Kinh tế

WB: Triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam sẽ được cải thiện

10:27, 20/07/2016 (GMT+7)

Tại buổi báo cáo điểm lại Tình hình kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 19/7 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay có thể đạt khoảng 6% nhờ cầu trong nước tiếp tục được duy trì, thể hiện qua mức tăng tiêu dùng cá nhân và đầu tư.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Triển vọng kinh tế trung hạn sẽ cải thiện nhờ TPP và các hiệp định thương mại tự do khác. Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các thị trường tiêu dùng lớn đồng thời tăng thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp.

Tuy nhiên, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng bối cảnh nhu cầu trên toàn cầu chưa được mạnh cũng có tác động tới thị trường Việt Nam.

Mức tăng trưởng được dự báo giảm là do tình hình hạn hán, nhiễm mặn tác động lớn đến sản lượng nông nghiệp. Ngoài ra, tăng trưởng trong ngành chế biến cũng giảm nhẹ.

Tuy nhiên, ông Sebastian Eckardt cũng cho rằng sự suy giảm của khu vực nông nghiệp được bù đắp bởi sự tăng trưởng tốt của thị trường bán lẻ. Cụ thể, nhu cầu trong nước tương đối ổn định, ngành xây dựng được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng tín dụng.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá sự linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi chuyển cơ chế linh hoạt hơn trong quản lý tỷ giá. Tỷ giá tham chiếu được xác định hàng ngày và dựa trên giỏ tiền tệ. Đây là động thái quan trọng cho phép Ngân hàng Nhà nước có phản ứng nhanh hơn đối với thay đổi trong tình hình toàn cầu và quan trọng là ngăn ngừa tiền đồng không bị ảnh hưởng bởi biến động quá nhanh. Đấy là điểm tích cực, tăng cường khả năng chống chọi của đồng nội tệ.

Theo ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, để duy trì tốc độ tăng trưởng cao thì Việt Nam cần phải tiếp tục tái cơ cấu theo chiều sâu để tăng năng suất lao động.

Bởi năng suất lao động là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng GDP trong những năm đầu của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhưng trong thập kỷ vừa qua, năng suất lao động đã chững lại.

Chuyển đổi cơ cấu - nguồn tăng năng suất lao động chính trong thời gian trước đây - đã chậm lại trong vài năm gần đây. Trong khi đó, từng ngành và từng doanh nghiệp mức tăng năng suất lao động bị hạn chế bởi một số yếu tố như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa hoàn thành. Doanh nghiệp tư nhân còn non trẻ gồm chủ yếu các doanh nghiệp nhỏ, quy mô nhỏ, không có công nghệ và không bị áp lực cạnh tranh buộc phải tăng năng suất lao động.

Hiện Việt Nam đang thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước nhưng với tốc độ chậm. Trong bốn tháng đầu năm 2016 có 34 doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa. Nhưng đa số các thương vụ này chỉ liên quan đến các trường hợp cổ phiếu thiểu số nên có thể làm giảm tác động muốn có của sở hữu tư nhân lên kết quả hoạt động, nâng cao quản lý, chuyển giao công nghệ và tiếp cận thị trường của doanh nghiệp./.

Theo Vietnam+

.