Kinh tế

Thực hiện đề án giảm nghèo

Từ cầu thủ thành ông chủ trang trại

07:13, 02/09/2016 (GMT+7)

 “Cầu thủ hụt về làm trang trại” là cách mọi người thường nói về “ông chủ trẻ” Vũ Thành Đạt (24 tuổi, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu). Bởi Đạt vốn là cầu thủ được đào tạo chuyên nghiệp của Đà Nẵng nhưng phải sớm từ bỏ “quần đùi áo số” vì chấn thương trong khi thi đấu.

Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, Đạt thu về 300 triệu đồng lợi nhuận.
Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, Đạt thu về 300 triệu đồng lợi nhuận.

 “Quần đùi áo số” một thời

Điều ấn tượng nhất ở Đạt không phải chiều cao lý tưởng, cũng không xuất phát từ thân hình vạm vỡ mà chính là khuôn mặt “hiền như bụt” cùng đức tính thật thà và rất khiêm tốn.

Đạt có thể lực bền bỉ cùng đôi chân nhanh nhẹn nên từ nhỏ đã là một chân sút nghiệp dư có tiếng ở địa phương. Năm học lớp 4, sau trận đấu giao hữu giữa học sinh các trường tiểu học, Đạt nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của các huấn luyện viên bóng đá phường Hòa Khánh Bắc và được chọn vào đội hình thi đấu cấp quận, sau đó là đội hình của thành phố. Đạt bồi hồi nhớ lại: “Ngày đó ba mẹ cấm dữ lắm, nhưng mà thích quá nên mỗi lần đi đá đều phải nói dối. Năm lớp 6, nhận được giấy triệu tập của thành phố gọi lên tập huấn, mình giấu kín cho tới khi thuyết phục được ba mẹ đồng ý mới dám đưa ra và chính thức vào đội hình cầu thủ trẻ của Đà Nẵng, thuộc lứa U11”.

Hơn 6 năm ăn, ngủ cùng trái bóng tròn, Đạt tham dự nhiều giải đấu chuyên nghiệp từ trong nước đến khu vực, gặt hái kha khá thành tích và kinh nghiệm. Nổi bật trong số đó là giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất giải Bóng đá U13 Học sinh châu Á do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF tổ chức vào năm 2005 và Huy chương bạc giải U15 toàn quốc ngay sau đó một năm tại tỉnh Thái Nguyên. Năm 18 tuổi, Đạt “dính” chấn thương trong một trận đấu, phải rời sân cỏ trong hụt hẫng, tiếc nuối.

Chàng nông dân chính hiệu

Sau khoảng thời gian khủng hoảng, Đạt quyết tâm làm lại từ đầu bằng việc khai khẩn mảnh đất rừng rộng 7ha của gia đình tại thôn Quan Nam 3 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) để lập nghiệp.

Cầm trong tay vỏn vẹn 15 triệu đồng, Đạt mạnh dạn ra Hà Nội học cách nhân giống, chăm sóc, chế độ ăn uống của giống gà Đông Tảo rồi từ đó xây dựng hệ thống nuôi gà đạt chuẩn riêng của mình.

Lứa gà Đông Tảo đầu tiên thành công nhưng sang lứa thứ hai do thời tiết không thuận lợi, gà bị bệnh nhanh, Đạt lại không có nhiều kinh nghiệm nên chỉ trong hai ngày, đàn gà 300 con gần như chết sạch… Không nản lòng, Đạt kiên trì chăm sóc đàn gà mới, học cách làm thuốc phòng bệnh đều đặn, nhờ đó đến nay trang trại đã có gần 1.000 con, mỗi tháng xuất ra thị trường 300 con gà Đông Tảo.

Kinh doanh gà Đông Tảo đi vào ổn định, Đạt trồng thêm hoa lan khi nhận thấy nhu cầu chơi loại cây cảnh này của người dân ngày một cao. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, trước tiên, Đạt đầu tư chừng 100m2 để nhân giống hai loài lan phổ biến trên thị trường là lan Dendro và lan Mokara; tiếp sau đó mới đến những giống lan đặc biệt khác như: Venda, hồ điệp, vũ nữ… Nay, trong trại của Đạt lên đến 64 giống lan, cung cấp cho các cửa hàng hoa và những người chơi hoa mỗi ngày hơn 70 cây, nhánh.

Chưa dừng lại ở đó, tận dụng đất trống trên đồi, Đạt trồng cây dó để bán lấy gỗ, nuôi nai lấy nhung, nuôi bò lấy thịt… Mỗi năm trừ các khoản chi phí, Đạt thu về hơn 300 triệu đồng lãi. Đạt luôn dành một phần lợi nhuận để hỗ trợ và tham gia các hoạt động Đoàn ở phường Hòa Khánh Bắc với cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn phường.

Không chỉ tiếp tục mở rộng trang trại, Vũ Thành Đạt còn ấp ủ dự định mở nhà hàng ven sông trong thời gian không xa để người dân nghèo địa phương có thêm công ăn việc làm.

“Đạt tuy rất bận nhưng luôn dành thời gian cho các hoạt động của địa phương. Với mô hình kinh doanh của mình, tuy thời gian đầu Đạt có gặp thất bại nhưng như mọi người thấy, đến nay, không chỉ nuôi gà, Đạt còn thành công ở lĩnh vực trồng hoa lan. Hiện tại, rất nhiều quán cà-phê trên địa bàn nhập hoa lan từ trang trại của Đạt về trang trí”.

Anh Đinh Quang Trường, Bí thư Đoàn phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu

Bài và ảnh: MỘC MIÊN

.