Một ngày cuối tuần, người bạn ở Hòa Vang hẹn đến làng Thái Lai, xã Hòa Nhơn để tham quan với quả quyết, làng Thái Lai ngày nay đang đổi thay và được ví như “làng Nam Bộ” ở Hòa Vang.
Không gian sinh thái trong lành với vườn cây ăn trái ở thôn Thái Lai |
Chạy xe gắn máy theo quốc lộ 14B, rẽ vào đường liên xã Hòa Nhơn, chúng tôi đến thôn Thái Lai nằm ngay ngã rẽ tay trái tại dốc Cây Thông. Một khung cảnh làng quê êm ả hiện ra trước mắt, đó là doi đất bãi bồi mấy trăm năm qua tựa lưng vào núi, nhìn ra dòng sông Túy Loan lững lờ con nước trôi. Bên này sông Túy Loan là thôn Thái Lai thuộc xã Hòa Nhơn, bên tê là thôn An Tân, xã Hòa Phong. Cả đôi bờ đều có những vòm tre ken dày soi bóng dòng sông Túy Loan tĩnh lặng; thỉnh thoảng có dăm ba lồng cá bè được người dân thả nuôi.
Vào thôn Thái Lai, ông Đỗ Hữu Minh tiếp chúng tôi trong khuôn viên ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường. Ấm nước lá chè xanh đem ra mời khách. Tích Thiện Đường nằm giữa khoảnh vườn rộng cả mẫu đất. Ven ngôi nhà cổ trên 200 năm bài trí nhiều tiểu cảnh đẹp như hồ nước, chuồng chim, chòi nghỉ chân được sắp xếp theo phong thủy. Giữa làng quê thanh bình nhưng đã ít nhiều ảnh hưởng dáng dấp phố thị, ngôi nhà này vẫn giữ được nét kiến trúc được xem là thuần Việt, từ cấu trúc không gian nhà, mái lợp đến vô số nét chạm trổ trên gỗ hết sức tinh tế. Tích Thiện Đường còn lưu giữ những vật dụng gia đình xưa cũ với cối xay bột, cối giã gạo, mâm đồng, bàn ủi than, khuôn đúc bánh in, bếp củi… Việc đầu tư xây dựng các nhà chòi nghỉ chân là có chủ đích khai thác dịch vụ du lịch của ông Đỗ Hữu Minh. Tuy nhiên, ngày chúng tôi đến, bàn ghế được xếp chồng, phủ bạt. “Đã lâu lắm rồi, khách du lịch cũng thưa dần bởi sự hiện diện lẻ loi của Tích Thiện Đường. Do bận kinh doanh vật liệu xây dựng nên việc đầu tư, quản lý điểm đến tham quan cho du khách của gia đình chểnh mảng. Tôi đang thu hẹp chuyện kinh doanh vật liệu xây dựng để khôi phục lại hoạt động phục vụ, thu hút khách đến tham quan làng Thái Lai”, ông Minh chia sẻ thêm.
Câu chuyện của chủ và khách góp thêm tiếng nói, tiếng cười của nhiều gia đình hàng xóm. Làng Thái Lai nếu làm du lịch thì không thể trông chờ vào mỗi ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường. Chúng tôi được mời tham quan khung cảnh thanh bình của làng quê. Cái nắng cuối mùa hè tan biến bởi vườn nối tiếp vườn sum suê cây ăn trái. Băng qua vườn nhãn là vườn chôm chôm. Những vườn xoài, vườn ổi nối tiếp đang được người dân vun trồng. Với sự hiện diện của nhiều loại cây trái xứ miền Nam ở đây, làng Thái Lai hiện nay được ví như làng “Nam Bộ”.
Trở lại khoảnh sân ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường, ông Đỗ Hữu Minh chụm miệng huýt gió và trong phút chốc, hàng trăm cánh chim bồ câu chao lượn rồi rà xuống đậu đầy mái nhà cổ và tràn xuống sân. Ông Minh kể: Vài năm trước, gia đình có xây căn gác để tránh lũ và chỉ thả nuôi hai cặp bồ câu. Vậy mà đến nay, đàn bồ câu đã có gần 300 con. Có đàn bồ câu đông đúc này là do các đàn bồ câu từ nơi khác tìm đến nhập đàn và một phần tự sinh sôi nẩy nở. Sống cùng với bồ câu là nhiều loài chim hoang dã như chim cu ngói, chào mào… Những vườn cây ăn trái sum suê, rợp bóng mát tạo nên không gian tĩnh mịch thu hút chim trời về làm bầu bạn với người dân nơi đây.
Một môi trường sinh thái thôn quê vẫn được giữ gìn ở thôn Thái Lai trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ra vùng nông thôn, trở thành nguồn tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch cộng đồng. Ông Lê Văn Võ, Trưởng thôn Thái Lai cho biết: “Để tạo cảnh quan sinh thái vườn, bà con trong thôn đang kiến nghị với huyện, xã hỗ trợ thêm các loại cây ăn quả cho nhân dân. Hiện nay, thôn Thái Lai có trên 50% hộ dân đã xây dựng mô hình vườn cây ăn quả đủ điều kiện để đón du khách đến tham quan”. Với cảnh quan sinh thái này, tháng 5-2016, UBND huyện Hòa Vang đã lập tờ trình gửi UBND thành phố và các ngành chức năng triển khai lập quy hoạch làm địa điểm đầu tư, phát triển khu du lịch sinh thái - văn hóa Thái Lai, xã Hòa Nhơn.
Theo đề xuất của UBND huyện Hòa Vang, với quy mô 17,6ha, việc đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Thái Lai trên cơ sở cải tạo hệ thống giao thông, cấp thoát nước, tôn tạo các di tích, công viên, cảnh quan ven đường, phát triển thêm vườn cây ăn trái. Ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang đánh giá cao về địa điểm đầu tư Khu du lịch sinh thái làng Thái Lai, bởi nơi đây có hệ sinh thái nhân tạo phong phú cùng bản sắc văn hóa đặc trưng của làng quê xưa. Hơn nữa, thôn Thái Lai cũng là địa điểm tuyến đường sông từ sông Hàn lên Túy Loan mà UBND thành phố triển khai kế hoạch về khai thác phát triển tuyến du lịch đường thủy nội địa.
Bài và ảnh: Triệu Tùng