Kinh tế

Dấu hiệu nhận biết tiền thật, tiền giả

08:16, 12/10/2016 (GMT+7)

Hiện nay, vấn đề tiền thật, tiền giả đang được người dân quan tâm, lo lắng, vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa cho phát hành tài liệu “Tiền Việt Nam và cách nhận biết” để giúp người dân biết cách kiểm tra, nhận biết tiền thật, tiền giả; đồng thời, cảnh báo về thủ đoạn tiêu thụ tiền giả của bọn tội phạm và phổ biến quy định pháp luật về phòng chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam.

Nếu tiền giả, khi vuốt nhẹ tay chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như ở tiền thật.
Nếu tiền giả, khi vuốt nhẹ tay chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như ở tiền thật.

5 cách kiểm tra, nhận biết

Theo NHNN, có nhiều cách để kiểm tra, nhận biết tiền thật, tiền giả. Tuy nhiên, cơ bản có 5 cách thông dụng là soi tờ bạc trước nguồn sáng, vuốt nhẹ tờ bạc, chao nghiêng tờ bạc, kiểm tra các cửa sổ trong suốt và dùng kính lúp, đèn cực tím.

Cách thứ nhất, chúng ta có thể soi tờ bạc trước nguồn sáng để kiểm tra hình bóng chìm, dây bảo hiểm, hình định vị. Nếu tiền giả, hình bóng chìm không tinh xảo. Các chữ, số trên dây bảo hiểm không rõ ràng, không sắc nét và hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau. Cách thứ hai là có thể vuốt nhẹ tờ bạc để kiểm tra các yếu tố in lõm. Nếu tiền giả, khi vuốt nhẹ tay chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như ở tiền thật hoặc có cảm giác gợn tay do vết dập trên nền giấy, không phải do độ nổi của nét in. Cách thứ ba là chao nghiêng tờ bạc để kiểm tra mực đổi màu, iriodin, hình ẩn nổi. Nếu tiền giả, có thể làm giả yếu tố mực đổi màu nhưng không đổi màu, hoặc có đổi màu nhưng không đúng màu như ở tiền thật; không có yếu tố iriodin hoặc có in giả dải màu vàng nhưng không lấp lánh như ở tiền thật. Cách thứ 4 là kiểm tra các cửa sổ trong suốt (số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn). Nếu tiền giả, cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa sổ lớn không tinh xảo như tiền thật, trong cửa sổ nhỏ không có yếu tố hình ẩn. Và cuối cùng là dùng kính lúp, đèn cực tím để kiểm tra chữ in siêu nhỏ hoặc các yếu tố phát quang. Nếu là tiền giả, sẽ không có mảng chữ siêu nhỏ hoặc các dòng chữ, số không sắc nét, rất khó đọc. Không có mực không màu phát quang hoặc có làm giả nhưng phát quang yếu. Số sêri không phát quang hoặc phát quang không giống như ở tiền thật.

Ngoài ra, NHNN cũng cho biết, một đặc điểm khác cần lưu ý là chất liệu in tiền giả dễ bị bai giãn hoặc rách khi bị kéo, xé nhẹ ở cạnh tờ bạc, mực in dễ bong tróc. Vì vậy, NHNN cũng khuyến cáo, để khẳng định một tờ bạc là tiền thật hay tiền giả, cần lấy tờ tiền thật cùng loại so sánh tổng thể và kiểm tra các yếu tố bảo an theo các bước nêu trên. Trong đó, phải lưu ý phải kiểm tra nhiều yếu tố bảo an (tối thiểu 3 đến 4 yếu tố) để xác định là tiền thật hay tiền giả.

Thận trọng với các thủ đoạn làm giả

Theo NHNN Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng, từ năm 2013 đến nay, số tiền bị làm giả bị phát hiện qua hệ thống ngân hàng là 130 triệu đồng. Các loại tiền dễ bị giả nhất hiện nay là tờ 200.000 đồng, 100.000 đồng và 50.000 đồng. NHNN cũng cho biết, tội phạm thường hay sử dụng các thủ đoạn là dùng tiền giả mệnh giá lớn mua hàng hóa có giá trị nhỏ hoặc đổi lấy tiền mệnh giá nhỏ để được trả lại bằng tiền mặt. Hành vi tiêu thụ này thường nhằm vào những người buôn bán nhỏ, người già cả, nhất là ở các vùng nông thôn, nơi vắng người hay nơi dễ tẩu thoát khi bị phát hiện. Hoặc, họ đưa tiền giả đến các vùng sâu, vùng xa, nơi mà người dân ít có thông tin về tiền giả để mua hàng hóa. Tội phạm thường để tiền giả xen lẫn với tiền thật; lợi dụng khi người bán hàng đang bận rộn hoặc chủ động có các hành vi khiến họ mất tập trung, thiếu cảnh giác để mua hàng với giá trị lớn bằng tiền giả.

Trước thực trạng tội phạm ngày càng tinh vi trong sử dụng các thủ đoạn tiêu thụ tiền giả, NHNN cũng khuyến cáo, để bảo vệ tiền Việt Nam, các cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu phát hiện tiền giả phải kịp thời giao nộp cho cơ quan Công an, NHNN, Bộ đội Biên phòng hoặc cơ quan Hải quan nơi thuận tiện nhất. Đồng thời, NHNN, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, cơ quan Hải quan, Bộ đội Biên phòng khi phát hiện tiền giả phải tiến hành lập biên bản thu giữ và kịp thời thông báo cơ quan công an nơi gần nhất.

Các hình phạt đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam và phòng chống tiền giả: Đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, bị phạt tù từ 3 đến 20 năm hoặc tù chung thân tùy mức độ. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đối với tội che giấu tội phạm, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tùy mức độ. Đối với tội không tố giác tội phạm, bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Bài và ảnh: Thanh Tình

.