Kinh tế

Đầu tư nhà máy nước từ nội lực

07:58, 14/02/2017 (GMT+7)

Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) mới đây có đề xuất UBND thành phố cho chủ trương chủ động đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên không sử dụng nguồn vốn ODA. ông Nguyễn Trường Ảnh, Chủ tịch HĐQT Dawaco cho rằng, Nhà máy nước Hòa Liên là dự án công trình đầu tư cấp bách để giải bài toán cấp nước an toàn cho thành phố- tuy nhiên với việc chờ sử dụng vốn ODA thì đến năm 2022 nhà máy mới có thể hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp nước sạch cho thành phố từ nay đến năm 2022.

Tình trạng thiếu hụt trữ lượng nước mặt trên các sông Túy Loan, sông Yên và Cầu Đỏ gây mất an toàn trong hoạt động cấp nước cho thành phố.  Trong ảnh: Mức nước cạn kiệt ngay từ đầu năm 2017 trên sông Túy Loan.
Tình trạng thiếu hụt trữ lượng nước mặt trên các sông Túy Loan, sông Yên và Cầu Đỏ gây mất an toàn trong hoạt động cấp nước cho thành phố. Trong ảnh: Mức nước cạn kiệt ngay từ đầu năm 2017 trên sông Túy Loan.

Ông Nguyễn Trường Ảnh cho biết:

- Với sự phát triển của đô thị và kế hoạch mở rộng phạm vi cấp nước trên toàn thành phố, hằng năm, nhu cầu sử dụng nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất tăng mạnh. Hiện tổng công suất cấp nước ở thành phố theo thiết kế tại các nhà máy nước là 210.000m3/ngày, công suất khai thác ngày cao nhất lên đến 250.000m3/ngày, vượt công suất thiết kế khoảng 20%. Các nhà máy nước của Dawaco đang phải hoạt động quá tải để đáp ứng nhu cầu cấp nước của thành phố. Dự kiến một vài năm tới, nhu cầu dùng nước của thành phố sẽ tăng từ 6-8%/năm nên việc đầu tư nâng công suất các nhà máy cấp nước là cấp thiết.

* Việc đầu tư phát triển hạ tầng và năng lực cấp nước cho thành phố trong thời gian tới ra sao, thưa ông?

- Theo quy hoạch cấp nước, dự báo nhu cầu dùng nước của thành phố đến năm 2020, 2025 và 2030 lần lượt là 400.000m3/ngày, 660.000m3/ngày, 725.000m3/ngày. Dawaco đã có kế hoạch đầu tư nâng công suất các nhà máy cấp nước và mở rộng mạng lưới cấp nước. Cụ thể, năm 2017-2018, thực hiện xây mới 1 đơn nguyên xử lý nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ công suất 60.000m3/ngày và xây dựng Nhà máy nước Hòa Trung công suất 10.000 m3/ngày, nâng tổng công suất của toàn hệ thống lên 280.000m3/ngày.

Trong tương lai sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng xây mới thêm 1 đơn nguyên khác xử lý nước công suất 60.000m3/ngày tại Cầu Đỏ và nâng công suất Nhà máy nước Hòa Trung thêm 10.000m3/ngày để tổng công suất của toàn hệ thống đạt 350.000m3/ngày. Ngoài ra, Dawaco cũng đã có kế hoạch xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000 m3/ngày từ năm 2011 thuộc dự án Mở rộng hệ thống cấp nước thành phố Đà Nẵng vay vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhưng đến nay chưa triển khai do nhiều yếu tố khách quan.

* Điều gì làm dự án Nhà máy nước Hòa Liên liên tục kéo dài, trong khi thành phố xác định đây là dự án cấp bách trong việc bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước?

- Nhà máy nước Hòa Liên khai thác nguồn nước sông Cu Đê có lưu vực nằm toàn bộ trong địa bàn Đà Nẵng về phía tây bắc. Đây là nguồn cấp nước ổn định, có chất lượng tốt và hoàn toàn thuộc quyền quản lý, kiểm soát của thành phố. Khi Nhà máy nước Hòa Liên hoàn thành sẽ tạo thêm nguồn cấp nước chính cho thành phố ở khu vực đô thị phía tây, tây bắc (khu vực này đang có nhu cầu sử dụng nước rất lớn với các khu công nghiệp, bến cảng…). Nguồn cấp nước Hòa Liên góp phần bảo đảm cấp nước an toàn và lâu dài cho Đà Nẵng.

Theo sự chỉ đạo của UBND thành phố, Dawaco đã tham gia các dự án nghiên cứu xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên cùng với nhiều nhà đầu tư như ADB, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Trong các hoạt động này, Dawaco luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và đối tác trên tinh thần hợp tác, chia sẻ để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, dự án Nhà máy nước Hòa Liên đang chờ thủ tục phê duyệt dùng vốn ODA không hoàn lại là 40 triệu USD nhưng thủ tục khá phức tạp và chủ đầu tư cứ thay đổi liên tục.

* Trong cuộc gặp gỡ đầu năm Đinh Dậu với Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, lãnh đạo Dawaco đề xuất thành phố cho chủ trương để công ty chủ động đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên không sử dụng vốn ODA với giá trị đầu tư nhà máy trên 5.000 tỷ đồng. Căn cứ nào để Dawaco có đề xuất này?

- Dawaco hiện nay là công ty cổ phần, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, chứ không còn thuần túy là công ty công ích như trước đây. Với mô hình doanh nghiệp mới, Dawaco có điều kiện huy động và đầu tư vốn từ nội lực trong phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó có lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng cấp nước.

Nhà máy nước Hòa Liên là dự án công trình đầu tư cấp bách để giải bài toán cấp nước an toàn cho thành phố nhưng với tình hình triển khai dự án hiện tại với việc chờ đợi sử dụng vốn ODA thì đến năm 2022 nhà máy mới có thể hoạt động, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp nước sạch cho thành phố từ nay đến năm 2022.

Nếu được thành phố giao triển khai đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên, Dawaco sẽ khởi công dự án ngay trong quý 4-2017 và đưa vào vận hành trong quý 4-2019 để có đủ nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất với chi phí đầu tư thấp hơn nhiều khi sử dụng vốn ODA. Đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên theo tính toán của đơn vị nước ngoài cần từ 5.200 - 5.400 tỷ đồng; nhưng theo tính toán của Dawaco, vốn đầu tư không quá 1.500 tỷ đồng. Trong khi đó, giá nước thương phẩm cũng chênh lệch giữa 5.600 đồng/m3 với 4.500 đồng/m3.

* Ông cho biết cụ thể tính hiệu quả khi Dawaco chủ động đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên thay thế nhà đầu tư khác cũng như phương án đầu tư nguồn nước khác?

- Dawaco đang quản lý vận hành các công trình trong hệ thống cấp nước Đà Nẵng, đồng thời tham gia nhiều nghiên cứu về nguồn nước sông Cu Đê nên có kinh nghiệm và thuận lợi nhất định trong công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án cũng như vận hành lâu dài. Điều này sẽ giúp công trình sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng để tăng nguồn cấp nước cho thành phố. Nói về phương án đầu tư nguồn nước khác thì trên thực tế, thành phố Đà Nẵng chỉ có 2 nguồn cấp nước chính là sông Cẩm Lệ tại vị trí Cầu Đỏ và sông Cu Đê. Các nguồn nước khác đều không đủ trữ lượng và chất lượng nên Dawaco chỉ xem xét để giải quyết cấp nước cục bộ cho các khu vực nhỏ.

* Ông nghĩ gì khi khách hàng băn khoăn rằng, việc Dawaco sốt sắng đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên một phần do công ty muốn tạo thêm lợi thế cạnh tranh trong độc quyền cung cấp nước, về lâu dài gây áp lực tăng giá nước lên khách hàng?

- Việc đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên nằm trong quy hoạch tổng thể về cấp nước đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt tại Quyết định số 9018/QĐ-UBND ngày 28-12-2016. Sau khi Nhà máy nước Hòa Liên hoàn thành sẽ hòa chung vào mạng lưới cấp nước thành phố và giá nước của thành phố Đà Nẵng là thống nhất trên toàn thành phố.

Tại Điều 54, Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11-7-2017 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch quy định rõ: “UBND cấp tỉnh phê duyệt phương án giá nước và ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn do mình quản lý, phù hợp với khung giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành”. Hơn nữa, Điều 3, Nghị định 117 cũng xác định: “Hoạt động cấp nước là loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh chịu sự kiểm soát của Nhà nước nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước, trong đó có xét đến việc hỗ trợ cấp nước cho người nghèo, các khu vực đặc biệt khó khăn”.

Theo đó, giá nước sinh hoạt trên địa bàn Đà Nẵng sẽ do UBND thành phố và thậm chí cần thiết phải đưa ra HĐND thành phố xem xét phê duyệt theo quy định. Vì vậy, quan điểm cho rằng Dawaco đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên là muốn tạo thêm lợi thế cạnh tranh trong độc quyền cung cấp nước, về lâu dài gây áp lực tăng giá nước lên khách hàng là không có cơ sở.

* Cảm ơn ông!

TRIỆU TÙNG thực hiện

.