Kinh tế

Cải thiện bữa cơm ca

08:19, 19/07/2016 (GMT+7)

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XI) ngày 25-2-2016 ra Nghị quyết 07c/NQ-BCH về chất lượng bữa ăn ca của người lao động (NLĐ). Theo đó, Công đoàn các cấp phải thương lượng, thỏa thuận, đấu tranh với chủ doanh nghiệp (DN) để nâng giá trị bữa ăn ca của NLĐ đạt tối thiểu 15.000 đồng/suất/người.

Bữa cơm ca của Công ty CP Dệt-may 29-3.		 Ảnh: ĐỨC THỊNH
Bữa cơm ca của Công ty CP Dệt-may 29-3. Ảnh: ĐỨC THỊNH

Với cách vận động khéo léo cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với NLĐ nên trong thời gian ngắn, hầu hết DN tại Các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng đã chấp hành nghiêm nghị quyết nói trên. Vì vậy, đến nay, 102/111 Công đoàn cơ sở đã ký thỏa ước lao động tập thể (chiếm 91,9%), trong đó 70% bản thỏa ước có nội dung “DN hỗ trợ cơm ca cho NLĐ”.  

Qua 4 tháng triển khai Nghị quyết 07c, hầu hết các DN đã nâng giá trị bữa ăn ca cho NLĐ lên đúng với yêu cầu, một số DN còn nâng giá trị bữa ăn ca cao hơn nhiều so với yêu cầu. Bà Đinh Thị Thanh Hà, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất cho biết, đến hết tháng 6-2016, các khu công nghiệp trên địa bàn đã có 50% DN có bữa ăn ca trên 15.000 đồng/người, 35% DN có mức ăn ca 15.000 đồng/người, nhưng vẫn còn 15% DN có mức ăn ca dưới 15.000 đồng/người và 100% các đơn vị đều chấp hành việc lưu mẫu thức ăn để kiểm dịch.

Nhờ vậy, hầu hết bữa ăn ca tại các DN đều bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Một số DN điển hình có bữa ăn ca cao hơn nhiều so với yêu cầu của Nghị quyết 07c như: Công ty CP Kiến trúc và thương mại Á Châu hỗ trợ 66% tiền ăn sáng (10.000 đồng), 100% tiền ăn cơm ca là 20.000 đồng/người; Công ty TNHH Apple Film Đà Nẵng 26.000 đồng/người; Công ty TNHH Advace Nonwoven Việt Nam... Một số công ty đã đưa yêu cầu về giá trị bữa ăn ca vào thỏa ước lao động tập thể như Công ty CP In và dịch vụ Đà Nẵng, Công ty CP Ống thép Hòa Phát, Công ty TNHH Đông nam dược Bảo Linh…

Ông Nguyễn Ngọc Thống, Giám đốc Công ty CP Kiến trúc và thương mại Á Châu cho biết, công ty đặc biệt quan tâm đến bữa ăn giữa ca của NLĐ, vì bữa cơm có đủ dưỡng chất thì NLĐ mới có điều kiện phục hồi được sức khỏe. Điều này vừa có lợi cho NLĐ, vừa có lợi cho DN, vì NLĐ khỏe mạnh thì lao động mới có năng suất và chất lượng. Do vậy, Ban Giám đốc công ty đã phối hợp với Công đoàn kiểm tra chặt chẽ chất lượng bữa ăn, nhất là khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng để NLĐ gắn bó với công ty, tạo thuận lợi để công ty ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Đông nam dược Bảo Linh cho biết, qua quá trình đàm phán, vận động, lãnh đạo DN đã đồng ý nâng giá trị suất ăn ca từ dưới 15.000 đồng/suất lên 20.000 đồng/suất. Quy định này được đưa vào một trong những nội dung của thỏa ước lao động tập thể. Nhờ vậy, bữa ăn ca đã được cải thiện đáng kể.

Anh Bùi Tấn Hữu, công nhân Công ty CP Ống thép Hòa Phát bày tỏ, kể từ khi công ty nâng giá trị suất ăn lên 17.500 đồng/người, công nhân rất phấn khởi vì chất lượng bữa ăn được cải thiện rõ rệt; bữa ăn nào cũng có thịt, hoặc cá tươi, rau xanh, nên công nhân ăn ngon, sức khỏe được bảo đảm, tinh thần làm việc hăng hái…

Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả bước đầu của việc triển khai thực hiện Nghị quyết 07c tại các DN trên địa bàn thành phố. Hiện còn khoảng 15% DN có giá trị bữa cơm ca của công nhân dưới 15.000 đồng/người/suất. Do vậy, Ban Chấp hành Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất phấn đấu đến cuối năm 2016, 100% các DN có bữa cơm ca cho NLĐ đạt giá trị từ 15.000 đồng/suất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm như yêu cầu của Nghị quyết 07c.

ĐỨC THỊNH

.