Kinh tế
Cốt lõi quy hoạch đô thị Đà Nẵng qua 20 năm
ĐNĐT - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ, công tác quy hoạch đô thị Đà Nẵng trong 20 năm qua đã đặt được nền móng, định khung cốt lõi của đô thị về quy hoạch chung.
Vệt đô thị ven biển Đà Nẵng tại Ocean Resort VinaCaiptal |
“Khi quy hoạch đi trước đầu tư phát triển thì công tác quy hoạch sẽ vững bền. Khi quy hoạch đi song hành với đầu tư sẽ để lại những sự khiếm khuyết. Nó như lịch sử và điều cần làm trong thời gian tới là mạnh dạn điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho đô thị Đà Nẵng có tầm nhìn; quy hoạch phải đi trước…”, ông Tuấn nói.
Trước đây, Đà Nẵng là một đô thị nhỏ bé, không gian đô thị chỉ gói gọn trong phạm vi các quận Hải Châu, Thanh Khê và một phần các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, tương ứng với diện tích khoảng 5.600 ha.
Các khu dân cư đa phần sống trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật kém, đặc biệt là các xóm dân chài. Tình trạng ngập nước trong mùa mưa bão là thường xuyên. Nhiều khu vực và đường phố thiếu ánh điện.
Đất nông nghiệp, mồ mả đan xen trong thành phố. Các cơ sở kinh tế manh mún, chắp vá lẫn lộn với khu ở. Không gian công cộng thiếu thốn, nghèo nàn. Bộ mặt kiến trúc đô thị sơ sài, thiếu quản lý...
Đến nay, ranh giới đô thị Đà Nẵng đã lên tới khoảng gần 20.000 ha, gấp hơn 3 lần ranh giới cũ trong vòng 15 năm. Hệ thống hạ tầng được nâng cấp và phát triển khá đồng bộ.
Các khu dân cư mới được quy hoạch khang trang, hiện đại. Các khu phố cũ được cải tạo nâng cấp. Các cơ sở kinh tế lớn được định hình rõ rệt. Các cơ sở kinh tế gây ô nhiễm môi trường được đưa dần ra khỏi trung tâm. Khả năng cung cấp hạ tầng điện, nước và các dịch vụ đô thị ở mức đảm bảo. Bộ mặt kiến trúc đô thị có tổ chức. Điều kiện vệ sinh môi trường được cải thiện rõ rệt...
Lãnh đạo thành phố luôn quan tâm đặc biệt đến công tác quy hoạch xây dựng đô thị, xem đó là lĩnh vực được quan tâm hàng đầu. Phát huy mọi nguồn lực có thể để tập trung cho sự nghiệp phát triển đô thị.
Yếu tố thành công nhất trong sự nghiệp 20 năm phát triển của thành phố là sự quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo, sự đồng thuận của cộng đồng xã hội và đặc biệt là lòng nhiệt tình cao độ của các lực lượng trực tiếp tham gia thực thi những ý chí đó.
Điều đó đã tạo nên một sức mạnh tập thể to lớn hiếm thấy. Đà Nẵng đã làm được những việc mà nhiều năm trước ít ai dám nghĩ như: giải tỏa hàng vạn ngôi nhà để mở những tuyến đường huyết mạch như đường Nguyễn Tất Thành, Bạch Đằng Đông, Sơn Trà- Điện Ngọc, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trường Sa. Thu hồi chuyển đổi hàng nghìn héc-ta đất để mở rộng các khu đô thị Tây Bắc, Nguyễn Tri Phương - Trường Sa, Thuận Phước, Bắc Mỹ An, Hòa Hải..., kè sông, kè biển, bảo tồn cảnh quan để khai thác các giá trị còn tiềm ẩn...
Chính sách đầu tư đồng bộ, các dự án đầu tư luôn phải đảm bảo cân đối được quỹ đất tái định cư và các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật. Các thiết chế xã hội luôn được lồng ghép thận trọng trong các đồ án quy hoạch nhờ sự phối hợp chặt chẽ và kịp thời giữa các cấp, ngành, các địa phương.
Các hộ dân tái định cư được sống trong môi trường mới có dịch vụ xã hội tốt hơn và nhanh chóng ổn định được cuộc sống. Ví dụ tiêu biểu là khu vực đường Nguyễn Văn Linh, Trần Thị Lý, Hàm Nghi sầm uất hình thành từ dự án Bàu Thạc Gián-Vĩnh Trung, khu dân cư Tuyên Sơn hình thành từ khu vực thấp trũng, những đường phố Bạch Đằng Đông, đường 2 Tháng 9, 3 Tháng 2 cũng hình thành từ những xóm nhà chồ hay ruộng rau muống...
Thành phố cũng rất quan tâm việc chỉnh trang nâng cấp hạ tầng cho các khu ở cũ. Kể từ khi thành phố trực thuộc Trung ương đến nay, Đà Nẵng đã nâng cấp cải tạo hàng trăm km đường nội thị, kiệt hẻm, hàng trăm km mương thoát nước, tuyến điện chiếu sáng, bê-tông hóa phần lớn hệ thống giao thông nông thôn.
Vấn đề thoát nước đô thị và vệ sinh môi trường được chú trọng đầu tư. Bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, hệ thống thoát nước đô thị đã thực hiện được giai đoạn 1, giải quyết căn bản nạn ngập lụt trong đô thị...
Khai thác du lịch cũng là lĩnh vực rất được quan tâm. Các khu vực đã và đang được triển khai quy hoạch và đầu tư xây dựng như bán đảo Sơn Trà với các khu du lịch nội địa, biệt thự, nhà hàng; vệt du lịch dọc tuyến đường Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa - Nguyễn Văn Thoại đã thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước.
Các khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu, Hòa Cầm có tổng diện tích gần 900ha đang dần được lấp đầy. Khu cảng địa phương và hậu cần cảng Tiên Sa đã quy hoạch mở rộng, cảng Liên Chiểu, khu kho tàng sau ga đường sắt mới, các cụm công nghiệp nhỏ... cũng đang được quy hoạch và đầu tư xây dựng.
Ngoài ra cũng cần phải kể tới một số dự án tiêu biểu như dự án cấp nước thành phố, dự án nâng cấp sân bay quốc tế Đà Nẵng, cầu Thuận Phước, cầu quay Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Tuyên Sơn, cầu vượt Hòa Cầm, Trung tâm hội chợ triển lãm, Nhà hát Trưng Vương, Nhà biểu diễn đa năng, Khu Liên hợp TDTT Hòa Xuân, hệ thống bệnh viện, trường học, thiết chế văn hóa...
Chính sách đầu tư đồng bộ trong thời gian tuy không dài nhưng đã đem lại cho thành phố một diện mạo và sức sống mới. Với chính sách giải phóng mặt bằng và tái định cư trong thời gian qua, thành phố đã phải giải tỏa hơn 100 nghìn hộ dân. Bên cạnh đó còn phải có các chính sách tái định cư phù hợp, đồng thời với việc sử dụng các công cụ pháp lý một các sáng tạo, linh hoạt.
Về khai thác quỹ đất để đầu tư hạ tầng là chính sách mà thành phố đã thực hiện một cách kiên định trong những năm qua. Nhờ chính sách này, cùng lúc có thể đạt được các mục tiêu giải tỏa nhanh, tái định cư đầy đủ, có hạ tầng tương đối đồng bộ.
Việc triển khai ồ ạt các đồ án quy hoạch chi tiết mà vẫn đảm bảo được tính thống nhất toàn cục là nhờ thực hiện một cách khoa học dựa theo đồ án quy hoạch chung. Để đảm bảo cho việc kết nối các đồ án quy hoạch chi tiết và theo dõi tình hình phát triển đô thị, UBND thành phố đã giao cho Sở Xây dựng tổ chức thành công việc hệ thống hóa toàn bộ các đồ án trên địa bàn thành phố trên nền địa hình số hóa theo hệ thống cao độ, tọa độ quốc gia.
Nhờ đó việc kiểm soát các đồ án rất thuận tiện, đồng thời có khả năng khai thác và cung cấp thông tin phối hợp cho các đơn vị khác.
Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng, Đà Nẵng cũng không tránh khỏi nhiều vấn đề bất cập đáng quan tâm, cần điều chỉnh và khắc phục.
Thiết kế đô thị chưa được quan tâm đúng mức, một số đồ án quy hoạch còn thiếu tính khả thi, phải điều chỉnh nhiều lần. Do sức ép của tái định cư và hạn chế về vốn đầu tư nên các đồ án quy hoạch khu dân cư còn nặng về chia lô nhỏ cho từng hộ, mật độ xây dựng cao, các chỉ tiêu về công trình phúc lợi xã hội, cây xanh chưa đạt yêu cầu.
Thành phố chưa chú trọng tổ chức các không gian mở, đặc biệt thiếu các quảng trường lớn. Vấn đề quy hoạch nông thôn chưa được nhìn nhận đúng mức mặc dù một lượng lớn đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng thực chất đó là việc quy hoạch đô thị trên phần đất nông thôn.
Thành phố đã chỉ đạo rà soát quy hoạch, rà soát quỹ đất tái định cư trên toàn thành phố, tuy nhiên cũng cần phải xem xét và điều chỉnh chính sách tái định cư sao cho hạn chế nhu cầu ảo, nhằm tạo ra thị trường đất đai sôi động, lành mạnh, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án.
Cơ hội để phát triển thành phố Đà Nẵng được chạm đến khi ngày 5-5-1990, Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) nay là Chính phủ đã ban hành Quyết định số 132 về phân loại đô thị và phân cấp quản lý đô thị.
Chớp thời cơ để đô thị Đà Nẵng vốn đang bị gò bó là một thành phố trực thuộc tỉnh bứt phá đi lên lãnh đạo tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng lúc bấy giờ đã mời Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Việt Nam vào lập quy hoạch cho thành phố Đà Nẵng.
Quy hoạch chung Đà Nẵng năm 1993 rồi các đồ án quy hoạch năm 2002 và 2013 là ba cột mốc quy hoạch đã được chính quyền thực hiện triệt để nghiêm túc. Trên cơ sở quy hoạch chung này, nhiều quy hoạch chi tiết, nhiều dự án xây dựng đã được triển khai để đưa vào hiện thực.
Đó là các dự án đường quanh vịnh Đà Nẵng từ Liên Chiểu đến Thuận Phước, dự án hai bên bờ sông Hàn, đường Sơn Trà – Điện Ngọc, các công trình được xây dựng như biểu tượng của thành phố như cầu quay sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Tuyên Sơn, cầu Rồng…
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nói: “Trên thế giới, các thành phố lớn của nhiều nước phát triển như Nga, Pháp, Ý, Úc, Anh đều có các con sông làm điểm nhấn tạo nên văn hóa và bộ mặt đô thị. Trong khi tại Việt Nam những con sông làm nên cảnh quan của thành phố chưa nhiều, chỉ mới có sông Hàn tại Đà Nẵng là nổi trội hơn cả”.
Dấu ấn trong phát triển đô thị Đà Nẵng là hành động cống hiến của người dân và lãnh đạo chính quyền thành phố.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam chia sẻ, Đà Nẵng là đô thị năng động, hiện đại và cốt lõi là ý chí, tâm huyết dựng xây thành phố luôn hừng hực ở đội ngũ lãnh đạo thời gian qua.
Nhìn nhận một cách khách quan, công tác quy hoạch phát triển đô thị trong chặng đường 20 năm qua tại Đà Nẵng đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi hình ảnh đô thị cả về lượng và chất.
Và dù công tác quy hoạch đô thị Đà Nẵng còn rất nhiều việc phải làm, thậm chí nhiều mặt phải sửa chữa và khắc phục thì với những gì đã và đang diễn ra cho phép chúng ta hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn của thành phố này.
Bài và ảnh: Triệu Tùng