Kinh tế

Thỏa ước lao động tập thể Nhóm doanh nghiệp ngành Du lịch - Dịch vụ tại Đà Nẵng

Những chuyển biến ban đầu

08:31, 28/06/2016 (GMT+7)

Sau ba tháng triển khai thực hiện Thỏa ước Nhóm doanh nghiệp ngành Du lịch - Dịch vụ (gọi tắt là Thỏa ước Nhóm) tại thành phố Đà Nẵng, bước đầu phát huy hiệu quả trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Kết quả đạt được tại 4 doanh nghiệp thực hiện thí điểm là cơ sở quan trọng để Liên đoàn Lao động thành phố tiếp tục nhân rộng mô hình trong thời gian đến.

Những đánh giá khách quan từ Hội thảo thực hiện Thỏa ước Nhóm là cơ sở để Liên đoàn Lao động thành phố nhân rộng mô hình trong thời gian đến. Ảnh: Sáng Phan
Những đánh giá khách quan từ Hội thảo thực hiện Thỏa ước Nhóm là cơ sở để Liên đoàn Lao động thành phố nhân rộng mô hình trong thời gian đến. Ảnh: Sáng Phan

Sau gần 2 năm xây dựng nội dung và tổ chức thương lượng, đàm phán giữa các bên, ngày 14-1-2016, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố, Hiệp hội Du lịch thành phố và 4 doanh nghiệp là Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ thương mại Phú An Thịnh, Công ty CP Du lịch Phương Đông Việt, Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours, Công ty CP Khách sạn SaigonTourane thống nhất, ký kết bản Thỏa ước Nhóm đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng. Theo đó, sau thời gian 60 ngày từ khi ký kết, 4 doanh nghiệp nói trên  đồng loạt thực hiện việc thay đổi các nội dung trong bản Thỏa ước doanh nghiệp (đã thương lượng, ký kết và thực hiện tại doanh nghiệp trước khi có Thỏa ước Nhóm) theo các nội dung mới được quy định trong bản Thỏa ước Nhóm với nhiều điều khoản cao hơn so với các quy định của pháp luật hiện hành.

Để nội dung Thỏa ước Nhóm nhanh chóng đi vào thực tiễn mang lại quyền lợi cho người lao động, một mặt, LĐLĐ thành phố hoàn thiện hồ sơ, gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO), Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Hiệp hội Du lịch thành phố biết và chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để làm cơ sở pháp lý giải quyết tranh chấp lao động khi phát sinh.

Đồng thời, LĐLĐ thành phố chỉ đạo các ban chuyên đề tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh thông tin của tổ chức Công đoàn thành phố. Mặt khác, LĐLĐ thành phố đã chỉ đạo Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở 4 doanh nghiệp tham gia ký kết, tích cực phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức triển khai, tuyên truyền đến người lao động thông qua các buổi họp Tổ Công đoàn, họp chuyên môn, Hội nghị người lao động; công khai nội dung bản Thỏa ước nhóm trên các trang thông tin nội bộ, các bản tin doanh nghiệp để người lao động theo dõi và giám sát việc thực hiện.

Điểm nổi bật sau khi ký kết Thỏa ước Nhóm là các doanh nghiệp thí điểm đã xây dựng lại thang lương, bảng lương, trong đó, điều chỉnh mức lương thấp nhất trả cho người lao động là 3.426.000 đồng/người/tháng (bảo đảm cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định hằng năm ít nhất 3,3%). Đây là nội dung khó nhất trong việc thực hiện Thỏa ước Nhóm, bởi lẽ theo các doanh nghiệp, mỗi năm 4 doanh nghiệp phải chi thêm tổng số tiền khoảng gần 1,4 tỷ đồng để thực hiện việc điều chỉnh tăng lương cho 971 lao động theo Thỏa ước Nhóm, muốn làm được điều này, đòi hỏi doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, tăng cường tiết kiệm chi mới có thể thực hiện được.

Cũng theo nội dung Thỏa ước Nhóm, chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động được cải thiện khi người sử dụng lao động quan tâm bố trí phòng ăn sạch sẽ, có người phục vụ hoặc người lao động tự phục vụ theo nhu cầu; đồng thời, tăng mức phụ cấp ăn ca từ 14.000 đồng/bữa/ca lên 20.000 đồng/bữa/ca. Riêng Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ Phú An Thịnh tạo điều kiện để người lao động có thể ăn một ngày từ 1-2 bữa tùy thuộc vào lịch làm việc của từng ca và duy trì chế độ ăn ca cho người lao động với mức 40.000 đồng/bữa/ca.

Việc điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động đã được doanh nghiệp phối hợp với Công đoàn thực hiện công khai và nhận được sự đồng tình của người lao động. Các chế độ lễ, Tết, trợ cấp khó khăn được doanh nghiệp bảo đảm đầy đủ, thực hiện công khai (tùy theo từng trường hợp với mức thấp nhất từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng). Ngoài mức trợ cấp của doanh nghiệp, Công đoàn tại 4 doanh nghiệp còn thực hiện việc hỗ trợ thêm cho mỗi trường hợp khó khăn từ 200.000 – 300.000 đồng…

Phản ánh từ các doanh nghiệp cho thấy, sau khi triển khai thực hiện Thỏa ước Nhóm với sự cam kết mạnh mẽ của người sử dụng lao động trong việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động, một số trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng với doanh nghiệp và chuyển đến làm việc tại một số doanh nghiệp cùng ngành nghề khác trên địa bàn thành phố đã quay trở lại với doanh nghiệp, đây chính là tín hiệu vui, thể hiện sự tích cực của các bản thỏa ước trong việc góp phần tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh về nguồn lao động có chất lượng trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ trên địa bàn thành phố, đồng thời tạo niềm tin cho người lao động và các doanh nghiệp khi tham gia thực hiện Thỏa ước Nhóm. Đây cũng chính là cơ sở để LĐLĐ thành phố tiếp tục xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình Thỏa ước Nhóm tại 10 doanh nghiệp ngành du lịch - dịch vụ trong thời gian đến.

Sáng Phan

.