Kinh tế
Hàng hóa bắt đầu tăng giá
Mới bước vào quý 3 của năm nhưng nhiều loại hàng hóa trên địa bàn đã đua nhau tăng giá. Nhiều khả năng tình hình giá cả thị trường sẽ biến động trong những tháng cuối năm, nếu không có dự báo tốt và sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng.
Giá cả nhiều mặt hàng đã tăng và dự báo còn tăng nếu cung-cầu không cân đối. |
Một thời gian dài thị trường Đà Nẵng khá ổn định về giá cả, mặc dù giá xăng dầu, gas, sữa liên tục tăng. Thế nhưng đến nay, nhiều mặt hàng đã rục rịch tăng giá. Khảo sát ở hầu hết các nhóm hàng tiêu dùng, gia dụng và thực phẩm, mức tăng từ 3-15% so với trước; tăng rõ nhất là tại các chợ và cửa hàng đại lý kinh doanh bán lẻ... Tại chợ Đầu mối Hòa Cường, mỗi loại rau, củ tăng thêm từ 3.000-5.000 đồng/kg so với tháng trước; cá biệt một số mặt hàng như cà chua Đà Lạt do bị mất mùa đã tăng lên gấp đôi, từ 25.000-30.000 đồng/kg.
Tiểu thương chợ Đầu mối Hòa Cường cho biết, mấy tháng nay giá xăng dầu tăng liên tục, dù không nhiều nhưng cộng lại cũng đủ làm giá cước vận chuyển tăng theo. Kiểu tăng ngầm này chỉ có nhà xe và người thuê chở hàng tự thương lượng. Việc tăng giá tại thị trường bán lẻ theo hộ kinh doanh là khó tránh khỏi khi các chủ vựa thu mua ở phía Nam gọi điện thoại thông báo giá thu mua tại vườn đã tăng.
Các sản phẩm tiêu dùng khác dịp này cũng thông báo lên giá. Chị Đại, chủ tạp hóa rượu, bia, nước giải khát trên đường Núi Thành cho hay: Hơn một tuần nay, giá bia do hãng cung cấp đã được điều chỉnh. Những đại lý lớn tăng từ 5.000 đồng/thùng đối với sản phẩm nhãn hiệu bia Larue, thuốc lá tăng 20.000 đồng/cây (10 gói đối với nhãn hiệu White Horse), nước mắm làng nghề Nam Ô tháng trước giá 65.000 đồng/lít (loại 1), nay đã tăng tới 80.000 đồng/lít.
Chủ một cơ sở cung cấp hàng trăm suất ăn cho công nhân Khu công nghiệp Hòa Khánh than thở: “Hợp đồng với doanh nghiệp đã ký từ hồi đầu năm, số tiền mỗi phần ăn đã định, nay thực phẩm đã tăng giá hầu hết trong khi giá trị suất ăn vẫn giữ nguyên. Cứ tình hình này đến cuối năm chắc cơ sở hết lời luôn”.
Có thể thấy, nguyên nhân của tăng giá khi chưa vào cao điểm mua sắm cuối năm do nhiều nguyên nhân, trong đó ảnh hưởng của mưa bão, giá nguyên liệu như gas liên tiếp trong tháng 8 và 9 tăng 2 lần, với tổng cộng 15.000 đồng/bình. Thời tiết chuyển mùa, mưa lũ xảy ra trên diện rộng, nguồn cung thực phẩm hạn chế khiến giá rau, củ, trái cây, thịt, hải sản đều nhích lên.
Bên cạnh đó, kể từ sau Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 tổ chức tại Đà Nẵng cuối tháng 9 khiến sức tiêu thụ hàng hóa tăng đáng kể. Mặt bằng giá mới vì thế cũng được hình thành tới nay; cùng với đó, thời điểm này các cơ sở, doanh nghiệp thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng hóa Tết Nguyên đán 2017. Dự báo trong thời gian tới, thị trường sẽ có nhiều khả năng biến động bởi những tháng cuối năm vào mùa mưa bão, sức mua tăng mạnh có thể tác động đến nguồn cung làm tăng giá hàng hóa trên thị trường.
Về vai trò cơ quan quản lý Nhà nước, ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương thành phố cho biết, những tháng tới, sở sẽ tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát diễn biến thị trường hàng hóa để chủ động xử lý nhằm bảo đảm đủ nguồn cung những mặt hàng thiết yếu với giá cả ổn định, không để xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung, sốt giá, nhất là trong những thời điểm có thiên tai, bão lũ. Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường xử lý kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp pháp, buôn lậu, gian lận thương mại; đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Đinh Dậu 2017.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH