Kinh tế

Bảo đảm an toàn chợ Tết

08:46, 26/01/2017 (GMT+7)

Cận Tết, hàng hóa đổ về các chợ Đà Nẵng tăng gấp 3-4 lần, lượng người ra vào chợ mua bán đông đúc nhất trong năm. Bên cạnh vấn đề bảo đảm an ninh trật tự, nguy cơ cháy nổ là nỗi lo thường trực ở các chợ.

Các chợ luôn quá tải trong dịp Tết.
Các chợ luôn quá tải trong dịp Tết.

Hàng hóa lấn chiếm lối đi

Những ngày này, có mặt tại các chợ lớn trên địa bàn Đà Nẵng như chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Hòa Khánh, không khí Tết đang rộn ràng. Nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao khiến không gian chợ như chật hẹp lại, nhiều quầy bày biện đầy ắp hàng hóa lấn chiếm cả lối đi.

Đối với các chợ được xây dựng từ khá lâu như chợ Cồn, chợ Mới, dù Ban quản lý (BQL) đã bố trí, sắp xếp các ngành hàng gọn gàng nhưng tiểu thương vẫn cố tình trưng sản phẩm vượt diện tích cho phép. Khu vực hành lang chợ thường xuyên bị các hộ kinh doanh tự do lấn chiếm, mất trật tự.

Chị Âu Thị M., nhà gần chợ Mới (quận Hải Châu) than phiền: “Nhiều năm nay, các hộ dân chúng tôi thường xuyên có ý kiến lên các cấp chính quyền nhằm giải quyết tình hình buôn bán tràn lòng đường của người kinh doanh khu vực chợ Mới, nhưng xem ra đâu vẫn hoàn đó. Thật nghịch lý khi chợ bị lãng phí tầng 2 hơn chục năm nay nhưng tầng 1 lại quá tải đến mức người buôn bán tràn ra đường”.

Gần đây, tại các chợ xảy ra nhiều vụ kẻ gian trà trộn móc túi lấy tiền và điện thoại. Chị Trần Thị Bích T., từ nước ngoài về Đà Nẵng đón Tết cho hay: “Vì mất cảnh giác khi đi mua sắm tại chợ Cồn nên tôi đã bị móc mất ví tiền. Tuy nhiên, vì có việc phải đi gấp nên tôi không trình báo với BQL chợ”. Thời gian gần đây, chợ Hàn cũng xảy ra một số vụ khách du lịch bị móc túi xách, trộm cắp tài sản cá nhân...

Một nỗi lo khác, theo quan sát của chúng tôi, nhiều đàn ông ra vào chợ có thói quen hút thuốc, nếu không gặp nhân viên bảo vệ chợ nhắc nhở thì cứ ung dung phì phèo điếu thuốc. Trong khi đó, nguy cơ cháy chợ rất dễ xảy ra tại khu vực ngành hàng vàng mã, hương đèn. Chỉ cần một tàn thuốc nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả khó lường.

Tăng lực lượng “bám” chợ

Để giữ chân khách hàng đến chợ truyền thống, công tác giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm tài sản cho tiểu thương và khách hàng được Ban quản lý các chợ chú trọng. Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng BQL chợ Hàn nhận định: “Chúng tôi luôn tạo điều kiện để hộ kinh doanh trưng bày hàng hóa nhưng chỉ trong phạm vi cho phép. Tiểu thương ý thức rất rõ điều này qua các buổi tập huấn, tuyên truyền của các ngành chức năng. Trong hơn tuần nay đã có trên 10 đoàn kiểm tra, giám sát làm việc với BQL về tình hình bảo đảm an ninh, an toàn chợ Tết. Chúng tôi cũng ý thức rất rõ đây là chợ du lịch cho khách đến tham quan, mua sắm nên càng phải giữ gìn hình ảnh chợ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vì chưa có kinh phí nên hiện nay chợ Hàn chưa lắp đặt camera quan sát chung. Trong lúc đó, các tiểu thương tự trang bị camera tại quầy hàng, nhưng các đối tượng trộm cắp luôn đối phó bằng thủ đoạn tinh vi. Điều này càng gây khó khăn cho BQL trong việc giữ gìn an ninh trật tự. Tại chợ Cồn, những ngày cao điểm này, lực lượng chức năng phối hợp túc trực ngày đêm.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó BQL chợ cho biết: “Chúng tôi cử 100% quân số trực chiến tại chợ... Song song với lực lượng tuần tra, các camera lắp đặt tại chợ đã hạn chế số vụ móc túi và phần nào phát huy tác dụng trong việc lưu giữ bằng chứng. Trên cơ sở đã có quy chế phối hợp giữa Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ, nhiều năm nay, các lực lượng khác như cảnh sát cơ động, cảnh sát khu vực tăng cường cài cắm, mặc cảnh phục, thường phục tuần tra trong và ngoài chợ, kịp thời xử lý nhanh các tình huống”.

Rút kinh nghiệm từ những vụ cháy các năm trước, các chợ phường như Thanh Khê, Quán Hộ, Tân Lập... cũng sẵn sàng các phương án đối phó với “giặc lửa”, đồng thời kêu gọi tiểu thương và người dân cùng nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy trong dịp Tết.

Bài và ảnh: XUÂN DUYÊN

.