Năm 2016, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn Đà Nẵng và công tác này dần đi vào nền nếp, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng, giảm tai nạn giao thông, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, chống tiêu cực, nhũng nhiễu; số lượng phương tiện vi phạm quy định về tải trọng đã giảm so với trước đây. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm tải trọng vẫn xảy ra, gây dư luận không tốt và ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm soát tải trọng.
Thực hiện kiểm tra tải trọng tại Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động. |
UBND thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải (GTVT) và UBND các quận, huyện tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn. Cụ thể, các lực lượng chức năng, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp kiểm soát tải trọng xe tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động (KTTTXLĐ).
Đồng thời, tập trung kiểm soát, xử lý ngay tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực đầu nguồn hàng, những nơi thường xuyên xảy ra tình trạng xe chở hàng quá tải trọng cho phép. Duy trì thường xuyên công tác kiểm soát tải trọng xe trên hệ thống đường bộ tại các trạm kiểm soát tải trọng xe cố định, lưu động.
Lãnh đạo Sở GTVT thành phố cho biết, đã chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về xếp hàng hóa và chở hàng quá tải trọng cho phép tham gia giao thông. Kiểm tra, xử lý các lái xe, chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa tự ý cơi nới, thay đổi kích thước thành thùng xe để chở thêm hàng; cưỡng chế cắt bỏ hoặc yêu cầu chủ xe thực hiện việc cắt bỏ phần thùng xe tự ý cơi nới.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ xe chở quá tải trọng trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, kịp thời ngăn chặn và xử lý vi phạm đối với xe chở quá tải trốn tránh trạm cân. Phối hợp với Công an thành phố, Công an các quận, huyện thành lập tổ công tác liên ngành kiểm soát tải trọng xe, xử lý vi phạm cơi nới thành thùng xe trái quy định, tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Đặc biệt, thời điểm cuối năm, khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa gia tăng thì khả năng tình trạng vi phạm tải trọng sẽ còn phức tạp hơn. Trước tình hình này, bên cạnh tiếp tục duy trì 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần hoạt động của Trạm KTTTXLĐ, việc bố trí các Đội Thanh tra giao thông luân phiên kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm bằng cân xách tay cũng được tăng cường.
Đồng thời, UBND các quận, huyện đẩy mạnh hoạt động của lực lượng tại chỗ, chủ động duy trì công tác kiểm soát tải trọng bằng cân xách tay do Ban An toàn giao thông thành phố trang bị. Ngành GTVT cũng đã quy rõ trách nhiệm đối với từng cán bộ, thanh tra viên làm việc tại Trạm; xử lý nghiêm cán bộ, nhân viên không hoàn thành nhiệm vụ, bỏ lọt xe vi phạm, nhất là ô-tô tải cơi nới, cải tạo thùng trái phép.
Song song đó, Công an thành phố chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, công an các quận, huyện, các trạm cửa ô tăng cường tuần tra, kiểm soát để xử lý các phương tiện chở hàng quá tải, quá khổ trên địa bàn, phương tiện tránh né Trạm KTTTXLĐ và các phương tiện cơi nới thành thùng xe trên tất cả các tuyến đường của thành phố.
Lái xe Nguyễn Thành Ngưng, chạy tải container tuyến Gia Lai - Đà Nẵng cho biết: “Trước đây, do áp lực về số lượng và tiền bạc nên chúng tôi thường chở quá tải để có thêm đồng vào đồng ra. Tuy nhiên, sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt với việc chở vượt tải trọng, cộng với bản thân nhận thấy việc chở quá tải luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông nên chúng tôi kiên quyết chở đúng tải trọng”.
Theo lãnh đạo Ban An toàn giao thông thành phố, để giải bài toán chống xe chở hàng quá tải, cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, cả về pháp lý lẫn kinh tế-xã hội mới hy vọng đạt được hiệu quả như mong muốn; đồng thời phải thay đổi đối tượng xử phạt, thêm trách nhiệm pháp lý của chủ hàng, chủ xe và các đối tượng liên quan.
Thực chất, lái xe chỉ là người lao động, ký hợp đồng làm thuê cho doanh nghiệp. Nguyên nhân chở hàng quá tải là câu chuyện của giới chủ hàng và chủ xe do hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh bằng cách chở hàng quá tải để giảm giá cước. Mặt khác, kế hoạch kiểm tra tải trọng xe phải áp dụng một cách đồng bộ, thực hiện liên tục và lâu dài trên tất cả các tuyến đường…
Hơn nữa, để công tác kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải ngày càng đi vào nền nếp, trong thời gian đến, các cơ quan chức năng của thành phố cần chú trọng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong việc kiểm soát tải trọng xe.
Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thiết bị cân kiểm soát tải trọng xe theo hướng tự động, giảm sự tác động của con người vào quá trình phát hiện xe có dấu hiệu vi phạm, cân kiểm tra tải trọng xe và chuyển kết quả cho lực lượng chức năng làm căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có hình thức phạt nguội.
Thực hiện được điều này, công tác kiểm soát tải trọng xe sẽ hiệu quả, bảo vệ và nâng cao tuổi kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.
Bài và ảnh: THÀNH LÂN