Kinh tế

Khi "người bảo trợ" gặp khó

08:50, 12/07/2016 (GMT+7)

Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Đà Nẵng (gọi tắt là Quỹ BLTD) được thành lập từ đầu năm 2014, nhằm bảo lãnh cho doanh nghiệp (DN) vay vốn tại các ngân hàng (NH) trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, tròn 1 năm (kể từ tháng 6-2015 đến nay), Quỹ không thể bảo lãnh cho một DN nào.

Có tài sản thế chấp mới được bảo lãnh vay vốn

Điều 23, Quyết định 58/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là QĐ 58) về Ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, quy định DN phải dùng tài sản hiện có hoặc tài sản trong tương lai của mình mà pháp luật không cấm giao dịch để bảo đảm cho việc bảo lãnh vay vốn của Quỹ BLTD. Đây là điểm khác biệt lớn nhất của QĐ này so với “tiền bối” là QĐ 193/2001/QĐ-TTg (đã hết hiệu lực và được thay thế bởi QĐ 58 - PV). Ông Đoàn Ngọc Vui, Giám đốc Quỹ BLTD Đà Nẵng, nói: “Nếu doanh nghiệp đã có tài sản bảo đảm thì sẽ chẳng ai đến Quỹ BLTD để xin bảo lãnh cả. Họ sẽ đến thẳng NH vay vốn cho nhanh và bớt tốn kém”.

Trên lý thuyết, tài sản bảo đảm có thể không giúp DN được vay ở NH nhưng vẫn được Quỹ BLTD bảo lãnh. Theo QĐ 58, để được cấp BLTD, DN chỉ cần có tổng giá trị tài sản thế chấp tại ngân hàng bằng 15% giá trị khoản vay. Trong khi đó, để được vay trực tiếp tại NH, tài sản thế chấp thường phải được định giá tương đương 120-140% giá trị khoản vay. Như vậy, bằng chứng thư, Quỹ BLTD có thể giúp DN vay tín chấp phần chênh lệch còn lại. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này đẩy Quỹ BLTD vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi có rủi ro xảy ra. Bởi lẽ, theo Thông tư 05/2015/TT-NHNN (TT 05) của NH Nhà nước, khi doanh nghiệp không trả được nợ, Quỹ BLTD phải trả nợ ngay khi được yêu cầu, nếu không thì phải chuyển tài sản bảo đảm cho NH xử lý nợ. “Trả nợ thì sẽ đụng vào vốn ngân sách, ắt có “vấn đề” ngay,” ông Vui nói.

Ông Vui cho biết thêm, đến tháng 6-2015, Đà Nẵng đã linh động bằng quy chế nghiệp vụ riêng của Quỹ BLTD. Cụ thể, trong trường hợp DN gặp khó khăn, Quỹ BLTD có thể bảo lãnh không quá 2 tỷ đồng trong phần chênh lệch giữa giá trị tài sản thế chấp của DN tại NH và mức vốn tối đa DN được vay trên tài sản thế chấp đó. NH sẽ giải ngân trên tài sản thế chấp trước rồi mới đến chứng thư. Còn khi thu hồi vốn thì sẽ giải chấp trên chứng thư trước, tài sản thế chấp sau. Trong trường hợp rủi ro, NH sẽ thanh lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ, phần còn lại trả Quỹ BLTD trước, sau đó mới đến DN. Chính nhờ vậy, kể từ lúc đi vào hoạt động (tháng 4-2014) đến tháng 6-2015, Quỹ BLTD đã bảo lãnh 15 lượt vay cho 14 DN, tổng số tiền vay 18,2 tỷ đồng. Ông Vui thừa nhận: “Cũng may, đến bây giờ Quỹ BLTD không còn nợ tại ngân hàng”.

Từ tháng 6-2015, Bộ Tài chính chỉ đạo các quỹ BLTD địa phương phải thực hiện đúng QĐ 58 và TT 05. “Cả nước có 27 quỹ BLTD ở 27 tỉnh, thành, bây giờ quỹ nào cũng đứng”, ông Vui nói.

Đi tìm tiếng nói chung

Cuối tháng 4 vừa qua, trong buổi tọa đàm tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động BLTD để tăng cường hỗ trợ DN tiếp cận vốn được tổ chức bởi NH Nhà nước Việt Nam tại Đà Nẵng, nhiều vướng mắc giữa Quỹ BLTD và các NH đã được đưa ra thảo luận. Đại diện NH TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng, cho biết: Từ trước đến nay, NH này chỉ mới cho vay thông qua Quỹ BLTD đối với 3 DN với tổng số tiền vay trên 4 tỷ đồng. NH Công thương là một trong 3 ngân hàng chấp nhận chứng thư của Quỹ BLTD (bên cạnh NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam).

Theo QĐ 58, chứng thư của Quỹ BLTD là chứng thư có điều kiện, tuy nhiên đến nay, hầu hết các NH chỉ chấp nhận chứng thư vô điều kiện, không hủy ngang. Nếu cho vay tín chấp bằng chứng thư có điều kiện, nhiều NH sẽ thiên về việc chọn tài sản bảo đảm hơn. Cụ thể, QĐ 58 yêu cầu NH phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của DN đúng với mục đích vay ban đầu hay không. Nếu không chứng minh được thì trong trường hợp rủi ro, Quỹ BLTD sẽ không trả nợ thay cho DN. Trong khi đó, nếu NH cho vay trên tài sản thế chấp thì chỉ cần phát mãi tài sản này để thu hồi nợ. Chính điều này lại càng làm cho các NH “chùn tay” trong việc cho vay dựa trên chứng thư của quỹ BLTD. Theo người đại diện của NH TMCP Công thương, Chi nhánh Đà Nẵng, “các NH rất muốn cho vay, nhưng điều khoản của Quỹ BLTD thì lại... chặt chẽ quá”.

Ông Vui cho biết, UBND thành phố đã có ý kiến đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh QĐ 58. Tuy vậy, từ giờ đến lúc đó, Quỹ BLTD sẽ vẫn rất khó thu hút được DN đến để bảo lãnh vay vốn.

Theo số liệu khảo sát năm 2016 của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, nhu cầu được BLTD đứng thứ 3 trong số các nhu cầu hỗ trợ về tài chính, tín dụng của doanh nghiệp (sau nhu cầu được hỗ trợ lãi vay và kéo dài thời gian vay). Tuy nhiên, 61,7% doanh nghiệp không biết hoặc không tiếp cận quỹ BLTD; 26,4% doanh nghiệp cho rằng quỹ “khó tiếp cận” với lý do chính là vướng vấn đề tài sản thế chấp.

KHANG NINH

.