.

Xu hướng du lịch của giới trẻ: Đi để trải nghiệm, khám phá

.

Không muốn bị gò bó theo những lịch trình lên sẵn của các đơn vị lữ hành, nhiều người, đặc biệt là những bạn trẻ, đã tự lên kế hoạch cho những chuyến đi theo cách của riêng mình. Có thể đó là những chuyến đi dài ngày, đến các địa phương khác nhau, cũng có khi đó là những chuyến đi gần thành phố đang sống. Với quan niệm đi để trải nghiệm, để khám phá, cảm nhận cuộc sống xung quanh mình nên khi chinh phục được một điểm đến, đó là một niềm vui lớn.

Du lịch tự do giúp người đi có thời gian khám phá, trải nghiệm điểm đến nhưng đòi hỏi người đi phải có kỹ năng sống tốt.  Trong ảnh: Một nhóm du khách nước ngoài chinh phục đèo Hải Vân bằng xe máy.
Du lịch tự do giúp người đi có thời gian khám phá, trải nghiệm điểm đến nhưng đòi hỏi người đi phải có kỹ năng sống tốt. Trong ảnh: Một nhóm du khách nước ngoài chinh phục đèo Hải Vân bằng xe máy.

Với những người thích đi du lịch tự do (bụi/phượt), điểm đến rất đa dạng, có thể đó là những nơi mới lạ, dù điểm đến đó xa xôi, đường đi khó, hay đôi khi chỉ là một điểm đến gần thành phố nhưng họ muốn tự đi, tự trải nghiệm và khám phá chính mình.

Có kinh nghiệm gần 10 năm đi du lịch bụi, chinh phục các cung đường cả nước, anh Hồ Phan Tuấn Anh (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) chia sẻ, ưu điểm của loại hình du lịch này là đi được nhiều nơi, có cơ hội khám phá nhiều cái mới, kinh phí rẻ do người đi không chủ ý hưởng thụ mà là trải nghiệm. Bên cạnh những chuyến đi xa đến các tỉnh như Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai từ 2 ngày đến 1 tuần, anh cũng thường xuyên tổ chức các chuyến đi đến các điểm tại Đà Nẵng như chinh phục đèo Hải Vân, hồ Hòa Trung, Giếng Trời (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) hay Sơn Trà… cho những người có cùng sở thích. Trước mỗi chuyến đi, anh đều dành thời gian tìm hiểu những nơi mình đến, tính toán lộ trình và khoảng thời gian phù hợp.

Theo anh Tuấn Anh, với những chuyến đi tự do như thế, việc tôn trọng văn hóa vùng miền, hòa nhập với người dân địa phương rất cần thiết. Đồng thời, vì đây là những chuyến đi tự do, chủ yếu di chuyển bằng xe máy nên trên đường đi, ngoài những vật dụng cần thiết của cá nhân, bản thân mỗi người cũng cần có thêm dụng cụ, kiến thức, kỹ năng về sửa xe, kiến thức sinh tồn… nhằm đề phòng bất trắc xảy ra.

Cũng là một “tín đồ” mê du lịch, từng đi rất nhiều cung đường dài của các tỉnh phía Bắc nhưng Bùi Thu Hà (phường An Khê, quận Thanh Khê) vẫn bị chinh phục bởi những điểm đến rất gần như chuyến đi khám phá Giếng Trời bằng xe máy, hay cắm trại qua đêm tại hồ Hòa Trung. Theo chị Hà, dù khá vất vả mới đến được Giếng Trời vì đường đi khó khăn, hay việc cắm trại giữa một vùng đất rộng mênh mông ở hồ Hòa Trung, thiếu thốn đủ thứ nhưng cảm giác vượt qua được chính mình, được đến, cảm nhận và hòa mình với thiên nhiên thì mọi khó khăn, vất vả dường như không còn nữa. Qua mỗi chuyến đi là thêm một lần trải nghiệm, khám phá những vùng đất mới, có thêm những kiến thức giá trị; đôi khi đó còn là sự san sẻ, là tinh thần đoàn kết của những người bạn đồng hành trong suốt hành trình.

Hay như Trần Nguyên, cô sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng cũng đam mê du lịch và thích biển nên thường chọn các cung đường có cả biển lẫn núi. Gặp Nguyên sau một chuyến vòng quanh bán đảo Sơn Trà bằng xe máy, Nguyên chia sẻ: “Cảm giác tự mình lái xe vượt qua những con dốc ngoằn ngoèo thật khó diễn tả. Em có thể đến một địa điểm nào đó nhiều lần, như bán đảo Sơn Trà mỗi lần đến lại khám phá thêm nhiều điều mới mẻ, không nhàm chán”. Nguyên tâm sự, khi đi du lịch tự do thường tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là với nữ; vì thế luôn cần có kiến thức về lái xe đường dài, cách thích ứng với tự nhiên, phải biết sử dụng các đồ nghề khi xe bị trục trặc.

Sau mỗi chuyến đi là một trải nghiệm với những điểm đến khác nhau, không thể phủ nhận sự lan truyền của các điểm đến thông qua những hình ảnh được những người đi du lịch tự do ghi lại rồi đăng trên các trang mạng xã hội. Nó tạo sức hút rất lớn đối với người xem. Bên cạnh những bạn trẻ đi để tìm hiểu, khám phá thì cũng xuất hiện xu hướng đi du lịch kiểu “điểm danh”, thấy bạn bè đi đến đó rồi cũng lập nhóm, rủ nhau đi mà không biết người dẫn đường (leader) của nhóm mình có kinh nghiệm, kỹ năng xử lý các tình huống khi có vấn đề xảy ra hay không. “Trong mỗi chuyến đi, nhất là những chuyến đi đường dài bằng xe máy, nguyên tắc an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Lúc này, vai trò của người dẫn đường cần được phát huy tối đa và người tham gia chuyến đi phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc đó, như vậy chuyến đi mới thực sự có ý nghĩa”, anh Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, vấn đề môi trường cũng cần được những người đi du lịch quan tâm, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sống tự nhiên của một số loài động thực vật… Theo Trần Nguyên, mỗi người phải ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế dùng những chai nhựa, chén đũa dùng một lần dễ bỏ quên sẽ ảnh hưởng không tốt đến môi trường.

Bài và ảnh: THU HÀ

;
.
.
.
.
.