Kinh tế
Lành mạnh hóa thị trường thép
Vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng đang gây thiệt hại không nhỏ cho nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng và nền kinh tế, nhất là đối với ngành thép, khi gần đây các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép trong nước phải đối mặt với một số sản phẩm thép ngoại nhập kém chất lượng. Không những thế, thị trường thép hiện rất phức tạp do tình trạng gian lận thương mại về tiêu chuẩn, chủng loại thép ngày càng tinh vi và phổ biến.
Nhân viên Công ty CP Thép Dana - Úc kiểm tra chất lượng từng mẻ thép. (Ảnh do doanh nghiệp cung cấp) |
Ông Nguyễn An, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Dana - Úc nhìn nhận, vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng gây bức xúc chung cho toàn xã hội; việc sản xuất và cung ứng loại hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng rất lớn cho những DN làm ăn chân chính. Đối với ngành thép, do đặc thù là sản phẩm phục vụ công trình, nhà ở nên chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Bởi lẽ, nếu làm ra những sản phẩm kém chất lượng, không bảo đảm các tiêu chuẩn như độ bền kéo, độ giãn dài, góc uốn… sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Bà Trần Thị Ngọc Hà, Công ty CP Đầu tư và kinh doanh thép Nhân Luật (Công ty Nhân Luật) cho biết, Công ty Nhân Luật nhận thức rõ ảnh hưởng của hàng kém chất lượng nên công ty luôn đặt hàng ở những DN sản xuất có thương hiệu và uy tín. Hơn nữa, khi nhập hàng, công ty luôn kiểm tra chặt chẽ từ khâu hồ sơ, chứng từ, đến chất lượng hàng hóa…
Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, khi các loại thép kém chất lượng, trôi nổi trên thị trường, hàng thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc xuất hiện ồ ạt gây nhiều khó khăn cho các DN sản xuất và kinh doanh của Việt Nam, trong đó có DN Đà Nẵng. Để tồn tại và phát triển, các DN phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.
Ông Nguyễn Văn Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố Đà Nẵng cho biết, để giúp các DN sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng thép trên địa bàn nắm các quy định hiện hành của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý chất lượng thép, Chi cục đã tổ chức nhiều khóa tập huấn để thông tin về các quy định, quy chuẩn.
Bộ KH&CN đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép làm cốt bê-tông QCVN 7:2011/BKHCN (gọi tắt là quy chuẩn 7) kèm theo Thông tư số 21/2011/TT-BKHCN ngày 22-9-2011 nhằm siết chặt công tác quản lý chất lượng các loại thép làm cốt bê-tông sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường đi vào ổn định.
Lãnh đạo các DN sản xuất thép trên địa bàn Đà Nẵng cho hay, quy chuẩn 7 hết sức quan trọng và thiết thực đối với những DN sản xuất và kinh doanh sắt thép; tạo ra hàng rào kỹ thuật chung để tất cả nhà sản xuất thép trong nước thực hiện; đồng thời, tạo hành lang pháp lý để các nhà sản xuất thép trong nước cạnh tranh bình đẳng. Với việc ra đời quy chuẩn 7, các DN sản xuất, nhập khẩu và lưu thông thép trên địa bàn muốn hoạt động hiệu quả phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật phù hợp với bộ quy chuẩn ban hành; nhất là các quy định về ghi nhãn mác trên sản phẩm phải đăng ký chứng nhận hợp quy do các tổ chức được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chỉ định…
Ông Nguyễn An cho biết thêm: “Chúng tôi luôn ý thức và có trách nhiệm đối với từng sản phẩm mình làm ra. Mỗi lô hàng sản xuất trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ đều được kiểm tra nghiêm ngặt, đồng thời, gửi mẫu lên Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 2 để đăng ký hợp quy, hợp chuẩn”. Ông An khẳng định các sản phẩm của công ty khi xuất xưởng đều gắn nhãn, mác theo đúng quy định. Điều này mặc dù làm tăng thêm chi phí giá thành sản phẩm nhưng mang lại lợi ích cho đơn vị, được khách hàng tin yêu và khẳng định vị thế của sản phẩm trên thị trường.
Quản lý chất lượng thép là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm lâu nay. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần chấn chỉnh hoạt động quản lý sản phẩm thép, hạn chế gian lận thương mại để làm lành mạnh thị trường thép.
THANH TÌNH