Kinh tế

Đưa hàng Việt về miền núi: Mạnh ai nấy làm!

08:34, 02/08/2016 (GMT+7)

Tuy giao thông kết nối nội thành Đà Nẵng đi các xã miền núi của huyện Hòa Vang hiện nay khá thuận lợi nhưng đây là địa bàn kinh tế chưa phát triển, sức mua của người dân còn kém, hoạt động thương mại chủ yếu tự phát. Vì vậy, chưa tạo ra sức hấp dẫn cho các doanh nghiệp (DN) hàng Việt đẩy mạnh mạng lưới phân phối hàng hóa lên vùng cao.

Sức mua èo uột khiến thị trường miền núi chưa hấp dẫn các nhà kinh doanh.	Ảnh: DUYÊN ANH
Sức mua èo uột khiến thị trường miền núi chưa hấp dẫn các nhà kinh doanh. Ảnh: DUYÊN ANH

Được biết, hiện nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa của Hòa Vang đạt 16,6%/năm, hoạt động giao thương chỉ nhộn nhịp ở một số khu vực trung tâm huyện hoặc các xã nằm trên trục quốc lộ 1. Trong khi đó, một số khu vực miền núi như các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, do địa bàn dân cư thưa thớt nên từ lâu hoạt động giao thương khá buồn tẻ. Ghi nhận tình hình buôn bán tại các xã miền núi cho thấy, do đặc thù vùng cao nên người dân vẫn chuộng mua sắm theo kiểu người bán rong chở tới tận nhà. Điều này đồng nghĩa với việc người dân không có sự lựa chọn về chất lượng hàng hóa, bởi có thứ gì thì mua thứ đó.

Khảo sát trên 10 thôn của xã Hòa Phú, có khoảng 27 điểm kinh doanh hàng hóa các loại. Việc mua sắm các mặt hàng tại chỗ chủ yếu là thực phẩm thiết yếu, hóa mỹ phẩm; còn với những mặt hàng tiêu dùng khác, người dân phải xuống chợ Túy Loan (xã Hòa Phong) hoặc xuống trung tâm thành phố. Xã Hòa Phú tuy có chợ nhưng nguồn hàng chưa đa dạng, một phần do nhu cầu hạn chế, sức mua cầm chừng. Bên cạnh đó, theo phản ánh của người dân, các sản phẩm do DN Việt Nam sản xuất chưa xuất hiện nhiều và chưa phong phú về chủng loại tại những điểm bán hàng trên địa bàn xã.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết: “Hằng năm, chủ trương đưa hàng Việt về các xã miền núi được Sở Công thương phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức định kỳ 2 lần/năm. Việc phối hợp triển khai được chính quyền xã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi từ điểm bán hàng đến bảo đảm an ninh trật tự… cho các nhà tổ chức cũng như người dân đến mua sắm. Tuy nhiên, thường những chuyến hàng Việt về nông thôn hiện vẫn mang tính chất mùa vụ. Việc DN tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn như một loại hình hội chợ nên chương trình mạnh ai nấy làm, không có chiều sâu. Vì vậy, khi DN kết thúc chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, người dân muốn mua thêm sản phẩm cũng không biết mua hàng ở đâu, kết nối với DN bằng cách nào”.

Ở xã Hòa Bắc, công trình đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan đi Thừa Thiên-Huế ngang qua địa bàn xã đã kéo theo các điểm đại lý, kinh doanh ăn uống, bia, nước giải khát, bánh kẹo, thực phẩm hình thành nhiều hơn trước. Hiện toàn xã có 78 điểm kinh doanh như thế này nhưng hầu hết nhỏ, lẻ. Để phục vụ người dân các thôn có đồng bào dân tộc như Tà Lang, Giàn Bí, người bán chở các sọt hàng trên xe máy đưa đi các nơi. Chị Nguyễn Thị Thu (thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc), hộ bán thực phẩm theo kiểu này cho biết: “Mua bán bây giờ rất khó do người bán hàng rong nhiều, chi phí đi lại xa nên hàng hóa bị đẩy lên nhiều giá. Đời sống bà con nói chung còn khó khăn nên chi tiêu hằng ngày của các gia đình không quá 100.000 đồng/ngày, dùng tới đâu mua tới đó chứ không trữ đầy trong nhà như ở thành phố. Những người bán lẻ như tụi tui có muốn lấy nhiều hàng cũng sợ bán không hết, hư hỏng, lỗ nặng, việc buôn bán ở đây chỉ lẹt xẹt mãi không thể phát triển là như vậy”.

Bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho rằng, hiện nay, việc xúc tiến thương mại đến địa bàn xã Hòa Bắc chưa được chú trọng do đường xa, đưa hàng lên thì chi phí sẽ cao hơn, trong khi lợi nhuận quá ít. Lâu nay, các DN đưa hàng Việt lên đây theo chủ trương của thành phố, chứ DN chưa chắc muốn lên. Nói công bằng thì cũng khó cho nhà kinh doanh.

Địa phương cũng muốn nhiều DN đưa hàng lên, nhưng nói thật là lâu nay các đơn vị đưa hàng Việt lên còn khá mờ nhạt, một năm 1-2 lần nên không kích cầu người dân ở đây được. Thêm vào đó, hàng hóa chưa hấp dẫn người dân vì mẫu mã không đẹp...”. Được biết, trong tháng 8 này, chợ tạm xã Hòa Bắc sẽ hoàn thành. Khi đi vào hoạt động, người dân trong xã, các hộ buôn bán nhỏ sẽ tập trung vào đây, tạo môi trường thương mại ổn định hơn. Lúc đó, các DN, nhà kinh doanh có thể liên kết bán hàng bảo đảm chất lượng, đa dạng chủng loại.

Việc DN mở rộng hệ thống bán lẻ tại thị trường nông thôn không chỉ giúp DN tiêu thụ được sản phẩm trên thị trường nội địa, mà tạo ra việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời, các DN trong quá trình phát triển hệ thống bán lẻ nên đẩy mạnh liên kết, qua đó hạn chế khâu trung gian, góp phần giảm giá hàng hóa cho người dân.

* Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Giày BQ:

Theo tôi, phải có một chiến lược dài hơi đưa hàng Việt về nông thôn, nghĩa là phải có một chiến lược xây dựng sản phẩm phù hợp với chất lượng, nhưng giá cả phải tốt nhất vì người tiêu dùng nông thôn, miền núi thu nhập chưa cao. Thực tế, qua việc tham gia các phiên chợ nông thôn, doanh số của doanh nghiệp vẫn chưa cao, nếu so với chi phí tham gia thì hiệu quả rất thấp. Tuy nhiên, chúng tôi không bỏ qua thị trường này mà vẫn tiếp tục ưu tiên cho nông thôn.

* Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Công ty May Nhật Nam:

Mỗi lần đưa sản phẩm về miền núi, người dân đón nhận rất tích cực và đánh giá cao chất lượng. Thế nhưng, hiện nay, cái khó của doanh nghiệp là không có sự thường xuyên tương tác với khách hàng ở địa bàn này bởi lâu lâu mới có một đợt bán hàng theo chủ trương của thành phố. Bản thân chúng tôi cũng muốn xây dựng mạng lưới phân phối, các đại lý tại chỗ nhưng vì khó khăn nên chưa thực hiện được.

* Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố:

Việc đưa hàng Việt về nông thôn là điều đáng hoan nghênh nhưng phải có định hướng để người tiêu dùng sử dụng hàng Việt. Chúng tôi đề xuất cần tăng cường các biện pháp, Ủy ban MTTQ các cấp cần thúc đẩy các chương trình vận động nhân dân dùng hàng Việt.

DUYÊN ANH

.