Kinh tế

Hỗ trợ nông dân trồng nấm

08:37, 16/11/2016 (GMT+7)

Thời gian qua, nhiều hộ nông dân và hợp tác xã (HTX) tại huyện Hòa Vang và các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn tiếp nhận công nghệ trồng nấm sò và nấm linh chi do Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chuyển giao, đem đến thu nhập cao. Qua sản xuất thử nghiệm một thời gian, đến nay bà con nông dân đã nắm vững quy trình kỹ thuật chăm sóc, từng bước nâng cao năng suất và thu nhập.

Việc trồng nấm thu hút được nhiều nguồn lực lao động.  Trong ảnh: Mô hình trồng nấm ở thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang.
Việc trồng nấm thu hút được nhiều nguồn lực lao động. Trong ảnh: Mô hình trồng nấm ở thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang.

Bên cạnh việc nhận bàn giao bịch nguyên liệu từ Trung tâm CNSH, nhiều hộ dân và HTX trồng nấm tự sản xuất bịch nguyên liệu để trồng và cung ứng ra thị trường, tiêu biểu như HTX Nấm Nhơn Phước, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Ông Nguyễn Văn Nhi, Giám đốc HTX Nấm Nhơn Phước cho biết: “Nhân công làm việc tại HTX đã thành thạo các công đoạn từ việc xử lý nguyên liệu, đóng bịch, hấp bịch, cấy giống…

Hiện nay việc hấp bịch được thực hiện bằng lò hấp hơi tự động, tiết kiệm thời gian và giảm thiểu khí thải ra môi trường xung quanh”. Việc sản xuất nấm linh chi đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật từ việc khử trùng bịch nguyên liệu đến thao tác vô trùng trong quá trình cấy giống (khử trùng tủ cấy giống bằng đèn UV 30 phút trước khi cấy giống), bảo đảm nhiệt độ cho quá trình ươm sợi (25-<30oC) và đặc biệt là tạo ẩm độ thích hợp cho nhà trồng trong quá trình chăm sóc quả thể (80-85%) bằng hệ thống tưới phun sương…

Đối với nấm sò thì kỹ thuật chăm sóc đơn giản hơn. Bà con cần chuẩn bị nhà trồng sạch sẽ, thông thoáng, gia cố hệ thống lưới ngăn côn trùng gây hại. Sau khi hấp bịch nguyên liệu và cấy giống thì đưa ra nhà trồng để chăm sóc và thu hái, đặc biệt chú ý bảo đảm ẩm độ cho nấm phát triển tốt. Năm 2016, Trung tâm CNSH tiếp tục chuyển giao khoảng 3.600 bịch nấm cho 3 hộ dân thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ thuật, bàn giao 500kg giống nấm sò các loại cho nông dân các xã Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Liên... Qua triển khai sản xuất, nông dân đã nắm vững quy trình trồng và chăm sóc, hạn chế được sâu bệnh hại, nâng cao hiệu quả sản xuất và ổn định cuộc sống.

Việc trồng nấm có một đặc điểm là tất cả mọi người không kể nam nữ, già trẻ đều làm được, do đó tận dụng tối đa được nguồn lao động nhàn rỗi trong gia đình. Như hộ ông Phạm Văn Thiệp, thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, mẹ ông Thiệp trên 70 tuổi còn tham gia hái nấm.

Bà cười: “Bà già rồi, nhàn rỗi cũng buồn, may mà có cái nhà nấm này nên bà cũng đỡ buồn chân tay, lại phụ giúp được con cháu. Mỗi ngày bà hái được cả chục kilogam để các cháu đi chợ bán hoặc bà đem bán cho bà con hàng xóm”. Gia đình ông Thiệp cho biết thêm, từ lúc treo bịch cho đến nay khoảng 1 tháng, đã thu hoạch được hơn 100kg nấm sò trắng và tím, giá bán giao động từ 25.000-50.000 đồng/kg tùy loại và tùy thời điểm (nấm sò tím ngày rằm và mồng 1 giá cao hơn). Một số hộ gia đình khác tại địa phương cũng sản xuất nấm đạt năng suất tương tự.

HTX Nấm Nhơn Phước có quy mô sản xuất lớn, trồng cả nấm sò và nấm linh chi. Ông Nguyễn Văn Nhi cho biết: “Trồng nấm linh chi thì kỹ thuật chăm sóc khó hơn nhưng lợi nhuận kinh tế cao. Năm ngoái, HTX sản xuất các loại nấm với doanh thu khoảng 300 triệu đồng. Từ đầu năm 2016 đến nay, doanh thu từ việc trồng nấm khoảng 150 triệu đồng và thu nhập từ việc sản xuất bịch nguyên liệu khoảng 180 triệu đồng”.

Trồng nấm sò và nấm linh chi phù hợp với người nông dân Đà Nẵng và có thể cho thu nhập ổn định, tận dụng được nguồn lao động tại địa phương. Thời tiết Đà Nẵng khá phù hợp với việc trồng hai loại nấm này. Tuy nhiên, cán bộ kỹ thuật Trung tâm CNSH cũng khuyến cáo người nông dân khi đầu tư trồng các loại nấm ăn và dược liệu cần phải đầu tư công sức, lán trại và tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi trồng, đặc biệt chú ý các khâu vệ sinh khử trùng. Đồng thời, chính quyền địa phương các cấp, các ngành chức năng cần có phương thức hỗ trợ để bà con nông dân sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất.

Bài và ảnh: Thanh Thảo

.