Kinh tế
Bưu điện đồng hành với thương mại điện tử
Khi việc mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, sự ra đời của các bưu cục chuyên phục vụ thương mại điện tử (TMĐT) trở nên tất yếu.
Nhiều hàng hóa mua qua mạng đã được Bưu điện chuyển đến tận tay khách hàng nhanh chóng. |
Đặt mua bộ nồi thủy tinh qua một trang bán hàng điện tử, chị Nguyễn Thị Bích Mai (quận Hải Châu) cho biết, một năm trở lại đây, chị thường xuyên “lướt mạng” để mua hàng gia dụng, từ bộ chăn ga gối đệm đến đồng hồ treo tường. Chị Mai nói: “Chỉ cần đợi 3-5 ngày, bưu điện sẽ mang hàng tới. Việc mua đồ qua mạng phù hợp với những người đi làm công sở như mình, vừa tiết kiệm thời gian, vừa đỡ công mang vác”.
Theo Trung tâm Khai thác vận chuyển (Bưu điện Đà Nẵng), trong vòng 2-3 năm trở lại đây, số lượng bưu kiện TMĐT tăng nhiều về số lượng và chủng loại. Trước đây, hàng hóa mua bán qua mạng chủ yếu là áo quần, mỹ phẩm, các món đồ điện tử kích cỡ nhỏ. Giờ đây, gần như mọi thứ đều có thể được mua tại “chợ” Internet nên việc các bưu tá chuyển phát nệm, tủ lạnh… không còn lạ. Thống kê từ Bưu điện Đà Nẵng cho thấy, năm 2016, doanh thu từ dịch vụ bưu chính chuyển phát tăng 11% so với năm trước. Năm 2017, con số này có thể sẽ còn tăng lên hơn 40%.
Trước nhu cầu mua bán qua mạng ngày càng gia tăng, tháng 1-2016, Bưu điện Đà Nẵng thành lập Bưu cục TMĐT nhằm chuyên môn hóa các dịch vụ chuyển phát phục vụ TMĐT. Đây là 1 trong 5 bưu cục TMĐT đầu tiên trên cả nước (cùng với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và tỉnh Bình Dương). 15 bưu tá thuộc bưu cục chỉ chuyên thực hiện dịch vụ COD (tức giao hàng và thu tiền hộ người bán hàng - PV).
Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Khánh Nga, Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng, thế mạnh của bưu điện khi tham gia TMĐT là mạng lưới phủ rộng 63/63 tỉnh, thành phố; năng lực phát hành đứng đầu về quy mô với hơn 700 bưu cục phát tại các tỉnh, thành phố, quận, huyện trên khắp cả nước. Ngoài ra, đội ngũ bưu tá được đào tạo bài bản, có kỹ năng công nghệ thông tin, hiểu biết về bán hàng qua mạng cũng giúp khách hàng yên tâm hơn khi thực hiện các giao dịch mua bán điện tử.
Bà Nga cho biết, hiện tại Bưu điện Đà Nẵng đã xây dựng mạng lưới khách hàng gần 300 doanh nghiệp, trong đó có những trang web bán hàng phổ biến tại Việt Nam như Tiki, Lazada, Zalora…, cùng hàng nghìn hộ kinh doanh cá thể (bán hàng qua mạng xã hội, qua điện thoại…).
Sau hơn 10 năm làm bưu tá chuyển phát thường, năm 2016, anh Nguyễn Thế Mỹ (nhân viên Bưu điện Đà Nẵng) chuyển sang chuyên trách mảng dịch vụ COD tại Bưu cục TMĐT. Anh Mỹ cho biết, đối với dịch vụ này, quan trọng nhất là phải bảo đảm lịch trình phát hàng. “Có nhiều loại hàng hóa giá trị cao, anh em chuyển phát phải hết sức cẩn thận để bảo đảm an toàn cho hàng, trong khi vẫn phải đưa đến tay người nhận đúng giờ hẹn”, anh Mỹ nói.
Ngoài ra, điểm khác biệt của chuyển phát COD là bưu tá phải nhận và giữ tiền hộ khách hàng. Vì vậy, khác với chuyển phát thường có thể nhờ người thân ký nhận giúp, chuyển phát COD cần phải đến tận tay người nhận, giao hàng và nhận tiền tại chỗ. Anh Mỹ chia sẻ, trong hơn một năm làm bưu tá COD, anh cũng đã gặp nhiều tình huống dở khóc, dở cười. Có những đơn hàng không cho phép đồng kiểm, anh phải kiên nhẫn giải thích cho khách hàng hiểu. Anh kể, có lúc, khách hàng không ưng ý với chất lượng chiếc áo đặt mua trên mạng, bưu cục đành đứng ra giúp khách hàng kết nối với người bán để khiếu nại. “Mình làm vì uy tín của bản thân và của bưu điện”, anh Mỹ nói.
Một năm lăn lộn với mảng mới, anh Mỹ cho biết: “Những đợt cao điểm như Valentine, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 hay cận Tết Nguyên đán, một bưu tá chuyển phát 80-100 kiện hằng/ngày là bình thường. Mưa gió cũng đi, nhiều khi đứng chờ lâu mới có khách hàng ra nhận. Nhưng đó là công việc mà”. Bà Nga cho biết, Bưu cục TMĐT Đà Nẵng hiện chỉ mới hoạt động tại hai quận trung tâm của thành phố là Hải Châu và Thanh Khê. Dự kiến trong năm 2017, bưu cục sẽ vừa tập trung xây dựng mạng lưới khách hàng TMĐT, vừa khảo sát để tách các tuyến phát cho phù hợp, rút ngắn thời gian chuyển phát, tăng năng suất và chất lượng phục vụ khách hàng.
Bài và ảnh: KHANG NINH