Kinh tế
Thu hút hỗ trợ quốc tế cho khởi nghiệp
Với chiến lược thu hút nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức kinh tế và giáo dục lớn trên thế giới, khởi nghiệp Đà Nẵng đang đi đúng hướng và hứa hẹn thành công.
Thảo luận về môi trường khởi nghiệp ở Đà Nẵng từ nhiều góc nhìn: chính quyền, trường đại học, nhà đầu tư, nhà khởi nghiệp... Ảnh: KHANG NINH |
Tìm người hướng dẫn
Theo ông Lý Đình Quân, Phó Giám đốc điều hành Vườn ươm Doanh nghiệp (VUDN) thành phố, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp khởi nghiệp Đà Nẵng là thiếu người hướng dẫn (tiếng Anh là “mentor”). Mỗi dự án khởi nghiệp đều cần một người hướng dẫn là doanh nhân hay chuyên gia trong ngành, có đủ kinh nghiệm để tư vấn, định hướng, giới thiệu cơ hội tiếp cận thị trường… “Các doanh nhân ở Đà Nẵng đa số theo “kiểu cũ”, kiến thức kinh doanh của họ rất tốt nhưng không thật sự phù hợp với công việc ươm tạo khởi nghiệp hiện nay. Trong khi đó, làm người hướng dẫn cho các dự án khởi nghiệp đòi hỏi kiến thức và sự cam kết rất lớn của doanh nhân đối với xã hội. Một cái khó nữa, các doanh nhân chưa thấy được lợi ích của việc hợp tác với doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Quân cho biết.
Do vậy, ngoài việc kết nối mạng lưới các doanh nhân khởi nghiệp thành công trong nước để mở rộng hệ thống người hướng dẫn, Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố liên tục kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Tháng 4 vừa qua, dự án “Huấn luyện gia tăng năng lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp”, do Microsoft Việt Nam phối hợp với Công ty Huấn luyện và đầu tư mạo hiểm Expara (Singapore) và Công ty Phần mềm công nghệ cao CLAS (Anh) đã được ký kết triển khai.
Trong 5 tháng, khóa huấn luyện sẽ trang bị các kỹ năng cơ bản về công nghệ số và kinh doanh dựa trên công nghệ thông tin, đồng thời giúp các nhóm khởi nghiệp tiếp cận với mentor trong và ngoài nước. Quỹ Lotus (Mỹ) cũng vừa ký kết với VUDN thành phố triển khai chương trình tương tự, tập trung vào các dự án khởi nghiệp của phụ nữ. Trước đó, quỹ này hỗ trợ cho 5 dự án khởi nghiệp của sinh viên Đà Nẵng.
Là người sáng lập của nhóm khởi nghiệp Zody (ứng dụng di dộng trong mảng chăm sóc khách hàng và marketing), anh Thống Lê Anh Tuấn (Đà Nẵng) chia sẻ: Nhóm khởi nghiệp thành công cần phải có sự hỗ trợ của người hướng dẫn. Trong suốt 6 tháng ươm tạo Zody, anh Tuấn đã được doanh nhân khởi nghiệp Hồ Việt Hải (thành phố Hồ Chí Minh) hướng dẫn về bán hàng và quảng bá thương hiệu - là chuyên ngành của người hướng dẫn này.
Ông Quân cho biết, nhiệm vụ trọng tâm năm nay của VUDN thành phố là thiết lập được mạng lưới người hướng dẫn, với mục tiêu mỗi nhóm khởi nghiệp sẽ được tiếp cận 1-2 người hướng dẫn thường xuyên. “Càng phát triển, các nhóm khởi nghiệp càng có yêu cầu cao hơn, đòi hỏi đối với người hướng dẫn nhiều hơn”.
Các chương trình “train to train” (huấn luyện cho người hướng dẫn) sẽ giúp tạo nguồn người hướng dẫn lâu dài và vững chắc cho khởi nghiệp Đà Nẵng. Trong năm 2016, Viện ZEFIT (thuộc ĐH Koblen – Landau, Đức) phối hợp với ĐH Đà Nẵng và Trường ĐH Duy Tân thực hiện chương trình đào tạo thạc sỹ khởi nghiệp. Vào tháng 7-2016, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam sẽ xúc tiến việc đào tạo cho các người hướng dẫn và người quản lý các chương trình ươm tạo tại Đà Nẵng.
Đưa nhà đầu tư đến dự án khởi nghiệp
Theo anh Nguyễn Xuân Bằng (người sáng lập Công ty Khởi nghiệp Gcall, cung cấp ứng dụng di động kết nối người mua thông qua dịch vụ liên lạc đa ngôn ngữ), điều “đau đầu” của các doanh nghiệp khởi nghiệp chính là vốn. “Người khởi nghiệp chưa có gì trong tay nên vay ngân hàng rất khó, chỉ trông chờ vào các nhà đầu tư”, anh Bằng cho biết. Trong khi đó, chị Lê Nguyễn Hải Yến, phụ trách Đầu tư đối ngoại của VUDN thành phố cho biết, nguyên tắc kêu gọi vốn trong khởi nghiệp là thu hút nhà đầu tư bằng chính dự án của mình. Nếu dự án đủ tốt, nhà đầu tư sẽ tìm tới. Tuy nhiên, nếu không có phương thức quảng bá thì một dự án dù tốt đến mấy cũng chỉ… trong nội bộ nhóm khởi nghiệp tự biết với nhau. Chính vì vậy, một nhiệm vụ quan trọng khác của hệ thống điều phối mạng lưới khởi nghiệp là làm sao để sản phẩm khởi nghiệp tìm được đường đến với các nhà đầu tư.
Tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã ký kết với Hội đồng Điều phối khởi nghiệp Đà Nẵng để triển khai “Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Mekong” (MAIN). Tại buổi ký kết, ông Dominic Mellor, Giám đốc điều hành của MBI (Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong – được ADB và Chính phủ Úc hợp tác phát triển) cho biết: MAIN sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam, ghép họ với các nhà đầu tư địa phương, tối đa hóa các mối liên kết giữa nhóm đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư Úc, Mỹ, châu Âu và Việt Nam đã cam kết với MAIN.
Thông qua Triển lãm khởi nghiệp (Startup Fair Đà Nẵng 2016), các chương trình Startup Weekend, Startup Runway…, các nhóm khởi nghiệp có cơ hội “trình diễn” thành quả của mình để thu hút nhà đầu tư. Ông Quân cho biết, các chương trình này sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển, đặc biệt Triển lãm khởi nghiệp sẽ trở thành một sự kiện thường niên tại Đà Nẵng.
Để thu hút nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp từ cộng đồng quốc tế, sự phối hợp nhịp nhàng giữa đơn vị ươm tạo và chính quyền là rất cần thiết. Đà Nẵng đã ban hành chương trình “Phát triển khởi nghiệp Đà Nẵng 2016”, kế hoạch hành động cụ thể được phân cho các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp, quỹ đầu tư,… Từ đầu năm 2016, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng làm việc với Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và công nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Đại sứ quán một số nước như Israel, Na Uy, Đan Mạch,… để giới thiệu về Chương trình khởi nghiệp của thành phố và vận động nguồn tài trợ.
KHANG NINH