Kinh tế
Tìm mô hình tăng trưởng kinh tế phù hợp
Tìm mô hình tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng là nội dung được đề cập tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) - Động lực để phát triển kinh tế” do Liên hiệp Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Phát triển bền vững (CSD), Công ty TNHH Nghiên cứu kinh tế và xuất bản J.A.Alpha Cheinai-Tamil Nadu (Ấn Độ) tổ chức ngày 2-8.
Báo cáo tại hội thảo cho thấy, DNNVV đóng góp trên 50% GDP của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và các nước đang phát triển, chiếm trên 95% số lượng DN và giải quyết 60-70% việc làm cho lực lượng lao động. Tại Đà Nẵng, DNNVV chiếm 96% trong tổng số các DN đăng ký, đóng góp vào GDP khoảng 45% và giải quyết khoảng 60% lao động toàn thành phố.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhìn nhận, những năm qua, các DNNVV tại Đà Nẵng đã giúp tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo; tạo việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế-xã hội; lấp các khoảng trống của thị trường về hàng hóa và dịch vụ, góp phần phát triển công nghiệp phụ trợ; thu hút các nguồn vốn có trong dân cư, góp phần tăng chu chuyển dòng vốn của xã hội. Vì vậy, lãnh đạo thành phố kỳ vọng DNNVV sẽ tiếp tục đóng góp, tạo động lực mới cho thành phố phát triển trong tương lai. Muốn vậy, các nhà khoa học, nhà quản lý và cộng đồng DN phải cùng thành phố tìm mô hình tăng trưởng kinh tế phù hợp.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện cộng đồng DN cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, các DNNVV vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: thiếu các nguồn lực để phát triển, thiếu vốn và khó tiếp cận các nguồn vốn chính thức, không có lợi thế kinh tế theo quy mô, dễ khởi nghiệp nhưng chịu nhiều rủi ro trong kinh doanh, thiếu thông tin thị trường, chất lượng lao động thấp… Đà Nẵng đang kỳ vọng hướng đến nâng cao vai trò của các DNNVV để không chỉ đóng góp tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm mà còn trở thành động lực của thành phố.
Các đại biểu tập trung phân tích các mô hình tăng trưởng cho Việt Nam và những gợi ý mô hình tăng trưởng cho Đà Nẵng; vấn đề đào tạo nghề du lịch và lễ tân đáp ứng nhu cầu việc làm; vấn đề thu hút khách du lịch Việt Nam đến các nước Đông Nam Á và ngược lại; lợi thế so sánh các nước và bài học cho Việt Nam; dự báo quy mô thị trường bán lẻ bằng các mô hình toán…; qua đó tìm kiếm, lựa chọn mô hình tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức có hiệu lực; đồng thời, tìm giải pháp để các DNNVV trở thành động lực phát triển.
Hội thảo diễn ra từ ngày 2 đến 4-8.
THANH TÌNH