Kinh tế

Nhà đầu tư đề xuất giảm 10% mức phí trên Quốc lộ 5 từ ngày 1/8

15:12, 18/07/2016 (GMT+7)

Để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người tham gia giao thông, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, nhà đầu tư và Nhà nước, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) vừa có đề xuất giảm 10% mức thu phí đang áp dụng đối với xe nhóm 4 và 5 trên Quốc lộ 5 từ ngày 1/8 đồng thời đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có phương án Nhà nước hỗ trợ thêm cho dự án với mức phù hợp tương ứng để đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính.

Trạm thu phí số 1 của tuyến Quốc lộ 5. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Trạm thu phí số 1 của tuyến Quốc lộ 5. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Hiện tại, VIDIFI áp dụng mức phí quy định tại Thông tư 153/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 02/10/2015 trên Quốc lộ 5. Theo đó, từ ngày 01/4 vừa qua, mức phí qua trạm thu phí Quốc lộ 5 đối với xe tiêu chuẩn là 45.000 đồng/xe/trạm.

Đưa ra cơ sở về việc điều chỉnh giá vé này, lãnh đạo VIDIFI dẫn chứng, mức thu phí hiện tại trên Quốc lộ 5 là mức phí được ban hành trên cơ sở các bộ ngành, địa phương xem xét, thống nhất và mức thu phí này tương ứng với mức thu phí tại hơn 30 trạm thu phí trên các tuyến Quốc lộ hiện hành.

Thừa nhận việc xem xét giảm mức thu phí trên Quốc lộ 5 gặp một số khó khăn, phía VIDIFI cho rằng, hiện nay, có một số xe đi vào các đường địa phương tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương do các đường địa phương gần như song song với Quốc lộ 5 nhưng không thu phí. Việc có các tuyến đường chạy song song thu phí và không thu phí, một số các chủ phương tiện sẽ lựa chọn chạy trên đường không thu phí.

[Phí Quốc lộ 5 tăng, tỉnh lộ 391 oằn mình gánh xe tải trọng lớn]

“Thực tế, trước thời điểm áp dụng tăng phí Quốc lộ 5 ngày 01/4, mật độ xe lưu hành trên Đường tỉnh 391 đã rất đông trong đó, có nhiều xe chạy trên Đường tỉnh 391 để ra Quốc lộ 10 đi về các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Do vậy, chưa có cơ sở đế xác định mức phí giảm bao nhiêu để giảm được lưu lượng xe đi trên Đường tỉnh 391,” đại diện VIDIFI khẳng định.

Bên cạnh đó, từ thời điểm 20/01/2009 đến 31/12/2015, toàn bộ tiền phí thu được từ Quốc lộ 5 khoảng 1.100 tỷ đồng, sau khi trừ 10% chi phí quản lý thu phí còn lại khoảng 990 tỷ đồng. Trong đó, từ năm 2013-2015, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức thực hiện dự án cải tạo và khôi phục mặt đường Quốc lộ 5 với tổng mức đầu tư khoảng 840 tỷ đồng.

Vì vậy, việc giảm phí Quốc lộ 5 không chỉ ảnh hưởng đến một phần nguồn thu hoàn vốn, phương án tài chính của dự án mà còn ảnh hưởng đến nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa Quốc lộ 5.

Do đó, VIDIFI đề nghị Nhà nước cần có phương án tiếp tục hỗ trợ thêm ngoài các khoản hỗ trợ tại Quyết định 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ (hiện nay, các khoản hỗ trợ của Nhà nước cho VIDIFI này vẫn chưa được thực hiện).

Ngoài ra, VIDIFI cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan thực hiện các thủ tục và bố trí kế hoạch ngân sách để hỗ trợ ngay cho dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng theo Quyết định số 746 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với phương án giảm phí trên tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, VIDIFI đề nghị giữ nguyên mức thu phí trên đường cao tốc này bởi dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận là 2.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn (riêng mức phí các loại xe nhóm 5 đã giảm 35% so với mức phí trong phương án tài chính đã phê duyệt để khuyến khích các doanh nghiệp vận tải hàng hóa chạy trên đường cao tốc).
Theo lãnh đạo VIDIFI, việc tiếp tục xem xét giảm phí đường cao tốc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả phương án tài chính của dự án và rất khó thực hiện bởi Nhà nước sẽ phải hỗ trợ thêm ngoài các khoản hỗ trợ tại Quyết định 746 của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, việc giảm phí đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển nhượng quyền thu phí do việc thay đổi mức thu phí các đối tác quan tâm sẽ phải xem xét, tính toán lại và chưa kể đến quá trình đàm phán với cơ quan bảo lãnh đầu tư để bão lãnh khoản vay từ các tổ chức tài chính quốc tế cho dự án sẽ khó khăn./.

Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ giao cho VIDIFI làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Để thu hồi vốn đầu tư, nhà đầu tư được quyền thu phí sử dụng đường bộ đối với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; thu phí sử dụng đường bộ đối với Quốc lộ 5.

Từ tháng 12/2015 (sau 7 năm triển khai xây dựng), đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã được đưa vào khai thác. Hiện nay, mỗi ngày trung bình có khoảng 16.000 lượt xe lưu thông trên tuyến cao tốc, chiếm 56% tổng số xe lưu thông từ Hà Nội đi Hải Phòng, giảm tải đáng kể cho tuyến Quốc lộ 5, hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông, đặc biệt là trong những ngày cao điểm (ngày lễ, Tết).

Trong đó xe loại 4, loại 5 (xe container loại 20feet, 40feet) chạy trên cao tốc gần 900 chiếc/ngày đêm, chiếm khoảng 23% tổng số xe loại 4, 5 lưu hành từ Hà Nội đi Hải Phòng.

Theo Vietnam+

.