Kinh tế
Khởi nghiệp từ nấm khổng lồ Milky
Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, Trần Công Danh lại gắn bó với nghiên cứu nông nghiệp. Mới đây, dự án “sản xuất, kinh doanh nấm khổng lồ Milky” của anh và nhóm bạn được lựa chọn là 1 trong 9 dự án có tính khả thi cao đưa vào ươm tạo khóa 2 tại Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng.
Trần Công Danh với giống nấm khổng lồ Milky do nhóm ươm tạo. |
Bén duyên với cây nấm từ một cuộc thi tại TP. Hồ Chí Minh, Trần Công Danh chọn nấm để khởi nghiệp trước khi bước chân vào Vườn ươm Đà Nẵng. Từ 3 năm trước, cây nấm mà bạn trẻ này chọn là loại nấm bào ngư xám, sản phẩm được chăm bẵm tại nhà, nhưng thất bại vì chúng chỉ ra được một lần do thổ nhưỡng, khí hậu Đà Nẵng không thích hợp.
Chi phí đầu tư cho 1 bịch phôi trồng giá khoảng 15.000 đồng, nhưng cây nấm thành phẩm lại nhỏ xíu, thu không đủ bù chi... Không như kỳ vọng ban đầu, dự án phải ngưng lại, hộp trồng nấm được chuyển lại cho một khu nghỉ dưỡng ở thành phố Hội An. Không nản chí, cùng với sự nghiên cứu, hỗ trợ của những người bạn tâm huyết, Danh tiếp tục bắt tay cho ra một loại nấm còn khá mới mẻ với thị trường, đó là nấm khổng lồ Milky. Sở dĩ nấm có tên gọi là nấm khổng lồ bởi vì chúng có kích thước rất to, chừng 5-7 kilogam/cây.
Là người Đà Nẵng, Danh thấy được sự quan tâm của chính quyền thành phố đối với hệ sinh thái khởi nghiệp và đặt nhiều niềm tin vào dự án của mình. Từ đây, ý tưởng của nhóm được hiện thực hóa bằng sự hỗ trợ không chỉ từ chính quyền, doanh nghiệp mà còn từ những người dân địa phương. Danh cho biết: “Vườn ươm thực sự là bà đỡ cho những người trẻ khi họ bắt đầu khởi nghiệp chỉ với con số 0. Vì thế tụi em rất tin tưởng vào kế hoạch lần này. Tất cả các bạn trong nhóm đều có những kiến thức bổ trợ lẫn nhau và chế tạo ra các thiết bị phục vụ khép kín cho một chu trình sản xuất nấm. Tất nhiên, sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm là chính”.
Hiện dự án nấm Milky đang được triển khai tại khu vực Đại La, thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu trên diện tích 80m2. Bên cạnh nấm còn có các loại rau thủy canh. Để thành công trong việc ươm tạo nấm phát triển được trong môi trường khí hậu miền Trung, nhóm dự án 4 người gồm: Trịnh Thị Xuân (TP. Cần Thơ), Dương Minh Nhật, Huỳnh Minh Phú (TP. Hồ Chí Minh), Trần Công Danh (Đà Nẵng) dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ các quy trình. Đến nay, nhóm không chỉ thành công với việc ươm tạo nấm Milky mà còn sản xuất được đông trùng hạ thảo. Những thiết bị, vật dụng và gần như 90% nhà kính là do nhóm tự tay thiết kế, chế tạo để phục vụ nông nghiệp.
Thổ lộ chuyện từng gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm nấm Milky vào chợ Đầu mối Bình Điền, TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ, Danh nói: “Khách hàng cứ nghĩ nấm to là nấm của Trung Quốc. Người tiêu dùng luôn so sánh về giá vì ở chợ cũng tràn ngập nấm Trung Quốc giá rẻ. Nhiều khi tiểu thương còn phải nói tránh, đây là nấm đùi gà để trấn an người mua”.
Tuy vậy, ở Đà Nẵng dù lứa sản phẩm đang trồng với quy mô lớn chưa thu hoạch, nhưng thị trường nơi đây đã đặt hàng hằng tháng 100kg nấm Milky (giá 120.000đồng/kg) của nhóm đưa ra từ các vùng vệ tinh đã trồng như Đà Lạt, các tỉnh phía Nam... “Do còn khá mới mẻ nên tụi em chưa kịp xây dựng kênh phân phối. Nhưng nếu thành công ở đây, tụi em sẽ dạy nghề miễn phí và chuyển giao công nghệ cho những nông dân có nhu cầu. Hoặc nếu kết hợp được các nhà bán lẻ, cửa hàng thì sẽ cho trồng ngay tại điểm bán để có sản phẩm tươi, chất lượng tốt hơn phục vụ người tiêu dùng”, Danh cho biết.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH