Kinh tế
"Kinh tế chia sẻ" phát triển ở Đà Nẵng
Khái niệm “kinh tế chia sẻ” - mô hình kết nối người tiêu dùng để tận dụng nguồn tài nguyên của nhau - đang dần phát triển tại Đà Nẵng, xuất phát từ chính nhu cầu mua sắm, đi lại... hằng ngày của người dân.
Anh Vũ Ngọc Bằng (lập trình viên của Công ty Toàn Cầu Xanh, Đà Nẵng) nhớ lại những ngày vợ mang thai: “Nhiều lúc đang họp hay gặp khách hàng mà vợ nhắn tin nhờ mua đồ ăn vặt vì... nghén, mình muốn đi mua giúp vợ nhưng không sao làm được. Lúc đó, chỉ ước có thể nhờ ai đó tin cậy đi mua và giao hàng giúp, mình sẵn sàng chi trả một khoản tiền hợp lý”.
Trong khi đó, Nguyễn Thành Tâm (sinh viên Trường Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic Đà Nẵng) cho biết, nếu đi trên đường phố vào giờ tan tầm sẽ bắt gặp cảnh nhiều phụ nữ tất bật vừa đi đón con, vừa ghé chợ mua thức ăn cho bữa cơm tối. Với khá nhiều thời gian rảnh, Tâm tự hỏi mình có thể chia sẻ khoảng thời gian ấy cho những người có nhu cầu, vừa giảm gánh nặng cho các bà mẹ có con nhỏ, vừa tăng thu nhập cho sinh viên hay không.
Những ý tưởng ấy dẫn anh Bằng và Tâm đến việc phát triển hai ứng dụng di động, giúp kết nối những người có nhu cầu mua sắm nhưng không có điều kiện di chuyển và những người giao hàng theo yêu cầu. Hai ứng dụng được gọi dân dã là “đi chợ thuê” này là một mô hình của nền “kinh tế chia sẻ” đang phát triển không ngừng trên toàn thế giới.
Hiểu đơn giản, một mô hình “kinh tế chia sẻ” là nơi người này có thể chi trả để được sử dụng nguồn lực có sẵn của người khác, thay vì phải mua hoặc tạo một nguồn lực mới. Trong ý tưởng “đi chợ thuê”, những chị em công sở, những người chồng bận rộn có thể thuê sinh viên hoặc lao động nhàn rỗi tận dụng nguồn lực là phương tiện đi lại và thời gian rảnh để đi mua sắm, giao tận nơi.
Ý tưởng này đã giành giải triển vọng nhất và giải được yêu thích nhất trong cuộc thi lập trình ứng dụng di động Mobile Hackathon miền Trung được tổ chức tại Đà Nẵng vào đầu tháng 11-2016.
Phát triển nhanh chóng trên thế giới từ đầu những năm 2010, các doanh nghiệp trong nền “kinh tế chia sẻ” đang dần xuất hiện tại Đà Nẵng. Tháng 11, Công ty Grab chính thức giới thiệu dịch vụ GrabCar tại thị trường Đà Nẵng, kết nối 3 đối tượng: người có ô-tô, tài xế và người có nhu cầu đi ô-tô. Trong vai trò trung gian, Grab vừa đáp ứng nhu cầu di chuyển bằng xe hơi của khách hàng, vừa tận dụng nguồn lực (xe hơi và kỹ năng lái xe) để tạo thu nhập cho hai đối tượng còn lại.
Thành lập tại Singapore vào năm 2012, sau 4 năm, Grab trở thành công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực vận tải hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Đến tháng 7-2016, hơn 350.000 tài xế đã đăng ký làm việc cho Grab, đồng thời ứng dụng đã được tải xuống hơn 19 triệu lần trên các thiết bị điện tử. Hiện tại, với mô hình “kinh tế chia sẻ” này, Grab đã mở rộng đến 6 quốc gia trong khu vực.
Trong lĩnh vực nhà ở, sự gia tăng của lượng khách du lịch nước ngoài đến Đà Nẵng kéo theo sự phát triển của dịch vụ Airbnb - một doanh nghiệp khởi nghiệp đóng vai trò “mai mối” giữa những người cần thuê chỗ ngủ ngắn hạn và các chủ cho thuê.
Airbnb hiện có mặt ở hơn 34.000 thành phố tại 191 quốc gia với trên 2 triệu phòng được cung ứng. Ở Đà Nẵng có hơn 300 địa chỉ, từ những căn phòng nhỏ đến các căn hộ biệt thự cao cấp đã được đăng ký vào mạng lưới Airbnb quốc tế.
Theo trang tin công nghệ của hãng tin Bloomberg, trong năm 2016, các nhà đầu tư đã định giá doanh nghiệp khởi nghiệp này ở mức 30 tỷ USD. Tờ The Economist đánh giá đây là ví dụ điển hình nhất cho mô hình “kinh tế chia sẻ”, khi một người có thể cho thuê bất kỳ thứ gì họ đang không sử dụng (phòng ở, xe cộ,...) thông qua Internet.
Một trong các ưu điểm lớn nhất của “kinh tế chia sẻ” là sự tái phân phối tài nguyên đang không được sử dụng hiệu quả (phòng ở dư, xe không khai thác tối đa thời gian sử dụng...) đến nơi được dùng hiệu quả hơn. Dựa trên nền tảng được các doanh nghiệp khởi nghiệp cung cấp (qua các ứng dụng di động, mạng Internet), người tiêu dùng còn có thể trao đổi nguồn lực cho nhau.
Dự án khởi nghiệp Kết nối văn hóa (Cultures Connect) của chị Nguyễn Phương Lan (Đà Nẵng) là một ví dụ. Đây là dự án khởi nghiệp được Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng ươm tạo trong năm 2016. Với Kết nối văn hóa, du khách đến Đà Nẵng có thể tham gia những bữa cơm gia đình truyền thống, những lễ hội dân gian, hay thử sinh sống và làm việc trong các làng nghề. Đổi lại, các hộ gia đình địa phương tham gia mạng lưới sẽ có thêm thu nhập, các hướng dẫn viên (hầu hết là sinh viên chuyên ngành du lịch và ngoại ngữ) được trau dồi văn hóa, vốn sống và kỹ năng giao tiếp.
Theo nghiên cứu năm 2014 của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, người tiêu dùng Đông Nam Á đang hình thành nhiều cộng đồng kinh doanh theo hình thức chia sẻ tài sản cá nhân. Tại Việt Nam, 82% số người được Nielsen khảo sát cho biết sẵn sàng chia sẻ tài sản cá nhân của mình trong một nền “kinh tế chia sẻ”. Trong đó, loại tài sản được thuê và cho thuê nhiều nhất chính là các sản phẩm điện tử. Nền móng cho sự xuất hiện của mô hình “kinh tế chia sẻ” là sự lan rộng nhanh chóng của Internet, giúp kết nối giữa những người tiêu dùng với nhau.
Anh Bằng cho biết, Đà Nẵng có lợi thế là địa bàn nhỏ nhưng tỷ lệ người dân sử dụng mạng Internet và các thiết bị điện tử thông minh lớn. Bên cạnh đó, với mức độ phổ cập wifi và sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, các ngân hàng “tấn công” thị trường thanh toán trực tuyến, “kinh tế chia sẻ” có điều kiện để phát triển, tạo việc làm và giải quyết các nhu cầu tiêu dùng.
KHANG NINH