Liên kết, tăng tính phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, giữ vững ổn định khu vực cũng như tại địa bàn quản lý là giải pháp được Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên triển khai trong bối cảnh tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng nhái ngày càng gia tăng.
Nhiều vụ vi phạm đã được Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh khu vực miền Trung- Tây Nguyên phối hợp kiểm tra và xử lý. Ảnh: DUYÊN ANH |
Theo đánh giá chung của QLTT 16 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên, tình hình vi phạm trong sản xuất, vận chuyển và kinh doanh hàng hóa như: thực phẩm đóng gói, xăng dầu, phân bón, bột giặt, hóa mỹ phẩm, rượu, bia, nước giải khát… vẫn chưa giảm, gây tác động xấu đến đời sống, ảnh hưởng đến mục tiêu bình ổn giá cả, ổn định thị trường, gây thiệt hại đến quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi đó, thủ đoạn của các loại tội phạm diễn ra tinh vi và diễn biến phức tạp.
Để đạt hiệu quả trong việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm, các chi cục chủ động xây dựng và triển khai nhiều chương trình chung. Theo quy chế phối hợp công tác giữa các Chi cục QLTT khu vực giai đoạn 2012-2017, các địa phương tiếp tục lập kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường không chỉ ở tại địa bàn mình phụ trách mà còn liên kết với các địa phương khác.
Ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục QLTT Đà Nẵng chia sẻ, nhờ có quy chế phối hợp, lực lượng QLTT đỡ vất vả hơn trước trong việc xác minh thông tin ngoài địa bàn. Chẳng hạn, trước đây phát hiện vụ việc kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng tại Đà Nẵng nhưng do các cơ sở sản xuất từ địa phương khác nên QLTT thành phố khó kiểm soát, nay nhờ sự phối hợp thông tin, QLTT các tỉnh sẵn sàng trao đổi để tìm ra manh mối. Nhìn chung, chất lượng trao đổi thông tin trên các lĩnh vực được nâng cao; thông qua đó, các chi cục có điều kiện để cải tiến phương pháp làm việc, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau.
Thông tin tại Hội nghị báo cáo công tác phối hợp của lực lượng QLTT tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền Trung-Tây Nguyên diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua tại tỉnh Quảng Nam cho biết, từ tháng 7-2015 đến tháng 6-2016, Chi cục QLTT các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên kiểm tra 38.779 vụ, trong đó xử lý 23.865 vụ vi phạm, xử phạt và nộp ngân sách Nhà nước hơn 79,36 tỷ đồng. Bên cạnh thực hiện tốt vai trò là lực lượng chủ công trong bảo đảm bình ổn thị trường trên địa bàn từng tỉnh, thành phố phụ trách, Chi cục QLTT các địa phương đã phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, kịp thời phát hiện và xử lý những vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng, nhất là ở khâu lưu thông. Nhờ đó, nhiều vụ việc vi phạm đã được các tuyến QLTT liên tỉnh, thành phố kịp thời ngăn chặn, cụ thể như: Chi cục QLTT Phú Yên đã cung cấp thông tin cho các Chi cục QLTT Đắc Lắc, Gia Lai, Đắc Nông tổ chức kiểm tra, bắt giữ 3 vụ vận chuyển hàng hóa vi phạm trên tuyến QL21, QL14; Chi cục QLTT Bình Định cung cấp thông tin cho Đội QLTT số 5 Chi cục QLTT Phú Yên tổ chức kiểm tra vụ vi phạm hành chính về nhãn hàng hóa với số tiền 41 triệu đồng; Chi cục QLTT Quảng Ngãi cùng QLTT Quảng Nam đã kịp thời phối hợp cùng Công an huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) tổ chức truy bắt xe vận chuyển hàng hóa vi phạm từ Quảng Ngãi trốn qua địa bàn Quảng Nam...
Tuy nhiên, theo ông Đoàn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Quảng Nam: “Khó khăn trong công tác phối hợp giữa các đơn vị hiện nay là sự chủ động theo dõi, trao đổi thông tin cho nhau vẫn chưa kịp thời nên số lượng vụ việc phối hợp chưa cao. Hầu hết các Chi cục QLTT trong khu vực quản lý địa bàn rộng, địa hình phức tạp, biên chế lực lượng chưa đáp ứng yêu cầu về quản lý địa bàn, điều kiện về phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác trinh sát, theo dõi phát hiện vi phạm và tổ chức kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế, chế độ đãi ngộ chưa đáp ứng với tính chất phức tạp và yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới. Còn thiếu người chủ xướng và kinh phí để đầu tư cho công tác phối hợp có tính đồng bộ trên toàn khu vực”.
Nhận định về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên, ông Nguyễn Hữu Sia, đại diện Cục QLTT tại Đà Nẵng cho biết, tình trạng buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là vấn đề nóng của cả nước, địa bàn miền Trung - Tây Nguyên cũng chịu ảnh hưởng. Nổi lên là số vụ buôn lậu thuốc lá điếu khá nhiều, một số vi phạm trong lĩnh vực hàng may mặc thời trang, hàng điện tử, điện máy, vi phạm sở hữu trí tuệ, nhãn mác... chưa kiểm soát hết. Việc 16 chi cục ở khu vực ký kết quy chế phối hợp thường xuyên cho thấy, các tỉnh, thành phố khá quyết liệt trong công tác đấu tranh với tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Đây là điều cần thiết giữa các chi cục địa phương để tạo ra hiệu quả trong công việc.
DUYÊN ANH