Kinh tế
Đèn bắt muỗi và diệt côn trùng
Những ngày xuân, thời tiết lạnh và ẩm, thuận lợi cho muỗi sinh sôi, nhất là ở những khu vực nhà dân không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường. Nguy cơ dịch sốt xuất huyết có thể xảy ra nếu không có biện pháp diệt trừ muỗi.
Một số loại đèn hình thú ngộ nghĩnh. |
Hiện nay, một số khu vực dân cư có nhiều ao hồ, không gian không thông thoáng, muỗi sinh sôi nhiều, nhưng lại không có cách diệt hiệu quả. Các gia đình có trẻ em rất lo lắng khi muỗi và côn trùng xuất hiện trong nhà. Nhiều người than phiền dùng vợt bắt muỗi, nhang trừ muỗi, thuốc xịt muỗi, không hiệu quả, mùi hương lại ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.
Để đối phó với tình hình này, nhiều gia đình đã trang bị đèn bắt muỗi hoặc đèn diệt côn trùng. Đây là những loại đèn được chế tạo dựa vào tính nhạy cảm sóng dài và tính hướng về nguồn sáng của các loại côn trùng có chức năng diệt các loại sinh vật nhỏ như muỗi và côn trùng bay vào nhà, có khả năng thu hút côn trùng đến và dùng lưới điện có điện áp cao để phóng điện đốt cháy côn trùng.
Đèn diệt côn trùng không chỉ để đuổi muỗi mà còn hạ gục tất cả các loại côn trùng, đặc biệt là các loại hoạt động về đêm, chẳng hạn như muỗi nhiệt đới...
Để diệt muỗi hiệu quả và an toàn cho trẻ, các nhà sản xuất đã liên tục cải tiến sản phẩm. Thị trường thiết bị diệt muỗi cũng khá phong phú. Khảo sát tại cửa hàng đồ điện trên đường Hùng Vương thấy nhiều loại đèn mới ra mắt, có loại hình trụ, có loại hình chữ nhật, hoặc hình chiếc đèn trang trí trong các khu vườn cà-phê, một số hãng sản xuất theo hình các con vật ngộ nghĩnh như chim cánh cụt, hình con thú, cây nấm khiến trẻ em rất thích khi sử dụng. Sản phẩm có đủ màu sắc đen, xanh, vàng rất bắt mắt. Máy đa phần được sản xuất trong nước và nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia...
Ngoài loại gắn cố định trên tường, còn có loại mang đi mọi lúc, mọi nơi. Theo giới thiệu của nhân viên bán hàng, loại máy bắt muỗi bằng bước sóng ánh sáng chiếm số lượng lớn nhất có giá bán thấp nhất từ 120.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/cái.
Có thể lựa chọn hàng loạt thương hiệu cung cấp đèn bắt côn trùng trên thị trường như Philips, Blue Rhino, Stinger, Vortex, Flowtron… Theo cơ chế hoạt động, khi côn trùng bay đến gần chiếc máy, chúng sẽ lập tức bị hút vào chiếc lồng bên dưới do lực hút từ một chiếc quạt chân không rất mạnh được lắp ở trong. Khi muỗi, côn trùng bị hút vào máy sẽ được diệt bởi sức nóng, khô từ đèn chiếu và bộ hút gió chỉ trong một thời gian ngắn.
Thiết kế của quạt hút gió khiến muỗi bị hút vào đèn không thể thoát ra ngoài sẽ bị chết khô. Một số loại đèn bắt muỗi còn được trang bị lưới điện công suất thấp để bảo đảm diệt muỗi tốt nhất nhưng vẫn an toàn với người sử dụng. Nên chọn bóng đèn có cường độ sáng mạnh, công suất từ 10W trở lên.
Việc sử dụng đèn bắt muỗi đang được nhiều người ưa chuộng bởi nó giúp các hộ gia đình không còn bị khó chịu và ngứa ngáy do bị muỗi đốt, không tạo ra tiếng ồn và tiết kiệm điện bởi công suất của đèn bắt muỗi khá thấp (từ 6-20W).
Tuy nhiên, người tiêu dùng cần tuân thủ hướng dẫn của hãng sản xuất. Theo anh Nguyễn Tiến Linh, chủ cửa hàng đồ điện Minh trên đường Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu), khách hàng nên đặt đèn ở độ cao 1,5 - 2m so với sàn nhà vì đây là độ cao muỗi và côn trùng hoạt động. Độ cao này cũng giúp ánh sáng tia cực tím từ đèn có thể tỏa khắp phòng.
Khi dùng đèn bắt muỗi trong phòng, nên tắt hết các nguồn sáng khác. Đặt đèn bắt muỗi tại những vị trí muỗi tập trung nhiều như nhà vệ sinh, buồng tắm, bếp, phòng khách. Phạm vi sử dụng hiệu quả nhất của đèn bắt muỗi là khoảng 20m2. Điều quan trọng là phải rút phích điện, tắt công tắc thiết bị để bảo đảm an toàn trước khi vệ sinh máy và các tấm lưới lọc.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH