Kinh tế

Thị trường bán lẻ nhộn nhịp

08:09, 04/11/2016 (GMT+7)

Tuy chưa vào thời điểm cuối năm nhưng lượng khách đến mua sắm tại các chợ và siêu thị khá đông. Có thể thấy, thị trường bán lẻ đã nhộn nhịp sớm hơn so với các năm trước. Sức mua tăng đang là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, góp phần giữ vững ổn định thị trường.

Sức mua tại các chợ và siêu thị đang tăng cao.
Sức mua tại các chợ và siêu thị đang tăng cao.

Những tháng gần đây, thị trường Đà Nẵng hoạt động khá sôi động, dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí tăng đáng kể nhờ thành phố đăng cai nhiều sự kiện tầm quốc tế, lượng khách du lịch trong và ngoài nước lưu trú nhiều hơn. Kinh doanh khởi sắc đã tác động tích cực đến doanh thu của các nhà phân phối, kinh doanh trên địa bàn. Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng bán lẻ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng quà. Điều này góp phần làm tăng sức mua của người dân trong bối cảnh nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, gas, sữa... liên tục tăng giá.    

Theo đánh giá của nhà bán lẻ Coopmart Đà Nẵng, sức mua của thị trường năm nay khởi sắc hơn với sự hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế; nhiều người dân không còn quá dè dặt khi đi mua sắm. Không chỉ nhóm hàng thực phẩm tươi sống được tiêu thụ mạnh, các nhóm hàng đồ dùng gia đình, quần áo thời trang và làm đẹp cũng thu hút khách hàng hơn so với cùng kỳ năm trước. Điều này khác hẳn với thời điểm khó khăn 2-3 năm trước, người tiêu dùng lúc đó chỉ tập trung nhóm hàng thực phẩm thiết yếu.

Thị trường bán lẻ khả quan, doanh thu đạt yêu cầu, một số siêu thị còn đẩy mạnh tìm kiếm các nhà cung cấp đáp ứng thêm nhiều mặt hàng mới. Bà Phan Như Yến, Giám đốc Siêu thị Intimex Đà Nẵng bày tỏ: “Thông qua việc kết nối cung - cầu do UBND thành phố và Sở Công thương tổ chức vừa qua, chúng tôi đã làm việc với nhiều cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp ở một số tỉnh, thành phố cả nước để có những nguồn hàng đạt chất lượng, phục vụ người tiêu dùng Đà Nẵng. Với tình hình sức mua như hiện nay, chúng tôi tin tưởng khách hàng sẽ còn đòi hỏi nhiều hơn nữa về số lượng cũng như chất lượng sản phẩm do nhà bán lẻ đưa ra”.  

Bên cạnh đó, khối thị trường tự do như các chợ, cửa hàng cũng đang tăng cường nguồn hàng chuẩn bị những ngày lễ sắp tới, chào đón Giáng sinh và năm mới 2017. Tại các chợ, sức mua của người dân bắt đầu tăng đáng kể. Một số tiểu thương cho biết, chỉ cần đến chợ vào những ngày cuối tuần sẽ thấy trước đây người tiêu dùng đi chợ thường chỉ ưu tiên mua những thực phẩm hằng ngày, nhưng hiện tại hầu hết các nhóm hàng đều có sức tiêu thụ tốt.

Không chỉ ở nội thành, những chợ ngoại thành đặc thù khu vực có đông sinh viên, công nhân, thường vào dịp cuối năm mới sôi động. Nhưng gần đây, vào các ngày thứ 7, chủ nhật, lượng khách đến chợ tăng cao, nhất là các quầy hàng thực phẩm như laghim, trái cây, gà, vịt tiêu thụ tăng đột biến, gấp 2-3 lần bình thường. Đặc biệt, các quầy hàng bán gà, vịt sống từ sáng sớm phải nhận giết mổ hàng trăm con gia cầm đến mức làm không kịp theo yêu cầu của khách hàng. Trong khi đó, các đại lý tạp hóa cấp 1 lại lo tìm nguồn hàng dự trữ như hàng đặc sản, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, đồ hộp...  

Tết là thời điểm quan trọng đối với các nhà sản xuất, kinh doanh. Vì thế, tận dụng thời cơ, các doanh nghiệp xây dựng chiến lược để có những dự báo tích cực cho thị trường. Bà Lê Thị Hiền, Phó Giám đốc Siêu thị Coopmart Đà Nẵng cho hay: “Doanh thu năm nay của siêu thị rất khả quan với mức tăng trưởng 15% so với cùng kỳ. Do đó, chúng tôi đã có kế hoạch nhập hàng Tết bắt đầu vào cuối tháng 11 tới. Nhiều khả năng giá cả sẽ ổn định, vì đến nay chưa thấy dấu hiệu nào từ nhà cung cấp đề cập tăng giá”.

Đại diện Công ty Nielsen (chuyên nghiên cứu thị trường tại Việt Nam) chia sẻ: Muốn chuẩn bị tốt việc kinh doanh thị trường Tết năm 2017, doanh nghiệp phải nhìn lại các ngành hàng năm trước để có những bước đi hiệu quả. Cụ thể, 5 ngành hàng tại Việt Nam luôn có mức tiêu thụ hàng đầu trong mùa tết là bia, nước ngọt, cà-phê, thuốc lá và bánh kẹo. Song, 5 ngành hàng này có sự khác nhau giữa các miền Bắc - Trung - Nam và doanh nghiệp hãy nhìn vào ý định trữ hàng của các nhà bán lẻ ở 3 miền. Thường ở miền Nam, nhà bán lẻ trữ hàng khoảng 1 tháng trước Tết; miền Bắc và miền Trung trữ hàng sớm hơn, khoảng 2 tháng trước Tết.

Nhằm góp phần đáp ứng cung - cầu cuối năm, tại các cuộc họp thường kỳ, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng, các quận, huyện tập trung triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt trong những tháng cuối năm...

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

.