.

Tạo đà "Thành phố khởi nghiệp"

.

Ngày 18-6, sự kiện “StartupFair 2016 - Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng” lần đầu tiên diễn ra tại thành phố Đà Nẵng với sự tham dự của đại diện chính quyền thành phố, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các nhà tư vấn, đầu tư... và đại diện trong hệ sinh thái khởi nghiệp của các tỉnh, thành phố trong nước; đặc biệt có các đại diện đến từ Cộng hòa Liên bang Đức, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, các chương trình khởi nghiệp quốc tế MBI-ADB, IPP (VN-Phần Lan), SECO EP (Thụy Sỹ)...

Các đối tác tham gia trao đổi tại Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng 2016. Ảnh: DUYÊN ANH
Các đối tác tham gia trao đổi tại Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng 2016. Ảnh: DUYÊN ANH

Được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá là địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện hàng đầu Việt Nam, Đà Nẵng đang thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp bền vững, tiến đến xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia.

Khởi nghiệp từng cấp độ

Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh: Đà Nẵng đã ban hành Chương trình Phát triển khởi nghiệp năm 2016 nhằm tạo động lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố và khởi động tiềm năng phát triển cộng đồng doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp của Đà Nẵng; đồng thời đưa ra những chính sách hỗ trợ về cải cách thủ tục hành chính, tài chính, mặt bằng sản xuất kinh doanh, phát triển công nghệ mới, ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư…, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khởi nghiệp tại Đà Nẵng.

Cùng với đó là sự ra đời của Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố (DSC) và Vườm ươm DN. DSC có sự tham gia của các thành viên đến từ các khu vực Nhà nước, trường học và DN có chức năng nghiên cứu, đề xuất cho lãnh đạo thành phố cơ chế, chính sách liên quan đến khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo... Đây cũng là mô hình duy nhất trong cả nước được tổ chức nhằm thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp và sáng tạo trong phạm vi một địa phương.

Đánh giá về tiềm năng phát triển khởi nghiệp của thành phố, ông Dominic Mellor, Trưởng Dự án Sáng kiến kinh doanh Mekong, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng: “Đà Nẵng đang ở giai đoạn đầu của vườn ươm, nhưng đã nỗ lực tạo ra hệ sinh thái tác động đến địa phương chính là đưa nhà đầu tư nước ngoài đến với Đà Nẵng, đưa những chương trình vườn ươm của Đà Nẵng đến với các công ty nước ngoài. Nhiều năm qua, Đà Nẵng luôn ở nhóm dẫn đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đó là sự cam kết để các DN khởi nghiệp xây dựng và hun đúc tư tưởng sáng tạo và có thể tự hào về điều đó. Đà Nẵng đã có những yếu tố tiên phong để thành công trong mục tiêu này”.

Liên quan đến chương trình tăng tốc khởi nghiệp, thu hút đầu tư vào Đà Nẵng, tạo sự kết nối hiệu quả cho các DN, ông Valto Loikkanen, chuyên gia Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) cho biết: “Cho đến nay, Đà Nẵng đã có những yếu tố cần thiết và mục tiêu cụ thể kêu gọi được các nhà đầu tư, doanh nhân, yếu tố bên ngoài, kinh nghiệm từ các nơi trên thế giới”.

Những dự án ươm tạo tương lai

Theo Vườn ươm DN thành phố, trong 2 năm qua, chính quyền, các trường đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội, các tổ chức, đã có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; trong đó có việc tuyển chọn được 8 dự án (trong số 41 dự án ứng viên) để đưa vào ươm tạo và chuẩn bị tốt nghiệp vào cuối tháng 6 này. Từ thành công ban đầu, Vườn ươm sẽ tiếp tục triển khai chương trình ươm tạo đợt 2 với dự định sẽ lựa chọn ươm tạo khoảng 10 dự án và liên kết đào tạo với Công ty Microsolf - Quỹ Expara Singapore và Lotus Fund của Mỹ với khoảng 15 dự án. Tuy nhiên, hệ sinh thái của Đà Nẵng còn non trẻ; việc tổ chức các thành phần của hệ sinh thái chưa đồng đều, chưa có nhiều nhà đầu tư, tư vấn, đơn vị dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp…

TS. Võ Duy Khương, Chủ tịch DSC nhìn nhận: Đà Nẵng rất trăn trở trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, nếu con đường đổi mới sáng tạo không thực hiện Đà Nẵng sẽ tụt hậu. Đà Nẵng đã hình thành Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp, ban hành chính sách khởi nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Chia sẻ về những giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, một số ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực này đề xuất: Đà Nẵng cần có thời gian lâu dài mới tạo ra sự thành công. Điều quan trọng hơn cần có khát vọng tin tưởng vào những trình tự hệ thống, để có vườn ươm tốt, hệ sinh thái khởi nghiệp tốt bằng nguồn lực được đào tạo bài bản.

Sáu vấn đề trọng tâm trong khởi nghiệp

Để các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh lưu ý 6 vấn đề các sở, ngành, đơn vị nghiên cứu: Tăng cường công tác truyền thông cho hoạt động khởi sự kinh doanh; phổ cập kiến thức, kỹ năng khởi sự DN cho người dân có nhu cầu, nhất là thanh niên, sinh viên, kể cả hộ kinh doanh cá thể, có giải pháp đào tạo doanh nhân phát triển nguồn nhân lực cho khởi sự; đề cao việc đổi mới sáng tạo từ “phòng thí nghiệm ra thị trường” với những công nghệ đột phá; đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư tài chính cho hoạt động khởi nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nhân Đà Nẵng hội nhập ngay từ khi khởi nghiệp; xây dựng và ban hành Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và cộng đồng DN tới năm 2020 và tầm nhìn 2030 với định hướng xây dựng Đà Nẵng trở thành “thành phố khởi nghiệp”.

Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng năm 2016 có 26 gian hàng của các dự án khởi nghiệp, 18 gian gian hàng của các công ty, các đối tác và đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước. Dưới đây là một vài chia sẻ của các dự án tham gia.

Anh Edwin Schens (nhóm Qurasoft, dự án phần mềm xây dựng giải pháp giám sát telemedical hiện đại): “Từ năm cuối ở Trường Đại học Koblenz-Landau - Frankfurt, Đức, tôi và em trai (anh Artur Schens - PV) cùng nghiên cứu một ứng dụng y tế giúp theo dõi tiến triển sức khỏe của bệnh nhân bằng cách kết nối trực tiếp tài khoản của bệnh nhân với tài khoản của bác sĩ. Trước đây, bệnh nhân phải tự ghi lại diễn biến bệnh tật của mình (huyết áp, nhiệt độ, số lần đau trong 1 ngày,...) để thông báo cho bác sĩ trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể quên hoặc thậm chí... lười không làm việc này. Ứng dụng của chúng tôi giúp những thông tin đó được lưu trữ trực tiếp vào hệ thống của bác sĩ ngay khi bệnh nhân tự đo các chỉ số của mình. Như vậy, chỉ cần 1 ngày quên không đo thì bác sĩ sẽ biết và nhắc nhở”.

Anh Nguyễn Xuân Bằng (Nhóm Gcall, dự án kết nối người mua thông qua dịch vụ liên lạc đa ngôn ngữ): “Nhiều chủ trang bán hàng trực tuyến rất cần motif phần mềm để tiếp nhận, quản lý những cuộc gọi, tin nhắn của khách hàng. Năm 2015, tôi và một người bạn thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp Gcall Việt Nam nhằm cung cấp phần mềm có thể đáp ứng được nhu cầu đó. Thời điểm đó tôi không có vốn, khi “rải đơn” xin kêu gọi đầu tư (tại Việt Nam, Singapore, Mỹ và nhiều nước khác), một nhà đầu tư Singapore đã chấp nhận dự án của chúng tôi. Cái khó nhất sau khi có vốn chính là phải gầy dựng được một đội ngũ nhân viên có cùng chung chí hướng. Hiện nay, công ty đã có 15 người. Dự kiến tháng 8-2016, phần mềm Gcall sẽ được công bố trên App Store của tập đoàn Apple”.

Anh Ricki Rosenfeldt (Nhóm nEcotox, dự án thiết lập thử nghiệm các sinh trắc nghiệm về các hạt nano): “Chúng tôi theo học chương trình cử nhân khi ngành công nghiệp nano bắt đầu bùng nổ. Tuy nhiên, hầu như không có bất kỳ một công ty nào cung cấp dụng cụ kiểm tra lượng độc tố mà ngành công nghiệp thải ra. Chúng tôi đã nghiên cứu đề tài này từ lúc còn đại học cho đến khi làm nghiên cứu sinh. Thử thách lớn nhất là lúc đưa sản phẩm ra thị trường, thuyết phục khách hàng sử dụng dụng cụ kiểm tra độc tố của mình. Dựa trên những yêu cầu của khách hàng, chúng tôi dần dần cải tiến, bổ sung sản phẩm. Tôi tin rằng sản phẩm này có tính ứng dụng rất lớn trên cả thế giới chứ không riêng gì tại Đức”.

Chị Trịnh Thị Hồng (nhóm Minh Hồng, Đà Nẵng với dự án nước rửa chén, lau nhà sinh học): “Ý tưởng làm nước tẩy rửa từ rác thải đến với tôi sau khóa học “Phát triển cộng đồng nghèo đô thị châu Á” tại Thái Lan vào năm 2012. Đầu tiên tôi chỉ làm dùng trong nhà, rồi đem bày cho các chị em hàng xóm. Tôi đã lớn tuổi, lại không biết tiếng Anh và chẳng có kiến thức kinh doanh, vì vậy vào đến vòng này đối với tôi đã là một thành công. Tôi mong sản phẩm của mình được nhiều người biết đến và đón nhận, để người ta biết rằng rác thải vẫn có thể dùng để tẩy rửa, chứ không phải là thứ bỏ đi. Hiện nay, chị em 31 chi hội phụ nữ ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu đều đã biết công thức. Nếu dự án thành công, hy vọng đến năm 2017, tôi có thể tạo ra việc làm cho khoảng hơn 3.000 người”.                                                                 

Khang Ninh ghi

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.