.
Học cách làm mới

Bài cuối: Hải Phòng tạo đột phá thu hút đầu tư

.

Bằng cách làm mới, thành phố Hải Phòng tạo đột phá mạnh mẽ trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tạo cơ chế và môi trường đầu tư ưu đãi, kích thích nhiều dự án lớn với vốn đầu tư hàng tỷ USD. Trong chuyến công tác mới đây, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đến tìm hiểu các giải pháp trong thu hút đầu tư của thành phố Hải Phòng; trực tiếp tìm hiểu mô hình hoạt động tại Khu Công nghiệp (KCN) Tràng Duệ và đến thăm Nhà máy sản xuất thiết bị điện, điện tử của Tập đoàn LG với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thăm Công ty TNHH LG Hải Phòng-Việt Nam (KCN Tràng Duệ), nơi đầu tư 1,5 tỷ USD để sản xuất thiết bị điện, điện tử. 			Ảnh: VIỆT DŨNG
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thăm Công ty TNHH LG Hải Phòng-Việt Nam (KCN Tràng Duệ), nơi đầu tư 1,5 tỷ USD để sản xuất thiết bị điện, điện tử. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thu hút nhiều nhà đầu tư tầm cỡ

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam, trong giai đoạn 2011-2015, Hải Phòng trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước khi thu hút một số dự án của các tập đoàn lớn, có uy tín trên thế giới. Trong đó, nổi bật là đầu năm 2016, địa phương phối hợp tổ chức khởi công dự án sản xuất, gia công màn hình OLED của Tập đoàn LG Display với tổng vốn đăng ký 1,5 tỷ USD. Đây là dự án thứ hai Tập đoàn LG đầu tư tại Hải Phòng. Trước đó, LG cũng đã đầu tư dự án sản xuất thiết bị điện, điện tử LG trên dây chuyền tự động, hiện đại nhất khu vực cũng với số vốn 1,5 tỷ USD tại KCN Tràng Duệ.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2016, Hải Phòng thu hút tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt gần 1,74 tỷ USD. Trong đó, 18 dự án được cấp mới với tổng mức đầu tư hơn 1,6 tỷ USD; 13 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm gần 128 triệu USD. Đến nay, tổng vốn FDI tại Hải Phòng hơn 12 tỷ USD, vượt xa so với nhiều địa phương trên cả nước. Các dự án FDI đầu tư tại Hải Phòng tập trung vào công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo các thiết bị điện tử, chi tiết và linh kiện công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, các sản phẩm đất hiếm... Ngoài hai dự án lớn của Tập đoàn LG, một số tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, Italia... với công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường đã đầu tư sản xuất và cho ra sản phẩm như: Nhà máy sản xuất lốp xe Bridgestone (574,8 triệu USD); sản xuất thuốc Nipro Pharma (250 triệu USD); sản xuất máy in, photocopy Fuji Xerox (119 triệu USD)...

Bên cạnh các dự án đầu tư nước ngoài, thành phố cũng thu hút được nhiều dự án lớn với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng từ các nhà đầu tư trong nước như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Him Lam... phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại, tạo điều kiện để thành phố đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp. Điểm nổi bật trong 5 tháng đầu năm 2016 tại Hải Phòng là phối hợp tổ chức khởi công Cảng container quốc tế Hải Phòng và khánh thành Dự án xây dựng mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Từ đây sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi hơn nữa để Hải Phòng tiếp tục là địa chỉ mà các nhà đầu tư tìm đến.

Hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ, nhiều tiện ích

Việc Hải Phòng ban hành nhiều cơ chế ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân dành cho khu kinh tế đã kích thích nhà đầu tư tìm đến. Hiện tại, Tràng Duệ là KCN thu hút được nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn vào Hải Phòng với tổng vốn đầu tư chỉ trong hai năm 2015 và 2016 là hơn 2,1 tỷ USD. Giai đoạn 1 với diện tích 187ha hiện đã lấp đầy các dự án đầu tư. Giai đoạn 2 với diện tích 214ha đã lấp đầy 70% diện tích.

Theo ông Bùi Thế Long, Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Sài Gòn-Hải Phòng, chủ đầu tư KCN Tràng Duệ, có được thành quả này, đầu tiên phải kể đến yếu tố hạ tầng đồng bộ và hiện đại, thân thiện với môi trường. Ngoài việc cung cấp đủ các tiện ích như đường nội bộ, điện, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, hạ tầng viễn thông và nhiều tiện ích khác, chủ đầu tư còn đề ra quy định khắt khe đối với các hạng mục xây dựng tại KCN; thường xuyên nâng cấp và trồng mới cây xanh dọc các tuyến đường nội bộ. KCN Tràng Duệ đã dành diện tích 42ha/gần 200ha của giai đoạn 1 để xây dựng nhà ở cho cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại KCN. Điều này giúp các nhà đầu tư giảm chi phí, ổn định được lực lượng lao động.

Ngoài việc đẩy nhanh tốc độ dự án cơ sở hạ tầng tại các KCN như khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải, KCN Tràng Duệ, KCN hỗ trợ chuyên sâu dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, thành phố Hải Phòng tiếp tục chuẩn bị mặt bằng sạch tại KCN VSIP Hải Phòng để đón nhà đầu tư mới. Cùng với đó là phát triển các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành, có tính liên kết theo chuỗi sản xuất.

Trong xúc tiến kêu gọi đầu tư, Hải Phòng tiếp tục chủ động phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nghiên cứu đối tác, thị trường. Đặc biệt, Hải Phòng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ có chất lượng để cung cấp cho các dự án FDI, bắt nhịp kịp thời với giai đoạn kinh tế hội nhập sâu và các rào cản đầu tư thương mại được dỡ bỏ.

Thành phố đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư với nhiều cách thức đa dạng; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, hạ tầng các KCN; tăng cường quản lý, hướng dẫn, giám sát các doanh nghiệp hoạt động theo quy định pháp luật và bảo vệ môi trường; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ có chất lượng cung cấp cho các dự án FDI...

Việt Dũng

;
Tin liên quan
.
.
.
.
.