Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI đã thống nhất việc triển khai thực hiện giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2016-2020; trong đó, nhấn mạnh việc vận dụng, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đã có; đồng thời nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi mới của thành phố…
Những năm qua, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh… với thành quả nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, Chỉ số cải cách hành chính và quản trị công...; qua đó, góp phần vào kết quả thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào thành phố vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Giai đoạn 2011-2015, thu hút đầu tư của Đà Nẵng thấp hơn nhiều so với các địa phương trong cả nước. Các dự án đầu tư chủ yếu trên lĩnh vực bất động sản, du lịch; thu hút đầu tư trên lĩnh vực sản xuất, công nghệ cao, công nghệ nguồn còn ít nên chưa có sức lan tỏa và trở thành động lực để phát triển kinh tế, xã hội của vùng, địa phương. Bên cạnh đó chưa có nhiều tập đoàn, DN lớn đầu tư vào thành phố.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Trần Văn Sơn cho biết: “Trong giai đoạn 2011 - 2015, hoạt động đầu tư hiệu quả chưa cao, đa số các dự án quy mô nhỏ, một số dự án lớn sử dụng nhiều đất, nhưng đóng góp vào ngân sách còn ít... Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách ưu đãi của thành phố chưa thật sự cạnh tranh, phương thức xúc tiến đầu tư chưa hiệu quả, sự phối hợp giữa các sở, ngành chức năng và hạ tầng kêu gọi đầu tư còn nhiều bất cập, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng; công tác quy hoạch còn hạn chế; công tác cải cách hành chính tuy đã được cải thiện nhưng ở một số khâu vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thu hút doanh nghiệp đầu tư”.
Để huy động tối đa các nguồn lực, trong đó có nguồn lực của các doanh nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI thống nhất giai đoạn 2016-2020 đẩy mạnh công tác thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào địa bàn, trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế, đem lại giá trị gia tăng cao; nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư, hiệu quả thu hút đầu tư góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội. Ông Lý Đình Quân, Phó Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng nhìn nhận: “Bên cạnh việc vận dụng tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi, thành phố cần có chính sách hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, nhất là trong thanh niên, sinh viên, xem đây là nguồn lực dồi dào để phát triển kinh tế tri thức, kinh tế công nghệ cao bền vững và hiệu quả”. Đồng quan điểm đó, lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố cho rằng: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giữ vững thứ hạng cao về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính và quản trị công. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, khuyến khích DN chủ động liên kết, phân công lại năng lực sản xuất; triển khai thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Ngoài ra, rà soát đề xuất cơ chế ưu đãi tại các khu công nghiệp, nhất là giá thuê đất. Ban hành danh mục các dự án đầu tư trọng điểm trên từng lĩnh vực, đa dạng hóa các kênh tuyên truyền, quảng bá về Đà Nẵng. Làm tốt công tác hỗ trợ các dự án đang triển khai, nhất là công tác phối hợp, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tăng cường xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm; tạo môi trường đầu tư minh bạch, công khai, tin cậy, đủ hấp dẫn để vận động thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư...
Một số nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này là tập trung xây dựng đồng bộ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ kêu gọi đầu tư. Trong đó, rà soát, hoàn chỉnh, công bố quy hoạch sử dụng đất; hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và triển khai các dự án đã xác định. Đặc biệt, hoàn thiện hạ tầng Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Khu công nghệ thông tin tập trung, Khu công viên phần mềm… Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2016-2020. Có phương án kêu gọi xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các khu công nghiệp. Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp thân thiện với môi trường, kêu gọi đầu tư xây dựng khu công nghiệp dành riêng cho DN vừa và nhỏ của một số quốc gia trọng điểm thu hút đầu tư như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… Ngoài ra, tập trung quy hoạch, kêu gọi đầu tư xây dựng và phát triển Đà Nẵng thành trung tâm logistisc của khu vực, mở rộng cảng Tiên Sa, xây dựng cảng Liên Chiểu… thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của kinh tế đến năm 2020, tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau…
Thành Lân