Kinh tế

Hướng đến xây dựng thành phố thông minh

07:44, 07/10/2016 (GMT+7)

Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng để xây dựng cơ quan công quyền của thành phố là những văn phòng không giấy, những thủ tục về cải cách hành chính phải là tốt nhất để phục vụ người dân và lãnh đạo. Ước mơ của Đà Nẵng xây dựng thành phố thông minh, mọi người dân được hưởng lợi trên các lĩnh vực như giao thông, y tế, giáo dục… Tuy nhiên, để đạt được ước mơ đó, Đà Nẵng còn nhiều việc phải làm.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT để thúc đẩy xây dựng thành phố thông minh.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT để thúc đẩy xây dựng thành phố thông minh.

Đó là những nội dung chính được thảo luận tại buổi làm việc của lãnh đạo UBND thành phố và đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về việc kiểm tra tình hình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại địa phương được tổ chức vào ngày 6-10. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng và Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo Ứng dụng CNTT Đặng Việt Dũng tham dự buổi làm việc.

Địa phương đi đầu cả nước

Theo báo cáo của Sở TT&TT Đà Nẵng, trong những năm qua, công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước tại thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của thành phố. Hạ tầng CNTT của thành phố được đầu tư hiện đại và đồng bộ như xây dựng Mạng đô thị thành phố (mạng MAN) tạo hạ tầng kết nối riêng cho ứng dụng Chính quyền điện tử với trên 300km cáp quang ngầm, hệ thống kết nối không dây công cộng có 430 trạm thu phát sóng, 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính…

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT cho rằng, Đà Nẵng là địa phương đi đầu cả nước triển khai hiệu quả về ứng dụng CNTT trên nền tảng hạ tầng được xây dựng thống nhất từ thành phố đến xã, phường. Với thành tích dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT (Vietnam ICT Index) trong 7 năm liền, Đà Nẵng có thể truyền đạt lại kinh nghiệm để các tỉnh, thành trong cả nước học hỏi kinh nghiệm.  

Thành công lớn nhất của Đà Nẵng trong việc ứng dụng CNTT tại địa phương là xây dựng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử (egov.danang.gov.vn) chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 7-2014. Trên cơ sở thành công đó, Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai xây dựng Đề án “Xây dựng thành phố thông minh” với các ứng dụng ban đầu như quản lý xe buýt công cộng, quản lý chất lượng nguồn nước uống; triển khai một số hệ thống giám sát giao thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; hệ thống camera giám sát của thành phố…

Đặc biệt, trong chủ trương phát triển nguồn nhân lực, thành phố đã ưu tiên thu hút lao động chất lượng cao về chuyên ngành CNTT&TT trong và ngoài nước. “Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng CNTT, bảo đảm đáp ứng nhu cầu triển khai các ứng dụng Chính quyền điện tử, tiến đến xây dựng thành công mô hình thành phố thông minh”, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết.

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng

Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố cho rằng, để đẩy mạnh hoạt động ứng dụng CNTT tại Đà Nẵng, chính quyền thành phố nên tập trung vào ngành kinh tế mũi nhọn là phát triển công nghiệp CNTT, trong đó ưu tiên lĩnh vực xuất khẩu phần mềm. Để thị trường xuất khẩu phần mềm tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, góp phần vào ngân sách của thành phố thì yếu tố quan trọng là phải có nguồn lực con người và cơ sở hạ tầng. “Nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định của ngành xuất khẩu phần mềm, vì vậy các cơ sở đào tạo phải tăng nhanh về số lượng và chất lượng để đáp ứng cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Tuấn Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Đà Nẵng, Giám đốc FPT Software Đà Nẵng đề xuất. Các bộ, ngành cần xây dựng đơn giá nhân công phần mềm cụ thể và giám sát nguồn lao động phần mềm để tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Hiện thành phố có hơn 500 dịch vụ công với nhiều dịch vụ được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao. Thế nhưng, nhiều dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế vì các quy định pháp lý thay đổi thường xuyên, thủ tục hành chính rườm rà. Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, hiện nay việc triển khai Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg của Chính phủ cho thí điểm thuê dịch vụ CNTT nên các doanh nghiệp Đà Nẵng rất khó khăn trong việc tiếp cận với khách hàng.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cam kết  tạo mọi điều kiện pháp lý hỗ trợ Đà Nẵng giải quyết những thủ tục còn vướng mắc. “Bộ sẽ xem xét hỗ trợ cho người dân tại 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) được thu xem truyền hình số mặt đất qua vệ tinh để bảo đảm mọi người dân được tiếp cận với công nghệ mới một cách bình đẳng. Bộ TT&TT cũng sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cải tiến chương trình khung đào tạo chuyên ngành CNTT nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực CNTT trong nước”, ông Hưng nói.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho biết, trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục nâng cao và đổi mới bộ máy công quyền để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Đà Nẵng cũng sẽ phấn đấu xây dựng thành phố thông minh với ước mơ là làm sao người dân ra đường được an toàn tuyệt đối, đi bất cứ nơi đâu cũng sẽ kiểm soát được hành vi của mình và được hưởng những dịch vụ tốt nhất. Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ về mặt chuyên môn, tài chính và tháo gỡ một số cơ chế, chính sách để ngành thông tin - truyền thông của Đà Nẵng phát triển hơn nữa cũng như ước mơ về một thành phố thông minh sớm trở thành hiện thực.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

.