Kinh tế
54 giờ khởi nghiệp
Những người đam mê khởi nghiệp tại Đà Nẵng sắp có một cuối tuần đặc biệt (từ 25 đến 27-11) để trải nghiệm “cuộc đời thu gọn” của một doanh nghiệp khởi nghiệp trong 54 giờ đồng hồ.
Các nhóm nhận giải thưởng trong sự kiện “Khởi nghiệp Cuối tuần 2015” tại Đà Nẵng. Ảnh: KHANG NINH |
Cuối tuần đi... thành lập doanh nghiệp
“Khởi nghiệp Cuối tuần” (tên gọi quốc tế là Startup Weekend) là sự kiện vốn nổi danh trong giới khởi nghiệp toàn cầu. Bắt đầu từ năm 2007 tại Mỹ, đến nay, sự kiện này được tổ chức tại 478 thành phố ở 135 quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, Đà Nẵng là thành phố thứ ba (sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội) tổ chức “Khởi nghiệp Cuối tuần”. Năm 2014, với sự trợ giúp từ Global Shapers Community Hub (Cộng đồng những nhà sáng tạo toàn cầu trực thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới) tại thành phố Hồ Chí Minh và chương trình “100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng” của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố, “Khởi nghiệp Cuối tuần” trở thành sự kiện khởi nghiệp lớn đầu tiên tại Đà Nẵng.
Chị Phạm Thị Ngọc Nhân, Điều phối viên Global Shapers Đà Nẵng chia sẻ, vào thời điểm 2014, tại Đà Nẵng, khái niệm “khởi nghiệp” mới được một số ít người biết đến. Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng to lớn của Đà Nẵng trong hoạt động khởi nghiệp, chị cùng những đồng nghiệp trong Cộng đồng những nhà sáng tạo quyết tâm đưa chương trình về với giới trẻ thành phố.
Các sự kiện “Khởi nghiệp Cuối tuần” trên thế giới được tổ chức theo cùng một quy cách, bắt đầu từ tối thứ sáu và kết thúc vào tối chủ nhật cùng tuần. Đêm đầu tiên, các thí sinh (60-70 người) có cơ hội trình bày ý tưởng khởi nghiệp của mình trong vòng 1 phút, sau đó ban giám khảo sẽ lọc ra 10 ý tưởng tốt nhất. Chủ nhân các ý tưởng này sẽ phải tìm kiếm “cộng sự” trong số những thí sinh khác không có ý tưởng được chọn để thành lập nhóm, tiếp tục “nuôi nấng đứa con tinh thần” của mình. Trong hai ngày thứ bảy, chủ nhật, các nhóm sẽ phải xây dựng sản phẩm, lên kế hoạch kinh doanh, tiếp nhận phản hồi từ các nhà tư vấn và thuyết trình để kêu gọi vốn đầu tư cho dự án.
Chị Nhân cho biết, trong suốt 54 giờ làm, ăn cùng nhau,… các thí sinh đã thực sự tạo ra được một cộng đồng chia sẻ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng để đưa được một ý tưởng mới bắt đầu manh nha thành sản phẩm đủ thuyết phục nhà đầu tư chỉ trong 54 giờ đòi hỏi những “thần kinh thép”. Ban tổ chức “Khởi nghiệp Cuối tuần” vẫn còn nhớ một đội thi năm 2015 “thất thểu” đến xin… tạm dừng cuộc chơi sau khi đã ráng trụ được đến tận tối chủ nhật, chỉ còn cách buổi thi chung kết một giờ đồng hồ.
Những tiến bộ đáng kể
Lúc mới “chân ướt chân ráo” về Đà Nẵng vào năm 2014, “Khởi nghiệp Cuối tuần” chỉ có 53 thí sinh với 39 ý tưởng. Chị Nhân cho biết, các thí sinh của năm đầu đều có tinh thần thích đột phá, ham học hỏi và có những ý tưởng hay. “Nhưng rất nhiều thí sinh chưa có chút kiến thức gì về khởi nghiệp, nên các cố vấn đã phải làm việc rất vất vả trong suốt hai ngày cuối tuần”, chị Nhân cho biết.
Tuy nhiên, đến năm 2015, tình thế gần như đảo ngược. Chỉ trong vòng 1 năm, khái niệm “khởi nghiệp” đã lan ra rất nhanh và rộng tại Đà Nẵng. 70 thí sinh được chọn từ 150 người đăng ký - đa phần là sinh viên và những người đang ở trong giai đoạn đầu của sự nghiệp - đều có hiểu biết về khởi nghiệp.
Lực lượng cố vấn viên và ban giám khảo bao gồm những người có kinh nghiệm trong khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực như bà Nguyễn Thị Mỹ Hương (đồng sáng lập Fablab Đà Nẵng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh), ông Eddi Thai (đối tác đầu tư quỹ 500 Startup), ông Nathaniel Rettenmayer (Tùy viên Kinh tế Tổng lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh)… Hai đội giành giải nhất và nhì từ “Khởi nghiệp Cuối tuần 2015” được tuyển vào Chương trình Ươm tạo đầu tiên của Vườn ươm doanh nghiệp thành phố và trở thành những dự án khởi nghiệp đầu tiên của Đà Nẵng.
Anh Nguyễn Quốc Khánh (sinh viên khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) – người đoạt giải nhì năm 2015 với dự án kinh doanh mỹ phẩm sạch – chia sẻ, 54 giờ khởi nghiệp đã khiến anh thay đổi cách nhìn của mình về nghiên cứu khoa học ở trường đại học. “Nghiên cứu khoa học không còn là một điều… trên mây nữa. Tuy nhiên, khi cả nhóm cùng bắt tay vào việc, tôi hiểu ra được cần phải phối hợp những kỹ năng kỹ thuật, kinh tế,… thì mới có thể biến một dự án trên giấy thành một doanh nghiệp khởi nghiệp.”, anh Khánh cho biết.
Năm nay, “Khởi nghiệp Cuối tuần” sẽ có sự tham gia lần đầu tiên của Vườn ươm doanh nghiệp thành phố và Danang Innovation Hub (Trung tâm Đổi mới Đà Nẵng) trong vai trò nhà tổ chức. Ông Lý Đình Quân, Phó Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp thành phố cho biết, phong trào khởi nghiệp đã phát triển mạnh mẽ tại các trường đại học trong giai đoạn cuối 2015, đầu 2016. Do đó, các thí sinh năm nay sẽ có tính cạnh tranh cao, mang đến nhiều ý tưởng tốt. “Khởi nghiệp Cuối tuần” được kỳ vọng sẽ đóng góp vai trò trong việc đào tạo kiến thức, lan truyền cảm hứng và thúc đẩy sự phát triển cho khởi nghiệp Đà Nẵng.
KHANG NINH