Kinh tế
4 năm liên tiếp Đà Nẵng giữ ngôi đầu PCI: Tiếp tục cải cách mạnh mẽ
Thứ hạng cao trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) không phải là mục đích cuối cùng, cái chính là sự lan tỏa những kinh nghiệm hay, cách làm mới, phương pháp sáng tạo… nhằm mang lại sự hài lòng cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tinh thần đó của Đà Nẵng được thể hiện rõ qua quyết tâm của chính quyền.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động trong môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch. |
Vượt qua áp lực và thách thức
Đánh giá của các chuyên gia cho thấy, Đà Nẵng là địa phương trong nhóm trên của bảng xếp hạng PCI nên sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn trước yêu cầu đưa ra sáng kiến mới, cách làm mới nhằm thúc đẩy cải cách hành chính và phát triển kinh tế. Thời gian qua, không ít hội thảo, tọa đàm, các chương trình nghị sự đề cập, phân tích về việc làm sao tạo dựng được môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. “Những việc cần làm ngay” của Đà Nẵng là không ngần ngại thay đổi mọi thứ theo hướng tích cực và tìm kiếm mô hình sáng tạo từ các địa phương khác.
Chẳng hạn, mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” tại Bắc Ninh được xây dựng trên nền tảng kinh nghiệm từ các tỉnh, thành phố như: Quảng Nam, Quảng Ninh, Bình Phước, Tuyên Quang, Đà Nẵng; hay chương tình cải thiện môi trường kinh doanh của Quảng Ninh lấy cảm hứng từ Đà Nẵng, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh; hay Trung tâm hành chính công tập trung tại các tỉnh Quảng Ninh, Bình Dương hiện là mô hình mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Kết quả thực hiện giải quyết hồ sơ công việc rất tốt như tỉnh Bình Dương với tỷ lệ trễ hẹn hồ sơ dưới 1% đã thể hiện rõ chất lượng quản lý, điều hành của chính quyền; cũng từ đó đem lại cho các địa phương này điểm số cao, xếp hạng PCI với vị thứ cao.
Còn với Đà Nẵng, câu chuyện về “Nụ cười công chức” do Hội Doanh nghiệp trẻ tổ chức bình chọn hằng năm đang được lan truyền tích cực. Nói vậy để thấy, việc chia sẻ kinh nghiệm điều hành chính quyền giữa các tỉnh là giải pháp quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh cho các tỉnh, thành phố.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận xét về Đà Nẵng trước sự có mặt của đông đảo lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại lễ công bố PCI năm 2016: “Ngay cả khi ở vị thứ tụt hạng thấp nhất là đứng thứ 12 (năm 2012), lãnh đạo thành phố khi đó là cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cũng đã thể hiện một tâm thế dám nhìn thẳng thực tế, chỉ ra một cách thực chất những hạn chế yếu kém, coi đó là một động lực, một áp lực để từ đó quyết tâm cải cách triệt để. Tinh thần ấy, tâm thế ấy đã được kế thừa và phát huy, để đến giờ có thể nói Đà Nẵng thực sự ở tâm thế “đẳng cấp”, chứ không phải là “phong độ” khi quay trở lại ngôi vị quán quân PCI 4 lần liên tiếp”.
Vững tin nhìn về phía trước
Từ những năm 2005-2007, Đà Nẵng xếp vị trí thứ nhì về PCI; sau đó 3 năm liền (2008-2010) vươn lên vị trí thứ nhất; năm 2011 đứng thứ 5, năm 2012 tụt xuống thứ 12, nhưng rồi liên tiếp 4 năm (2013-2016) lại vững vàng vị trí đầu bảng. Kết quả xếp hạng PCI khẳng định sự đồng hành của thành phố với cộng đồng doanh nghiệp. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân làm số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn Đà Nẵng luôn tăng. Đặc biệt, năm 2016, trên tinh thần khuyến khích khởi nghiệp, lần đầu tiên thành phố đạt kỷ lục với hơn 4.000 doanh nghiệp mới ra đời.
Theo TS. Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng mạng lưới khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng: “Năm 2017, Đà Nẵng bắt đầu triển khai đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. Đây là đề án đầu tiên của cả nước về việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, có nhiều nội dung mang tính tổng quát như vậy. Trong lĩnh vực khởi nghiệp, tuy Đà Nẵng đi sau Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, quy mô cũng nhỏ hơn, chất lượng cũng chưa tới đâu, nhưng khởi nghiệp mới chính là trụ cột nền kinh tế tương lai, bởi nó sẽ mang lại giá trị gia tăng lớn. Đà Nẵng được đánh giá có tiềm năng và tốc độ phát triển nhanh, có nhiều bước đi đột phá (vườn ươm doanh nghiệp theo mô hình hợp tác công - tư (PPP), thành lập hội đồng điều phối để huy động nguồn lực chung). Do đó, Đà Nẵng sẽ không đi theo “vết xe đổ” khiến hoạt động khởi nghiệp chỉ dừng lại ở mức phong trào, bởi như vậy sẽ không tác động gì đến nền kinh tế. Trong thời gian đầu, chính quyền xác định phải là “bà đỡ” cho các doanh nghiệp”.
Trước bối cảnh hội nhập, yêu cầu ngày càng khắt khe hơn từ cộng đồng doanh nghiệp, song với quyết tâm của mình, Đà Nẵng sẽ tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ hơn để luôn hướng tới chính quyền phục vụ tốt nhất. Nhìn một cách khách quan, PCI là chỉ số về môi trường đầu tư, đo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp hài lòng cũng có nghĩa là sẽ tăng xu hướng đầu tư vào địa phương, trở thành động lực phát triển kinh tế địa phương.
“Năng lực cạnh tranh một địa phương chỉ có được khi các chủ trương, quyết sách và chính sách của Đảng bộ, HĐND, UBND được lan tỏa, thấm vào tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy quản lý. Và phải chuyển hóa nhận thức đó vào công việc mỗi ngày của mỗi ngành, mỗi người theo tinh thần phục vụ, đáp ứng những yêu cầu, nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp, công dân và tổ chức. Phải lấy tiêu chí chung là các đột phá về chính sách, về thái độ phục vụ của cơ quan công quyền, phải tạo một môi trường phát triển bình đẳng và bền vững, thân thiện và hiệu quả, hài hòa lợi ích của cái chung và cái riêng, thì theo tôi sẽ tạo nên sức cạnh tranh”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên chia sẻ.
Trong cuộc sống, có niềm tin là có tất cả. Tôi nghĩ rằng, khi doanh nghiệp đến với Đà Nẵng là họ đã có niềm tin đối với lãnh đạo thành phố, niềm tin vào các chính sách của thành phố để môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Có một điều chắc chắn là chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa. Nếu mình cố gắng thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhìn nhận. Tôi tin khi doanh nghiệp có niềm tin thì thành phố sẽ có được các danh hiệu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH - KHANG NINH