Kinh tế

Doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa

08:05, 25/07/2016 (GMT+7)

Điều kiện quan trọng nhất để các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu được hưởng mức ưu đãi thuế quan là hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ, thiết kế riêng cho từng hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm vững quy tắc và thực hiện thông suốt.

Khi FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ năm 2018, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản... sẽ có cơ hội giảm thuế về 0% trong vòng 3-7 năm.      Ảnh: DUYÊN ANH
Khi FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ năm 2018, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản... sẽ có cơ hội giảm thuế về 0% trong vòng 3-7 năm. Ảnh: DUYÊN ANH

Bỏ qua cơ hội ưu đãi

Gần đây, tại khóa tập huấn “Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa” do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) phối hợp với Trung tâm WTO thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ở Đà Nẵng có khá nhiều DN xuất khẩu của Đà Nẵng và miền Trung tham dự. Khi đề cập chi tiết nội dung này, hầu hết DN đều “lắc đầu”, cho rằng việc vận dụng các quy tắc ưu đãi xuất xứ không dễ dàng. Đại diện các DN xuất khẩu ở một số nhóm hàng chủ lực như dệt-may, da giày, thủy sản cho hay, mặc dù hiểu rất rõ về rào cản quy tắc xuất xứ nhưng chỉ những sản phẩm đáp ứng các quy tắc xuất xứ của một FTA mới có thể hưởng các mức thuế suất ưu đãi của FTA đó. Thực tế, nhiều DN trong nước vẫn chưa nắm bắt hoặc tận dụng tốt các ưu đãi này. Sự phức tạp cũng như số lượng lớn yêu cầu quy tắc khiến các DN ngần ngại, không bắt tay triển khai. Do vậy, tỷ lệ DN Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng tận dụng được ưu đãi thuế từ FTA đến nay còn khá thấp.

Bà Nguyễn Thị Hương Ly, Phó Giám đốc một DN may mặc trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cho biết: “Thời gian qua, DN phải nhập tới 70% nguyên phụ liệu từ nước ngoài, riêng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm hơn 40%, còn lại là một số nước như Hàn Quốc, hay các nước ở Đông Nam Á… Do không chủ động về nguyên liệu, trong khi tỷ lệ nội địa hóa thấp nên DN rất khó tận dụng cơ hội giảm thuế, tăng xuất khẩu mà các hiệp định thương mại mang lại”. Một số DN vừa và nhỏ cũng lo lắng hơn khi các chi phí gần đây liên tục tăng.

Ông Hồ Đức Bình, Giám đốc Công ty Gỗ xuất khẩu Bình Định bày tỏ: “Muốn đủ nguyên liệu làm hàng xuất khẩu, chúng tôi phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia. Vì vậy, để hưởng ưu đãi thuế, trong thời gian tới, DN phải tăng tỷ lệ nội địa hóa về nguyên liệu trong sản phẩm, phải bảo đảm chất lượng và nguồn gốc, xuất xứ gỗ hợp pháp. Việc đáp ứng những tiêu chuẩn này có thể khiến chi phí sản xuất tăng lên, trong khi giá thành từ những đơn hàng không thay đổi. Đó cũng là trở ngại lớn đối với DN khi tính tới việc hoàn tất một trong các thủ tục hưởng ưu đãi”.

Tương tự, không ít đơn vị làm hàng thủy sản xuất khẩu của Đà Nẵng mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn trong bối cảnh nguyên liệu khai thác tại chỗ khan hiếm, phải phụ thuộc vào việc thu mua từ các nơi. Điều này khá rủi ro cho các DN trước hàng loạt đơn hàng bị hủy hợp đồng, bởi cáo buộc tồn dư lượng kháng sinh trong tôm, cá… vẫn chưa thể kiểm soát.

Mặc dù có rất nhiều trở ngại như vậy nhưng bà Bùi Kim Thùy, Phó  phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết: “Quy tắc xuất xứ là công cụ để xác định hàng hóa nhập khẩu có được hưởng thuế quan ưu đãi hay không. Vì vậy, để hưởng ưu đãi thuế quan từ các FTA, cách duy nhất là đáp ứng được quy tắc xuất xứ của từng FTA cụ thể. Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là xu thế tất yếu, giúp DN thuận lợi trong đón đầu các FTA thế hệ mới, đặc biệt là TPP, EVFTA, hay trước mắt là AEC với ATIGA”.

Phải nắm vững quy tắc

Theo Bộ Công thương, việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được triển khai từ năm 2015 cho các DN khu vực miền Bắc và miền Nam, nhưng chỉ thí điểm và đến nay mới có 1-2 DN tự chứng nhận. Bộ Công thương đang nhận hồ sơ một số DN xin tự chứng nhận nhưng đây chỉ là chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sang thị trường ASEAN, chưa có những thị trường khác.

Thực tế cho thấy, việc tự chứng nhận quy tắc xuất xứ sẽ trở thành hàng rào kỹ thuật nếu DN không nắm vững quy tắc. Đây là khó khăn lớn mà DN phải đối mặt trong thời gian qua. Khi DN chưa hiểu rõ yêu cầu của quy tắc xuất xứ, quy định hàm lượng xuất xứ với từng hiệp định thì DN chưa biết chuẩn bị hồ sơ như thế nào cho phù hợp hoặc thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi cơ cấu nguyên liệu ra sao để có thể đáp ứng quy tắc xuất xứ đó. Một trong những khó khăn lớn nhất đối với DN khi áp dụng hình thức này là kim ngạch xuất khẩu.

Với quy định của Thông tư 28/2015/TT-BCT, DN phải đạt kim ngạch xuất khẩu tối thiểu 10 triệu USD; có quá trình chấp hành tốt pháp luật, nhất là thuế, hải quan, xuất nhập khẩu; bộ máy đủ năng lực… bởi khi tự chứng nhận, nghĩa là DN đang tự làm thay vai trò của Nhà nước. Nếu đội ngũ cán bộ DN không nắm bắt vấn đề, quy định cần thiết dẫn đến chứng nhận sai thì không chỉ ảnh hưởng đến DN mà còn ảnh hưởng đến quốc gia. Vì vậy, nếu không có các chương trình tập huấn kịp thời và thường xuyên cho DN và bản thân DN không chủ động cập nhật thông tin, trang bị kiến thức thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đề nghị các DN cần thực hiện bài bản và đầy đủ thủ tục cũng như bố trí nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện tốt cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ các FTA thế hệ mới này. Quy tắc xuất xứ là nội dung quan trọng của FTA, giúp DN tận dụng ưu đãi từ cam kết thuế. Chỉ khi áp dụng đúng, chính xác quy tắc xuất xứ ưu đãi, nhà sản xuất, xuất khẩu mới có được C/O (hoặc tự chứng nhận xuất xứ) ưu đãi để được hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu tới các nước thành viên FTA.

DUYÊN ANH

.