Với sự phát triển không ngừng, ngành du lịch đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng chung của Đà Nẵng. Tuy nhiên, ngành du lịch cũng đối mặt với nhiều thách thức lớn: không chỉ giữ vững tăng trưởng về số lượng khách, làm mới các hoạt động, sản phẩm du lịch, mà còn phải làm du khách hài lòng để họ thực sự muốn quay trở lại.
Các sự kiện, lễ hội văn hóa phải nâng tầm quốc tế, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân và du khách. TRONG ẢNH: Du khách vui chơi tại vườn hoa xuân 2016. Ảnh: THU HÀ |
Dấu ấn hạ tầng
Một trong những điểm sáng của du lịch Đà Nẵng được những người làm du lịch, chuyên gia nghiên cứu về du lịch cũng như du khách trong nước và quốc tế đánh giá cao là thành phố có cơ sở hạ tầng tương đối hiện đại, đồng bộ, có đủ 4 hệ thống giao thông cơ bản, gồm đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không.
Hệ thống cơ sở vật chất, các công trình được xây dựng bước đầu đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện văn hóa - thể thao và du lịch lớn mang tầm quốc gia và quốc tế. Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với 20 đường bay trực tiếp, trong đó có 11 đường bay thường kỳ và 9 đường bay trực tiếp thuê chuyến, trung bình mỗi ngày sân bay Đà Nẵng đón hơn 100 chuyến bay đến và đi, trong năm qua đã đưa hơn 900.000 lượt khách du lịch đến Đà Nẵng, tăng 66,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đường hàng không, đường thủy cũng mang đến nguồn khách đông đảo cho thành phố với sự hiện diện đều đặn hằng tuần của tàu biển Genting Dream, sức chứa lên tới hơn 3.400 khách. Năm 2016, thành phố đón 58 chuyến tàu biển với hơn 81.000 lượt khách, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2015.
Trong số 5,51 triệu lượt khách đến Đà Nẵng năm 2016 (tăng 17,7% so với năm 2015) có 1,66 triệu lượt khách quốc tế (tăng 31,6% so với năm 2015). Năm tới, Đà Nẵng hứa hẹn đón khoảng 6,1 triệu lượt khách, trong đó có 1,9 triệu lượt khách quốc tế.
Một trong những điểm mạnh khác của Đà Nẵng là sự đầu tư các dự án lớn. Với 83 dự án du lịch dịch vụ đã và đang được triển khai đầu tư, tổng vốn đầu tư khoảng 7.300 triệu USD (153.300 tỷ đồng), trong đó có 20 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 1.280 triệu USD (26.800 tỷ đồng) và 63 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 6.020 triệu USD (126.420 tỷ đồng), sự có mặt của các thương hiệu lớn mang tầm quốc tế tại Đà Nẵng như: Fusion Maia Resort, Hyatt Regency, Vinpearl, Mercure Grand, Grand Tourane, Risemount Resort… góp phần tạo thêm sức hút cho điểm đến.
Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, để tạo thêm các sản phẩm du lịch mới, sở sẽ đôn đốc hỗ trợ triển khai bảo đảm tiến độ các dự án đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa như điểm du lịch đỉnh đèo Hải Vân, khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp làng Vân, khu phố Tây, khu du lịch sinh thái văn hóa Thái Lai; làng văn hóa du lịch tại các thôn Tà Lang - Giàn Bí; khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp và làng văn hóa các dân tộc Việt Nam...
Hướng đến phát triển bền vững
Trong cuộc họp báo về lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 vào đầu tháng 12-2016, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Huỳnh Văn Hùng cho rằng, việc Đà Nẵng được tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards vinh danh “Điểm đến lễ hội hàng đầu châu Á”, Tạp chí Smart Travel Asia bình chọn “Top 10 điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á”… vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với thành phố.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng là nhân tố con người - nguồn lao động. Theo Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố, ông Cao Trí Dũng, những năm gần đây, ngành du lịch đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong nhóm dịch vụ phục vụ du khách như khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi…
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kiêm Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh cũng cho rằng, Đà Nẵng cần có những cách làm sáng tạo để tăng cường đào tạo nhân lực du lịch, bởi đây là yếu tố tiên quyết để phát triển du lịch bền vững.
Dự kiến đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ đón khoảng 8 triệu lượt khách, trong đó có 2 triệu lượt khách quốc tế và 6 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt khoảng 27.400 tỷ đồng. Đây không phải là mục tiêu quá khó nhưng ngành du lịch cần khắc phục những thách thức, chú trọng nghiên cứu thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thị trường nội địa và quốc tế trọng điểm như Đông Bắc Á, Đông Nam Á; mở rộng các thị trường quốc tế tiềm năng như Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Úc, Bắc Mỹ, thị trường mới Ấn Độ…
Tận dụng cơ hội quảng bá du lịch thành phố thông qua các sự kiện lớn mang tầm quốc tế như lễ hội pháo hoa quốc tế 2017, APEC 2017… Phát triển du lịch nhưng phải song hành với bảo vệ môi trường, bảo đảm môi trường du lịch, bảo tồn các giá trị truyền thống, vẻ đẹp con người, văn hóa địa phương để tạo “dấu ấn” một điểm đến hấp dẫn hàng đầu với du khách trong nước và quốc tế.
THU HÀ