Kinh tế
Khởi nghiệp ở lũy tre làng
Năng động, nhạy bén với cơ chế kinh tế thị trường, mạnh dạn đầu tư, không ít thanh niên nông thôn đã khởi nghiệp thành công ngay tại nơi họ sinh ra và lớn lên. Những ông chủ trẻ này đã và đang làm phong phú thêm các ngành nghề tại làng quê Đà Nẵng.
Anh Lê Phú Minh đang thiết kế mẫu in trên máy vi tính. |
Cơ sở in ấn của kỹ sư trẻ
Sau khi tốt nghiệp khoa Điện kỹ thuật, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, anh Lê Phú Minh (SN 1992, ở thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) quyết định khởi nghiệp nghề in ấn ngay tại quê hương. Với lĩnh vực không liên quan đến kiến thức tích lũy 5 năm ở giảng đường đại học, quyết định của kỹ sư Minh gây ngạc nhiên không chỉ cho người thân mà còn cả bạn bè. Sau gần 1 năm kiên trì triển khai, hiệu quả kinh tế Lê Phú Minh đạt được đã làm mọi người ở quê anh tin rằng hướng khởi nghiệp Minh đã chọn là đúng.
Thực ra, nghề in trên trang phục thể thao đã phát triển mạnh ở đô thị nhưng chưa có tại các làng quê Hòa Vang. Để tiếp cận với nghề mới mẻ này, Minh học hỏi kinh nghiệm và vay mượn tiền mua sắm máy móc, trang thiết bị. Chỉ hơn một tháng sau, từ nguồn vốn gần 100 triệu đồng, Minh đã có cơ sở in tại nhà với hai chiếc máy.
Từ đó, Minh dồn tâm huyết cho công việc. Bất kể ngày đêm, sáng tạo mẫu mã xong, Minh tự in ấn, để rồi những bộ trang phục thể thao với các số, chữ ấn tượng đến tay khách hàng. Dần dần cơ sở chiếm góc nhỏ trong ngôi nhà cấp 4 ở thôn Cẩm Toại Trung là điểm đến của các đội thể thao địa phương, cơ quan, trường học… ở huyện Hòa Vang.
Khi in ấn thành công trên trang phục thể thao, Minh tiếp tục đầu tư mở quầy hàng giới thiệu sản phẩm tại mặt tiền quốc lộ 14B đi Khương Mỹ, đối diện Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện. Quầy hàng không lớn nhưng có đủ loại trang phục với những mẫu in rất đẹp, cùng các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ hoạt động thể thao thuộc các lứa tuổi.
“Hoạt động thể dục-thể thao ở huyện Hòa Vang ngày càng sôi động, nhu cầu về trang phục cũng như trang thiết bị, dụng cụ ngày càng lớn. Thời gian qua, mỗi ngày cơ sở in 100 sản phẩm. Thu nhập tuy chưa cao nhưng so với làm nông gấp cả chục lần. Trước xu thế đô thị hóa tại các làng quê đang diễn ra nhanh chóng, tin chắc cơ sở in của mình sẽ không ngừng phát triển”, Minh cho biết.
Làm giàu từ nghề trồng nấm
Cách đây 6 năm, anh Nguyễn Văn Nhi (SN 1984, ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) quyết định khởi nghiệp bằng nghề nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu. Sau khi hoàn thành lớp đào tạo kỹ thuật trồng nấm do ngành nông nghiệp thành phố tổ chức, Nhi đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng hai trại sản xuất nấm tại vườn nhà, tổng diện tích 400m2.
Nhờ sức trẻ và sự tận tụy với nghề, chẳng bao lâu trại nấm của Nhi gây tiếng vang không chỉ trong phạm vi huyện Hòa Vang. Anh trồng nấm bào ngư và nấm linh chi, thu nhập 500-550 triệu đồng/năm, trừ chi phí lãi ròng 150 - 170 triệu đồng.
Thấy Nhi tâm huyết với nghề sản xuất nấm, đạt hiệu quả kinh tế, Trung tâm Khuyến công thành phố hỗ trợ một lò hấp nguyên liệu, ngành nông nghiệp Đà Nẵng hỗ trợ một tủ sấy nấm, trị giá 80 triệu đồng. Có thêm trang thiết bị chuyên dụng, Nhi như được tiếp thêm nghị lực, càng say mê hơn trong nuôi trồng nấm. Vừa nuôi trồng tại hai trại có sẵn, Nhi còn sản xuất bịch nấm đã cấy giống bán và chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở trên địa bàn.
Khi hoạt động trồng nấm ở Hòa Nhơn đã phát triển, năm 2015, Hợp tác xã (HTX) sản xuất nấm Nhơn Phước do Nguyễn Văn Nhi làm giám đốc ra đời. Hiện tại, 8 thành viên là những nông hộ chuyên trồng nấm đã có ngôi nhà chung là HTX.
Nói về giám đốc HTX trẻ tuổi này, ông Nguyễn Hồng Vân, Chủ tịch Liên minh HTX thành phố cho rằng, Nhi là người năng động và tâm huyết với nghề trồng nấm. Nhiều năm nay, cơ sở sản xuất nấm do Nhi làm chủ không chỉ tạo việc làm cho 4-5 lao động mà còn là nơi làm ra sản lượng nấm khá lớn, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường. “Với cương vị Giám đốc HTX, Nhi sẽ phát huy sự năng động, nhạy bén và tâm huyết vốn có, cùng các thành viên khác đưa HTX phát triển hơn nữa”, ông Vân nói.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU