Kinh tế

Quản lý chặt vật liệu xây dựng mới

08:30, 26/09/2016 (GMT+7)

Thời gian gần đây, một số công trình xây dựng trên địa bàn thành phố sử dụng vật liệu xây dựng mới (vật liệu xây không nung) đã xảy ra hiện tượng nứt tường. Điều này không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, còn làm suy giảm chất lượng công trình.

Sản xuất gạch không nung bằng công nghệ từ Trung Quốc.
Sản xuất gạch không nung bằng công nghệ từ Trung Quốc.

Chuyển đổi sản xuất gạch, ngói bằng đất sét nung sang công nghệ không nung, nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ đất canh tác được Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện. Từ năm 2013, UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các sở, ban, ngành, các quận, huyện; các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng (VLXD) sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN). Theo đó, các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng 100% VLXKN; các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1.000kg/m3) trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây). Đồng thời, khuyến khích sử dụng trong các công trình xây dựng, không phân biệt nguồn vốn, số tầng.

Tuy nhiên, việc sử dụng VLXKN chủ yếu thực hiện ở các dự án, công trình có vốn đầu tư từ ngân sách. Hiện Đà Nẵng có tốc độ xây dựng cao, nhưng số công trình sử dụng vật liệu này còn chiếm tỷ lệ thấp. Những bất cập trong quản lý chất lượng sản phẩm và tình trạng công trình xây dựng sử dụng VLXKN bị nứt tường, làm công tác quản lý gặp khó khăn.

Riêng ở địa bàn quận Thanh

Khê - địa phương có nhiều công trình đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách sử dụng VLXKN, khi các công trình thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng, tại vị trí tường xây gạch không nung xuất hiện nhiều vết nứt ngang, nứt dọc. Hiện tượng này phổ biến ở các công trình Trường tiểu học An Khê, Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển...

Qua phản ánh của UBND quận Thanh Khê, ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, ngành đã cảnh báo và thực hiện công tác quản lý Nhà nước về xây dựng trên địa bàn thành phố. Về quản lý chất lượng trong sản xuất, thiết kế và sử dụng gạch không nung thời gian qua, UBND thành phố, Sở Xây dựng đã có nhiều văn bản hướng dẫn các đơn vị sản xuất, tư vấn thiết kế, các chủ thể tham gia xây dựng công trình trên địa bàn tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng gạch bê-tông. Tuy nhiên, tình trạng xuống cấp chất lượng ở các công trình sử dụng VLXKN là đáng lo ngại.

Ngày 1-9-2016, Sở Xây dựng ban hành công văn về việc bảo đảm chất lượng trong sản xuất, thiết kế, thi công, giám sát, thí nghiệm, nghiệm thu sản xuất VLXKN; cụ thể là đối với sản phẩm gạch bê-tông. Ngoài các hướng dẫn thực hiện  bảo đảm chất lượng sản phẩm của các đơn vị sản xuất, Sở Xây dựng cũng quy trách nhiệm cho các đơn vị tư vấn thiết kế, chủ đầu tư xây dựng công trình. Theo đó, đơn vị tư vấn, thiết kế, xây dựng chịu trách nhiệm về chất lượng công trình do mình thực hiện; phải bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn sử dụng, mỹ quan; phải tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; lập hồ sơ thiết kế đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, nội dung, quy định của hợp đồng và quy định pháp luật...

Đối với chủ đầu tư xây dựng công trình, phải tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình, VLXD; thực hiện kiểm tra, kiểm soát sản phẩm gạch bê-tông sử dụng cho công trình và quá trình thi công, giám sát, nghiệm thu theo đúng quy định của pháp luật. Ông Lê Tùng Lâm cho biết, sẽ xử lý nghiêm các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật. Đối với việc vi phạm chất lượng công trình qua sử dụng sản phẩm gạch không nung, sẽ xem xét thu hồi chứng chỉ hành nghề tư vấn xây dựng.

Công bố số điện thoại xử lý thông tin chất lượng công trình sử dụng vật liệu xây không nung

Ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Sở đang tập trung quản lý chất lượng vật liệu xây không nung (VLXKN) tại công trình xây dựng. Theo đánh giá của Sở Xây dựng, về cơ bản, các đơn vị liên quan đã tuân thủ quy định về quản lý chất lượng xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, hướng dẫn liên quan đến tăng cường sản xuất, sử dụng VLXKN. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, một số đơn vị sản xuất gạch xây chưa bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn kỹ thuật; công tác tư vấn thiết kế không lập chỉ dẫn kỹ thuật;  nhà thầu thi công khối xây không bảo đảm chất lượng. Chủ đầu tư chưa quan tâm kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng quy định từ việc chuẩn bị đầu tư xây dựng đến thi công công trình.

Sở Xây dựng đã ban hành công văn hướng dẫn, phổ biến giải pháp nâng cao chất lượng công trình sử dụng VLXKN và triển khai một số công việc cấp bách về nhiệm vụ quản lý chất lượng công trình. Sở Xây dựng cũng công bố số điện thoại tiếp nhận phản ánh liên quan công tác quản lý chất lượng VLXKN tại các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố theo địa chỉ và số điện thoại: Phòng Quản lý chất lượng xây dựng, ĐT: 05113.826779.

NAM PHƯƠNG

Bài và ảnh: Triệu Tùng

.