Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định lấy ngày 10-11 hằng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam nhằm khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp; tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và trong toàn xã hội. Đồng thời, tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp; góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.
Nhân Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên, Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với các doanh nhân về vấn đề này.
Trong xu thế hội nhập như hiện nay, văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò then chốt tạo nên thế mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Ảnh: KHÁNH HÒA |
- Ông Phan Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại giày BQ, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng:
Cần tạo không gian kích thích sự sáng tạo
Tôi cho rằng, mỗi doanh nghiệp đều có một cách thức định hình riêng trong việc xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp mình. Văn hóa doanh nghiệp là điều cốt lõi, cần thiết trong xu thế hội nhập như hiện nay và bản thân doanh nghiệp phải tự ý thức để làm nên điều đó.
Là một doanh nhân, tôi xác định xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, hướng tới hai mục tiêu: phục vụ tăng trưởng trong sản xuất kinh doanh; đồng thời tạo dấu ấn, phục vụ người tiêu dùng, xã hội. Văn hóa, nói cách khác chính là thương hiệu của doanh nghiệp, cần một thời gian phấn đấu, tích lũy lâu dài, được lan tỏa từ người lãnh đạo xuống tận từng nhân viên trong doanh nghiệp. Với xu thế cạnh tranh gay gắt như hiện nay, doanh nghiệp nào tạo dựng được văn hóa doanh nghiệp cho riêng mình thì doanh nghiệp ấy sẽ có chỗ đứng nhất định trên thị trường.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một mục tiêu quan trọng, được Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng lồng ghép vào các chương trình hành động trong nhiệm kỳ hoạt động 2015-2018 của Hội. Để góp phần hỗ trợ cũng như khuyến khích hội viên xây dựng nét đẹp này, chúng tôi thường lồng ghép vào nội dung của các buổi tọa đàm; tổ chức đi tham quan, học tập tại những doanh nghiệp xây dựng thành công hay có nét đẹp riêng trong cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp, hướng đến các giá trị nhân - lễ - nghĩa - trí - tín.
Để xây dựng văn hóa doanh nghiệp thành công, người lãnh đạo công ty cần xác định rõ tính thời điểm của các giá trị. Với tôi, trong xu thế hiện nay, điều cốt lõi trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp là tạo môi trường lành mạnh và kích thích sự sáng tạo của người lao động, giúp họ giải phóng những rào cản cá nhân để bộc lộ tài năng, đóng góp vào sự phát triển chung của doanh nghiệp.
- Ông Lê Trí Hải, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Truyền thông - Kỹ thuật số Toàn Cầu Xanh:
Xây dựng nếp sống văn hóa trong đội ngũ nhân viên
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi luôn ý thức việc kích thích sự sáng tạo nhằm tạo ra cá tính riêng biệt cho công ty cũng như mỗi thành viên trong đó. Để xây dựng được văn hóa nói chung, văn hóa doanh nghiệp nói riêng cần một chiến lược lâu dài, đi kèm đó là ý thức của mỗi người.
Với Toàn Cầu Xanh, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi luôn cố gắng để tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh, năng động, cởi mở và thân thiện. Ở công ty, chúng tôi có xây dựng tủ sách với đủ mọi thể loại và luôn khuyến khích nhân viên đọc sách. Bên cạnh đó, ngoài giờ làm việc, chúng tôi còn khuyến khích nhân viên đi xem phim, mua sắm (công ty hỗ trợ kinh phí), chơi thể thao… Chúng tôi muốn nhân viên xem công ty chính là gia đình thứ hai của mình. Mỗi nhân viên khi đã thẩm thấu và tự ý thức được việc xây dựng nét văn hóa cho bản thân sẽ góp phần tạo nên văn hóa chung trong doanh nghiệp.
- Ông Lê Văn Hiểu, Tổng Giám đốc Công ty CP Máy và thiết bị phụ tùng Seatech:
Định hình thương hiệu doanh nghiệp
Theo tôi, văn hóa doanh nghiệp là nét riêng, đặc thù của mỗi doanh nghiệp. Nó không chỉ thể hiện ra bên ngoài từ trong khẩu hiệu, trang phục, kết cấu của doanh nghiệp mà phải là sự cảm nhận, thẩm thấu của nhân viên công ty, của khách hàng và cả các đối tác làm ăn. Có rất nhiều doanh nghiệp chú trọng đến hình thức bên ngoài thông qua các hoạt động xã hội mà quên mất việc khẳng định, xây dựng các giá trị nội tại của đơn vị.
Chính vì thế, văn hóa doanh nghiệp phải được xây dựng từ dưới lên trên và từ trong ra ngoài. Phải từ lợi ích của doanh nghiệp, người lao động như không nợ bảo hiểm xã hội, không nợ lương, không nợ thuế rồi mới hướng đến các giá trị xã hội khác. Rất nhiều doanh nghiệp đã xây dựng thành công nét riêng biệt về văn hóa doanh nghiệp. Đơn cử, có những doanh nghiệp sẵn sàng nhận lỗi và xin lỗi công khai, đền bù thỏa đáng cho khách hàng khi cung cấp sản phẩm không đúng chất lượng hoặc làm sai tiêu chí của doanh nghiệp đề ra.
Hay, họ ý thức rõ trách nhiệm phục vụ người tiêu dùng, phụng sự Tổ quốc, tự tôn dân tộc khi làm việc với đối tác nước ngoài… Tóm lại, văn hóa doanh nghiệp chính là thể hiện giá trị riêng biệt, sự ổn định của doanh nghiệp, hay nói rộng hơn, đó chính là thương hiệu của doanh nghiệp.
KHÁNH HÒA thực hiện