Kinh tế

Thực hiện Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải

Gặp khó vì quy mô quá nhỏ

07:47, 16/08/2016 (GMT+7)

Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 86) có hiệu lực từ 1-8-2016, các doanh nghiệp (DN) có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương, với những tuyến cố định từ 300km phải có ít nhất từ 20 xe trở lên, ở các địa phương khác có từ 10 xe trở lên, riêng các huyện nghèo (nằm trong danh sách các huyện nghèo của cả nước) thì số xe là 5 chiếc trở lên.

Từ ngày 1-8, các doanh nghiệp chạy tuyến cố định từ 300km trở lên phải có ít nhất 20 xe.
Từ ngày 1-8, các doanh nghiệp chạy tuyến cố định từ 300km trở lên phải có ít nhất 20 xe.

Tương tự, các đơn vị xe buýt, đối với các thành phố trực thuộc Trung ương cũng phải đảm bảo ít nhất 20 xe. Điều này thực sự gây khó khăn cho nhiều DN, hợp tác xã (HTX) ở thành phố Đà Nẵng khi quy mô của các đơn vị vận tải khá nhỏ nên khó có thể đáp ứng được yêu cầu này.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải thành phố, đến tháng 6-2016,  thành phố có 4 DN hoạt động tuyến cố định có dưới 10 xe với 27 xe, 5 DN có từ 10 xe trở lên với 137 xe, 2 HTX có từ  2 xe trở lại với vỏn vẹn 3 xe, 1 HTX có 10 xe trở xuống với 10 xe, 4 HTX có từ 10 xe trở lên với 156 xe; về xe buýt có 2 DN với 40 xe và 1 HTX có 21 xe. Theo ông Đinh Văn Ba, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Đà Nẵng, thực tế hiện nay, thành phố chỉ có khoảng 12 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định từ 300km trở lên, nhưng trong số này có khoảng 6 DN có từ 20 xe trở lên, số còn lại đầu phương tiện ít hơn quy định nên không thể đáp ứng yêu cầu theo Nghị định 86 của Chính phủ.

Tuy nhiên, cũng theo ông Đinh Văn Ba, nếu theo Nghị định 86 thì việc để hiểu một cách cụ thể địa phương nào có từ bao nhiêu xe cũng là điều không đơn giản. Thực tế, khi mới triển khai, nhiều địa phương đã lên tiếng góp ý nhưng đến nay lỗi này vẫn chưa được khắc phục. Hiện nay, Hiệp hội thực hiện chỉ đạo của Sở Giao thông vận tải thành phố lấy ý kiến sửa đổi bổ sung cho Nghị định 86 có tính khả thi cao hơn. Một số DN băn  khoăn là Nghị định 86 quy định số lượng xe tuyến cố định như vậy nhưng không nói rõ là quy định này áp dụng với các DN thành lập sau ngày 1-8-2016 hay áp dụng luôn với DN thành lập trước mốc thời gian này.

Chủ nhiệm một HTX trên địa bàn thành phố chia sẻ rằng, riêng yêu cầu về “hợp đồng lao động” giữa HTX và người lao động thì các HTX trên địa bàn thành phố không thể đáp ứng nổi, và theo đó khó đảm bảo các yêu cầu đối với các tuyến xe cố định. Hiện nay các HTX dịch vụ vận tải chủ yếu hoạt động theo mô hình xã viên “góp” phương tiện, còn HTX chỉ làm một số thủ tục cho xã viên như đứng tư cách pháp nhân mở tuyến, xin lệnh chạy...

Như vậy, đây chỉ là quan hệ kinh tế chứ không ràng buộc theo kiểu người quản lý lao động và người lao động. Thực tế lâu nay ở HXT chỉ tồn tại quan hệ như vậy, điều này  theo Nghị định 86 thì các nhà xe này không đủ điều kiện hoạt động chứ chưa nói đến tuyến cố định từ 300km trở lên. Đặc biệt, do quan hệ kinh tế, số lượng xe tại các HTX thường hay dao động, xã viên (đồng thời cũng là chủ xe, là người lao động) có thể bỏ đi đơn vị khác hoặc lập DN riêng, vì vậy việc đảm bảo số lượng xe có từ 20 chiếc là một khó khăn cho nhiều HTX tại Đà Nẵng.

Hy vọng, với sự đóng góp ý kiến của ngành giao thông vận tải và các Hiệp hội vận tải ô-tô cả nước, trong thời gian đến Nghị định 86 sẽ được chỉnh sửa phù hợp với thực tế, từ đó phát huy hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực vận tải hành khách.

UBND thành phố Đà Nẵng vừa có Văn bản số 6641/UBND-KT2 gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bày tỏ sự lo ngại về Thông tư 17/2015/TT-BGTVT của Bộ sẽ cản trở sự phát triển ngành logistics của địa phương.

Với vị trí thuận lợi về giao thông là trung điểm của giao thông đường bộ, đường thủy, đường không của cả nước, đặc biệt Cảng Tiên Sa là cửa ngõ ra Biển Đông của tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây, nên từ nhiều năm qua, thành phố Đà Nẵng tập trung phát triển ngành logistics trở thành trung tâm logistics lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, quy định tại Thông tư số 17 của Bộ GTVT có sự phân chia một số cảng biển có hàng quá cảnh nhất định chứ không theo sự lựa chọn như trước đây của doanh nghiệp. Cụ thể, hàng quá cảnh về Cảng Đà Nẵng chỉ được phép quá cảnh sang Lào bằng hai cửa khẩu Lao Bảo và Bờ Y, nghĩa là hàng quá cảnh không được quá cảnh sang cửa khẩu khác như Cha Lo hay Cầu Treo. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, điều này bất hợp lý, bởi lẽ hàng hóa đi qua cửa khẩu nào là do doanh nghiệp quyết định trên cơ sở cự ly tuyến đường đó ngắn hay dài, cũng như yếu tố về chất lượng hạ tầng giao thông.

Tương tự, ở lĩnh vực hàng không, Thông tư 17 cũng quy định Sân bay quốc tế Đà Nẵng không được quá cảnh hàng hóa sang Lào mà chỉ Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất mới được phép quá cảnh hàng sang Lào.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng, quy định này vô tình cản trở sự phát triển của ngành dịch vụ logistics vốn được thành phố Đà Nẵng đầu tư mạnh mẽ từ nhiều năm nay. Đặc biệt, mới đây, Cảng Đà Nẵng đã khởi công dự án mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn II với quy mô đến năm 2020 sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt từ 10-12 triệu tấn. Bên cạnh đó, việc Cảng Đà Nẵng đang đầu tư cho trung tâm logistics rộng 20ha đặt tại Hòa Vang sẽ bị ảnh hưởng vì thiếu nguồn hàng. Cảng Đà Nẵng cũng đã cùng Cảng Sài Gòn, Cảng Hải Phòng ký hợp tác hỗ trợ phát triển toàn diện về áp dụng khoa học công nghệ, chia sẻ thị trường cũng như mở rộng thị trường quốc tế để hỗ trợ hệ thống cảng biển quốc gia cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, Thông tư 17 của Bộ GTVT vô tình cản trở sự phát triển của ngành dịch vụ logistics vốn còn non trẻ nhưng rất tiềm năng của Đà Nẵng.                                            

Bài và ảnh: Thanh Vân

.