.
4 NĂM LIÊN TIẾP ĐÀ NẴNG GIỮ NGÔI ĐẦU PCI

Đà Nẵng nỗ lực để hái "quả ngọt" PCI

.

Được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn, nhưng Đà Nẵng không hài lòng với chính mình. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của Đà Nẵng cao vượt trội so với những năm trước là kết quả nỗ lực không ngừng của thành phố. Song, điều mà Đà Nẵng cần hướng đến là làm sao để biến “ngôi vương” PCI thành những “quả ngọt”.

Chính quyền “một cửa”, “một cửa liên thông” là một nhân tố chủ lực cho kết quả PCI 2016 của Đà Nẵng. 					                 Ảnh: KHANG NINH
Chính quyền “một cửa”, “một cửa liên thông” là một nhân tố chủ lực cho kết quả PCI 2016 của Đà Nẵng. Ảnh: KHANG NINH

Phát biểu tại lễ công bố báo cáo thường niên PCI năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 14-3, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh khẳng định: “Chúng tôi xem việc cải thiện PCI là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng để đưa vào chương trình công tác hằng năm được các cấp ủy Đảng và chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện một cách quyết liệt.

Qua đó, các cấp, các ngành đã vào cuộc một cách quyết liệt, đẩy mạnh cải cách hành chính, chung tay tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế chính sách cho doanh nghiệp (DN). Thường trực Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố hằng tuần đều dành thời gian hội ý, lắng nghe và giải quyết những bức xúc của DN trên cơ sở phù hợp với các quy định của luật pháp và tình hình thực tiễn ở địa phương. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại, ghi nhận những ý kiến đóng góp của mọi tổ chức, cá nhân nhằm hướng tới việc phục vụ DN làm ăn và phát triển tốt nhất trên địa bàn thành phố”.

Chính quyền hành động

Tại kỳ họp thứ hai HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX (tháng 8-2016), Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tuyên bố chính quyền thành phố Đà Nẵng phải trở thành một “chính quyền hành động”, phục vụ lợi ích của người dân và xã hội. Cam kết này ngay sau đó đã được thể hiện bằng công tác cải cách hành chính.

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ chia sẻ: “Vướng mắc lâu nay của các sở, ban, ngành nằm trong khâu liên thông từ cơ quan này sang cơ quan khác. Nếu chỉ có một cơ quan phụ trách thì làm nhanh gọn, nhưng nếu có giấy tờ thủ tục gì cần chuyển qua cơ quan khác thì lại bắt đầu… lề mề”.

Ông Đồng cho biết, năm 2016, Sở Nội vụ tham mưu UBND thành phố ký cam kết về việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến DN trên địa bàn Đà Nẵng với VCCI. Theo đó, 30 thủ tục liên quan đến DN được thực hiện cắt giảm. Hiện nay, Đà Nẵng triển khai đề án “Thực hiện cơ chế liên kết trong giải quyết TTHC về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện giữa các sở, ban, ngành” theo tiêu chí “liên thông - liên kết” và “trọn gói”.

Cũng nhằm giảm bớt chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp mỗi lúc giao dịch với chính quyền, Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng mô hình một cửa hiện đại tại tất cả UBND quận, huyện, 55/56 phường, xã và 21/21 sở, ban, ngành tại Trung tâm Hành chính thành phố với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung.

“Trước đây, người dân nộp hồ sơ lên phường rồi phải đem nộp tiếp lên quận, lên thành phố, thì bây giờ chỉ cần đưa đến phường, hệ thống “một cửa” sẽ tự động chuyển đến các cơ quan có chức năng và thẩm quyền. Cuối cùng, người dân nộp ở đâu thì chỉ cần đến tại đó để nhận kết quả”, ông Đồng nói.

Với sự vào cuộc đồng bộ, trong năm 2015-2016, gần 900 TTHC được thực hiện nhanh hơn với tổng số 392.649 hồ sơ giao dịch hành chính, ước tiết kiệm được cho công dân, tổ chức 312.063 ngày làm việc.
Trong quá trình giải quyết vướng mắc cho DN, Đà Nẵng cũng chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp xúc tiến thương mại và đầu tư, nguồn lực, mặt bằng...

Không chỉ đẩy mạnh cải cách TTHC và triển khai chính sách, thành phố còn nâng cao tinh thần, thái độ của cán bộ, công chức, viên chức trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh.

Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Công tác cải cách hành chính luôn là nhiệm vụ trọng tâm của sở, đặc biệt trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư, xây dựng cơ bản, đấu thầu…

Tại nơi tiếp nhận và trả hồ sơ đều niêm yết công khai các quy trình, TTHC, thời gian giải quyết, hòm thư góp ý, đăng ký trực tuyến… Sở đã áp dụng hình thức đăng ký kinh doanh trực tuyến, đấu thầu qua mạng nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân”.

Đối thoại để tìm hiểu doanh nghiệp

Năm 2016, Đà Nẵng tổ chức nhiều buổi đối thoại giữa chính quyền và DN trên địa bàn thành phố. Từ đây, những khó khăn, vướng mắc của DN được đề cập, trở thành định hướng cho Đà Nẵng điều chỉnh, cải thiện các chính sách. Theo ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố, một trong những điều mà các DN Đà Nẵng thường than phiền là TTHC rườm rà.

Trong những năm qua, Đà Nẵng luôn đi đầu trong cải cách TTHC, thực hiện cơ chế “một cửa” hiệu quả, nhanh chóng. Tuy nhiên, tại một số sở, ngành, công việc vẫn có lúc bị “lưu” đến vài tháng mà vẫn không được giải quyết. “Văn bản của UBND thành phố có ghi cụ thể nội dung, thời gian giải quyết nhưng một số sở, ban, ngành vẫn không thực hiện theo đúng thời gian quy định hoặc không giải quyết mà không có văn bản trả lời thỏa đáng”, ông Bình nói.

Liên quan đến vấn đề cải cách hành chính, đại diện Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân quận Hải Châu tại TP.Hồ Chí Minh (thuộc Hội DN quận Hải Châu) thẳng thắn nêu ra vấn đề một số dự án đầu tư khi đến các ban, ngành chuyên trách bị rơi vào tình trạng “ù lì” hoặc bị “đẩy qua, đẩy lại”, khiến DN rơi vào tình trạng bế tắc.

Ông Trần Bảy, Chủ nhiệm CLB nhìn nhận, mặc dù PCI của Đà Nẵng liên tục dẫn đầu cả nước trong nhiều năm qua, nhưng có một thực tế là 3-4 năm trở lại đây, chưa có nhiều dự án có tính chất động lực được đầu tư vào Đà Nẵng.

Nhằm tìm hiểu tình hình hoạt động, khó khăn của DN, năm 2016, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng tiến hành khảo sát các DN trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn 7 quận, huyện. Kết quả khảo sát cho thấy nhiều DN đang gặp khó khăn với thị trường đầu ra.

Đối với thị trường trong nước, DN phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, phá giá, bán hàng nhái bởi chính các DN khác trong nước. Trong khi đó, các DN xuất khẩu lại “khát” thông tin về thị trường và khách hàng. Gần 30% số DN trên địa bàn thành phố mong muốn được hỗ trợ tìm thông tin, giới thiệu đối tác nước ngoài có uy tín.

Bên cạnh đó, qua những buổi đối thoại, các DN còn chỉ ra những khó khăn đang gặp phải như: việc tiếp cận với nguồn tài chính, tín dụng; tuyển dụng và sử dụng lao động; đổi mới công nghệ; mặt bằng sản xuất kinh doanh… Dựa vào đó, ngay trong năm 2016, lãnh đạo thành phố đã nhanh chóng triển khai các biện pháp chấn chỉnh tình hình.

Tất nhiên, theo chia sẻ từ các sở, ngành, việc Đà Nẵng liên tiếp giữ ngôi quán quân PCI không có nghĩa là thành phố có môi trường kinh doanh hoàn hảo, mà cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng nhiều hơn thế…

* Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng:  

Tận dụng lợi thế để thu hút đầu tư

Chúng tôi rất vui mừng khi Đà Nẵng tiếp tục giữ vững ngôi đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Công đầu tiên phải nói đến là sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của chính quyền thành phố. Qua điểm số PCI, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đà Nẵng nhìn nhận, đánh giá cao về vai trò điều hành, quản lý các mặt hoạt động của lãnh đạo thành phố.

Kết quả này phản ánh đúng thực tế về những nỗ lực của các cấp chính quyền, các ngành, tạo sự chuyển dịch về tư tưởng, nhận thức trong bộ máy công quyền địa phương với tinh thần đồng hành và hỗ trợ DN phát triển. Đặc biệt, ở lĩnh vực cải cách hành chính, với thủ tục “một cửa” đã tạo thuận lợi cho người dân và DN.

Thành phố Đà Nẵng đã ký cam kết về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Lãnh đạo thành phố cũng đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại với DN, tập hợp ý kiến góp ý, đề xuất của DN để tìm cách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động, phát triển.

Qua đó, chúng tôi mong rằng, thành phố tận dụng lợi thế này để thu hút nhiều hơn nữa đầu tư quốc tế và đầu tư trong nước. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo thành phố quan tâm hơn nữa trong việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất của DN và của Hiệp hội DN nhỏ và vừa…

* Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Thanh Khê:

Kết quả của sự đồng lòng

Việc Đà Nẵng đứng đầu cả nước về PCI là thông tin không quá bất ngờ với tôi. Điều này xứng đáng với sự nỗ lực của hệ thống chính quyền thành phố, người dân và DN. Đó là sự đồng lòng giữa các bên, bởi nếu chính quyền có giỏi đến mấy mà DN không đồng lòng thì cũng chịu; ngược lại, DN thay đổi tích cực nhưng chính quyền cứ hoạt động theo mô-típ cũ thì rõ ràng sẽ ì ạch trong việc cải cách hành chính.

Đúng là cách đây 3-4 năm trước, DN trên địa bàn than phiền nhiều về việc dù cấp trên chỉ đạo quyết liệt nhưng bộ máy cấp dưới tư duy chưa bắt kịp nên chuyện nhũng nhiễu DN là có thật. Tôi đã đi nhiều nơi, giải quyết nhiều công việc riêng cho DN mình lẫn lồng ghép công việc của Hội Doanh nghiệp quận Thanh Khê, phải thừa nhận khi đến làm thủ tục hành chính tại các sở, ban, ngành của thành phố, tôi nhận thấy sự thay đổi rất nhanh.

Về kết quả PCI năm 2016, chúng tôi mong rằng, thành phố sẽ tiếp tục duy trì và làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. Nếu DN có những kiến nghị, chính quyền nên giải quyết nhanh hơn, vấn đề giải quyết được thì nói được, không được thì nói không được, chứ không nên để xem xét, kéo dài lâu quá, làm mất cơ hội của DN.

* Ông Niwa Dai, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Niwa Foundry Việt Nam:

Cần mục tiêu rõ ràng và lộ trình cụ thể

Niwa Foundry Việt Nam là một trong những công ty đầu tiên có mặt tại Khu công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy những năm gần đây, thành phố đã có những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng và triển khai các chính sách phát triển công nghiệp CNC, công nghiệp thân thiện với môi trường. Trước khi đặt nhà máy tại Đà Nẵng, chúng tôi đã khảo sát ở nhiều địa phương khác.

Cuối cùng, chúng tôi chọn Đà Nẵng vì thành phố có tốc độ phát triển nhanh, riêng ngành công nghệ thông tin đang có triển vọng lớn. Môi trường đầu tư tại Đà Nẵng cũng khá thuận lợi, vì lãnh đạo thành phố có các hỗ trợ về thủ tục hành chính, nguồn lao động và nhiều yếu tố khác.

Đối với ngành công nghiệp CNC, tôi xin chia sẻ bài học kinh nghiệm của Nhật Bản. Đó là, Đà Nẵng cần có một mục tiêu rõ ràng và một lộ trình cụ thể; nên huy động chất xám từ những cá nhân, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, thậm chí học hỏi kinh nghiệm của các nước khác để làm điều này. Tôi tin rằng, khi có tầm nhìn sáng suốt và con đường đi rõ ràng, Đà Nẵng sẽ nắm trong tay “lá bài” thu hút đầu tư - đặc biệt trong ngành công nghiệp CNC hiệu quả hơn.

NGUYỄN HUY - DUYÊN ANH ghi

           DUYÊN ANH - KHANG NINH

;
.
.
.
.
.