cách bền vững kể từ năm 2008 đến nay. Từ năm học 2008-2009 đến 2015-2016, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã tuyển 127 học sinh và Trường THPT Phan Thành Tài đã tuyển 250 học sinh”.

Trong những năm qua, các em học sinh Quảng Nam học tập tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn với bản tính cần cù, chịu khó, ý thức học tập cao đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2016, em Nguyễn Hữu Minh Thông (lớp 12A2, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, quê phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) đoạt giải nhì môn Toán. Minh Thông tâm sự: “Trên lớp học, chúng em được thầy cô hỗ trợ, chỉ bảo tối đa về mặt kiến thức. Về mặt sinh hoạt, chúng em được nhà trường tạo điều kiện ở miễn phí tại khu nội trú trong khuôn viên trường. Môi trường lý tưởng càng giúp chúng em luôn quyết tâm, cố gắng học tập để trở thành người có ích cho xã hội, cống hiến cho quê hương”.

Bên cạnh đó, hai địa phương còn áp dụng những chính sách tuyển sinh thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh thuộc các cấp học tại các vùng giáp ranh của tỉnh Quảng Nam có thể học tại các trường lân cận trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và ngược lại. “Sự giao lưu, tương tác hai chiều này tạo điều kiện cho các em học sinh của hai địa phương có thể theo học ở các trường gần nhà, thuận tiện cho việc đi lại. Đây là một trong những chủ trương quan trọng nhằm thúc đẩy mối quan hệ giao lưu, hợp tác, liên kết, hỗ trợ phát triển của hai địa phương trên lĩnh vực giáo dục”, ông Nguyễn Đình Vĩnh nói.

Dấu ấn hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai địa phương còn thể hiện đậm nét qua những hoạt động hỗ trợ, giao lưu ý nghĩa giữa ngành giáo dục của tỉnh, thành. “Trong thời gian qua, đội ngũ giáo viên trên địa bàn hai địa phương đã chủ động kết nghĩa, chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu giảng dạy nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…”, ông Hà Thanh Quốc nói. Không dừng lại ở đó, theo ông Hà Thanh Quốc, ngành giáo dục Đà Nẵng còn thường xuyên có những hỗ trợ, giúp đỡ mang tính “thời sự” cho ngành giáo dục của tỉnh Quảng Nam. Cụ thể, trong năm học 2014-2015, lần đầu Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, xét tuyển vào đại học, các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng đã nhiệt tình hỗ trợ, tạo điều kiện cho hơn 1.600 thí sinh từ phía Quảng Nam dự thi tại địa phương.

Hay dịp Tết Nguyên đán 2016, cán bộ, nhân viên Sở GD&ĐT Đà Nẵng đến thăm, chúc Tết, hỗ trợ 300 triệu đồng cho các giáo viên, học sinh khó khăn trên địa bàn tỉnh… Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, trong thời gian đến, thành phố Đà Nẵng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trên địa bàn thành phố hỗ trợ, giúp đỡ chuyên môn cho các trường học khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh đó, hai địa phương sẽ phối hợp đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành công nghiệp, công nghệ cao, các ngành dịch vụ.

Rõ ràng, sự hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai địa phương trong những năm qua đã bước đầu gặt hái quả ngọt. Hy vọng rằng, với sự gắn kết nghĩa tình, ngành giáo dục của hai địa phương sẽ phát triển ngày càng vững mạnh, trở thành vườn ươm đặc biệt, ươm những “hạt mầm” quý giá, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở cả hai địa phương.

Bài và ảnh: TRÂM ANH – QUỐC KHẢI

;
.
.
.
.
.