Kinh tế

Khởi nghiệp trong sinh viên: Không dừng lại ở ý tưởng

08:05, 29/11/2016 (GMT+7)

Hằng năm có rất nhiều sinh viên đoạt giải tại các cuộc thi nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp trường, khu vực và quốc gia. Tuy nhiên, không nhiều sinh viên tiếp tục phát triển nghiên cứu thành dự án khởi nghiệp.

Các cuộc thi khoa học và công nghệ là bệ phóng cho khởi nghiệp (ảnh do Ban tổ chức chương trình cung cấp).
Các cuộc thi khoa học và công nghệ là bệ phóng cho khởi nghiệp (ảnh do Ban tổ chức chương trình cung cấp).

Sau ý tưởng là gì?

Tại cuộc thi Mobile Hackathon khu vực miền Trung được tổ chức vào đầu tháng 11-2016, ứng dụng di động “Đi chợ thuê” của nhóm sinh viên thuộc Trường Đại học FPT (Đà Nẵng) đoạt giải sản phẩm được cộng đồng yêu thích nhất. Người dùng ứng dụng này chỉ cần một vài cái quẹt tay và nhập thông tin về món hàng cần mua thì sẽ tiết kiệm được thời gian ra chợ mà vẫn có thức ăn giao đến tận nhà. Cùng lúc đó, nhiều người khác có thể tăng thêm thu nhập trong thời gian nhàn rỗi bằng nghề giao hàng. Tuy có nhiều triển vọng phát triển nhưng các lập trình viên của nhóm cho biết, sau cuộc thi Mobile Hackathon, nhóm vẫn chưa biết sẽ làm gì với sản phẩm của mình. “Nhóm gồm các sinh viên năm cuối. Thời điểm này, mọi người tập trung thực tập, chuẩn bị tốt nghiệp nên tạm thời chưa nghĩ về việc hoàn thiện sản phẩm hay phát triển thành dự án khởi nghiệp”, một thành viên cho biết.

“Đi chợ thuê” không phải là trường hợp đơn lẻ. Thầy Vũ Văn Thanh (khoa Điện tử viễn thông, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng), người có nhiều kinh nghiệm trong việc hướng dẫn sinh viên tham dự các cuộc thi NCKH của thành phố và toàn quốc chia sẻ, hầu hết các dự án thường chỉ dừng lại ở các giải thưởng. Có hai lý do chính, một là thiếu vốn để hoàn thiện và được thương mại hóa; hai là, sau kỳ thi, các em thường phải trở lại với guồng quay bài vở, thi cử. Khi không được nuôi dưỡng một cách thích hợp, việc các ý tưởng, dự án “chết yểu” là điều dễ hiểu.

Tạo cho sinh viên tinh thần khởi nghiệp

Ông Nguyễn Văn Tiền, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp, Đại học Duy Tân cho biết, để biến ý tưởng thành hiện thực đòi hỏi 3 yếu tố: đam mê, tài chính và năng lực khởi nghiệp. Không nhiều sinh viên ngành khoa học và công nghệ có hiểu biết và kỹ năng về tìm hiểu thị trường, quản lý tài chính, phát triển sản phẩm hay tuyển dụng nhân sự. Trong khi đó, đây chính là những điều cần có để phát triển một sản phẩm thử nghiệm thành một sản phẩm có thể bán được.

Bên cạnh đó, không phải sinh viên nào giỏi NCKH cũng đam mê khởi nghiệp. Ông Tiền nói: “Các sinh viên đoạt giải NCKH thường có năng lực chuyên môn và khả năng nghiên cứu cao. Kinh nghiệm cho thấy, sau khi tốt nghiệp, các em thường học lên tiếp và chọn những ngành nghề có tính học thuật. Đây cũng là lựa chọn hoàn toàn chính đáng của các em”. Tuy nhiên, theo ông Tiền, khi thị trường lao động đang ngày một cạnh tranh, nhà trường cần trao cho sinh viên nền tảng về khởi nghiệp để sau khi ra trường các em có thể phát huy khả năng của mình và tự làm chủ.

Tại hội thảo góp ý đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Võ Duy Khương nhận định: Việt Nam vốn không có truyền thống khởi nghiệp nên việc xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên không phải là điều dễ dàng mà cần đến sự góp sức của các trường đại học, Hội Sinh viên và các doanh nghiệp.

Theo ông Tiền, sắp tới, Đại học Duy Tân sẽ đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp như tổ chức khóa đào tạo tìm ý tưởng khởi nghiệp, cuộc thi thu hút nhà đầu tư, buổi trò chuyện với những cựu sinh viên khởi nghiệp thành công. “Trong năm học tới, mục tiêu của trường là có 70% dự án khởi nghiệp bắt nguồn từ các NCKH của sinh viên”.

Ông Huỳnh Công Phát, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin, ĐH Đà Nẵng nhận định: “Các trường cao đẳng, đại học đóng vai trò quan trọng trong việc tạo hệ sinh thái khởi nghiệp lâu dài và bền vững. Vai trò của nhà trường là ươm tạo tư duy, tức tạo ra con người có đam mê và kiến thức nền tảng về khởi nghiệp, chứ không phải ươm tạo doanh nghiệp, bởi các trường rất khó có được nguồn lực hỗ trợ tốt. Vì vậy, để giảm tình trạng NCKH “cất tủ”, cần tạo những mối liên kết mạnh mẽ giữa các trường cao đẳng, đại học, Vườn ươm doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp thành phố. Hy vọng sẽ có các diễn đàn, sự kiện, hệ thống dữ liệu về các quỹ đầu tư và cố vấn viên mà các trường có thể tiếp cận”.

KHANG NINH

.