Kinh tế
Làng nước mắm Nam Ô giữ uy tín nghề
Làng nghề nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) khẳng định bảo vệ thương hiệu sản phẩm nước mắm Nam Ô không chỉ là trách nhiệm với việc giữ hồn cho nghề truyền thống mà còn bảo vệ uy tín của chính mình và quyền lợi của người tiêu dùng.
Sản phẩm làng nghề nước mắm Nam Ô cần được gìn giữ và phát huy. |
Gắn bó với làng nghề với trọng trách Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô từ nhiều năm nay, ông Trần Ngọc Vinh cho biết, trước đây làng nghề có 112 hội viên, nhưng đến nay vì lý do giải tỏa, người dân làm mắm đã di dời đi nơi khác, nên chỉ còn 50 hộ theo nghề. Dù số hộ sản xuất bị thu hẹp, nhưng năng lực cung ứng sản phẩm nước mắm truyền thống của làng nghề vẫn duy trì từ 60.000-100.000 lít/năm.
Tuy nhiên, trước sự hoang mang của người tiêu dùng, làng nghề ít nhiều chịu ảnh hưởng về kinh tế. Anh Phan Công Quang, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Vinh Quang (hội viên trẻ nhất của làng nghề) cho biết: “Gia đình tôi muối 30-50 tấn cá nguyên liệu mỗi năm, cho ra 400-500 lít nước mắm thành phẩm, lúc cao điểm làm không kịp phải thuê 5-7 nhân công lọc mắm. Từ ngày có công bố thông tin thiếu chính xác về chất lượng nước mắm, các khách hàng của chúng tôi đã tạm ngưng đặt hàng. Bình thường 50% sản lượng được tiêu thụ tại địa phương, còn 50% là xuất đi các tỉnh, nhưng hiện tại sản lượng đã giảm khoảng 70%”.
Tuy nhiên, người dân vẫn chú trọng bảo đảm chất lượng nước mắm. Chỉ từng phuy mắm màu cánh gián đặt trong nhà dậy mùi thơm, bà Đinh Thị Mễ (trú tổ 110, Hòa Hiệp Nam) cho hay: “Nhìn vậy chứ chưa đủ 12 tháng là tui không xuất bán đâu. Mấy năm trước nhà cũng làm nhiều lắm do giá cá cơm chỉ 15.000 đồng/kg, chừ qua năm 2016 có lúc cá lên 25.000 đồng/kg cũng phải muối để duy trì công việc làm nghề. Hiện số lượng mắm dự trữ trong nhà đáp ứng theo yêu cầu của thị trường với khoảng 10.000 lít”.
Theo UBND quận Liên Chiểu, trong bối cảnh nước mắm Nam Ô còn khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra thì các cơ sở, hợp tác xã vẫn tích cực trong công tác xúc tiến quảng bá thương hiệu ở địa phương và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó có Công ty TNHH Trâm Anh (thành phố Hồ Chí Minh) tìm đến làng nghề đặt vấn đề hỗ trợ kinh phí để bà con làm mắm thu mua nguyên liệu phục vụ cho sản xuất chế biến. Đồng thời, đây cũng là doanh nghiệp đặt hàng thu mua sản phẩm của hội viên làng nghề để đem đi các nơi tiêu thụ. Sản phẩm nước mắm Nam Ô đã được đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Vì thế, các hội viên đều có trách nhiệm bảo vệ thương hiệu có truyền thống này.
“Chúng tôi cần đầu ra nhưng vẫn bảo đảm sản phẩm mình làm đạt chất lượng 4 không (không hóa chất, chất tạo màu, chất tạo mùi, chất bảo quản). Sản xuất nước mắm ở đây hoàn toàn theo cách truyền thống với việc tuân thủ đúng thời gian và quy trình để nước mắm luôn giữ được chất lượng tốt. Các hội viên hiểu rằng bảo vệ thương hiệu sản phẩm nước mắm Nam Ô không chỉ là trách nhiệm với việc giữ hồn cho nghề truyền thống mà cũng là bảo vệ quyền lợi và uy tín của chính mình”, ông Trần Ngọc Vinh khẳng định.
Tuy nhiên, qua khảo sát, hiện giá bán sản phẩm nước mắm Nam Ô không đồng nhất, có nơi bán 55.000 đồng/lít, nhưng có nơi lại bán 60.000-65.000-70.000 đồng/lít, trong khi các hộ sản xuất giải thích, nước mắm làng nghề chỉ có một loại duy nhất chứ không có loại 2, 3. Chính điều này làm cho người tiêu dùng lo ngại người kinh doanh lợi dụng niềm tin đối với nước mắm thủ công để tăng giá. Đây cũng là điều chính quyền địa phương, hội làng nghề, cơ sở phải xem xét bảo đảm việc tiêu thụ và thương hiệu cho nước mắm Nam Ô.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH