Kinh tế
Hệ thống thương mại sẵn sàng cho ABG 5
Đón đầu sự kiện Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5) sắp diễn ra tại Đà Nẵng, hệ thống các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị đang tất bật chuẩn bị phục vụ.
Hàng hóa tại các siêu thị khá dồi dào, giá cả ổn định. |
Trong thời gian diễn ra ABG 5, Sở Công thương và Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng triển khai “Tuần lễ bán hàng khuyến mại” tại chợ Cồn và chợ Hàn. Đến nay, đã có gần 150 tiểu thương đăng ký tham gia, chủ yếu ở ngành hàng tiêu dùng, sản phẩm lưu niệm... Chị Trần Thị Châu (ngành hàng bánh kẹo chợ Cồn) cho biết: “Đây là cơ hội để tiểu thương giới thiệu đặc sản ẩm thực tới tay du khách. Là chợ có tiếng của thành phố, nên chị em tiểu thương ở đây được tập huấn nhiều về văn minh thương mại, kỹ năng bán hàng, thái độ phục vụ để khách hàng đến đây ngày càng thấy thân thiện và cảm tình hơn”.
Chị Nga (ngành hàng vải) tại chợ Hàn nói: “Từ lâu, các tiểu thương trong chợ đã thống nhất nguyên tắc bán đúng giá, đúng chất lượng. Khách thắc mắc thì tư vấn nhiệt tình, không mua thì cũng vui vẻ, nhẹ nhàng. Có như vậy mới tạo dựng được sự tin tưởng giữa người bán và người mua và có thể làm ăn lâu dài”.
Theo Ban quản lý (BQL) chợ Hàn, từ ngày 14-9, chợ đã triển khai treo băng-rôn tuyên truyền về “Tuần lễ bán hàng khuyến mại”, khuyến khích các tiểu thương tiếp tục đăng ký tham gia; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, yêu cầu tiểu thương cam kết không bán hàng giả, hàng kém chất lượng... tại chợ.
Hầu hết các chợ lớn trên địa bàn đã tăng cường nguồn hàng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều ngày nay, lượng hàng về chợ Đầu mối Hòa Cường khá dồi dào; trung bình đạt từ 400-450 tấn/ngày (rau, củ, và trái cây), vào cao điểm ngày rằm, lễ, lên tới 500-600 tấn/ngày, đêm. Thông tin từ các nhà hàng, quán ăn, các khu nghĩ mát, lượng khách lưu trú đang tăng, đi kèm đó vấn đề phục vụ ẩm thực được chú trọng.
Do đó, thời điểm này, nguồn hàng thực phẩm đang được các doanh nghiệp, nhà kinh doanh đẩy mạnh khâu thu mua. Trong khi đó, các siêu thị cũng hối hả tăng nhập kho các mặt hàng dự trữ như thực phẩm khô, hàng đông lạnh, bánh kẹo, thức uống, hàng tiêu dùng, thời trang. Bà Lê Thị Hiền, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cho hay: Cùng với các chương trình khuyến mãi hàng Việt, đơn vị cũng cam kết không tăng giá các mặt hàng nói chung, kể cả thời điểm khan hiếm hàng để kích cầu tiêu dùng.
Nhờ đó, siêu thị đạt mục tiêu tăng trưởng 10% kế hoạch đặt ra trong năm nay. Siêu thị BigC Đà Nẵng, Intimex Đà Nẵng cũng sẵn sàng chương trình đón khách đến mua sắm và vui chơi, giải trí. Tận dụng sự kiện này để quảng bá đặc sản của thành phố, Công ty TNHH Ẩm thực Trần hỗ trợ 672 suất ăn (trị giá 150.000 đồng/suất) cho các đoàn khách, vận động viên, báo chí tham dự ABG 5 với thực đơn phong phú như bánh tráng cuốn thịt heo, mỳ Quảng, bún mắm... Một số doanh nghiệp sản xuất hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ cũng “rục rịch” lên lịch giới thiệu, trưng bày sản phẩm.
Ông Đoàn Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương thành phố, cho biết trọng tâm của công tác kiểm soát thị trường trước và trong thời gian tổ chức ABG 5 là kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà hàng ăn uống. Những năm gần đây, Đà Nẵng đã gần như xóa bỏ tình trạng ghim hàng, tăng giá (từ các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm cho đến phòng nghỉ, khách sạn,...). “Đây không còn là vấn đề đáng lo, nhưng chỉ cần một vụ ngộ độc thực phẩm trong lúc đang tổ chức một sự kiện quốc tế, lập tức hình ảnh của Đà Nẵng sẽ bị ảnh hưởng”, ông Minh nói.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH - KHANG NINH