Kinh tế

Dịch vụ homestay: Không dễ làm!

14:19, 30/03/2017 (GMT+7)

Những năm gần đây, mô hình homestay (lưu trú ở nhà dân) thu hút khách, đặc biệt là những người trẻ. Thay vì chọn ở khách sạn hoặc nhà nghỉ, du khách lưu trú tại nhà dân để có những trải nghiệm thực tế về cách sống, văn hóa của nơi mình đến. Song, khai thác tốt loại hình du lịch này là điều không dễ.

Hiện nay, du khách thường muốn có những trải nghiệm gần gũi với người dân địa phương và thiên nhiên. Trong ảnh: Lối vào nhà cổ Tích Thiện Đường, thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) bằng đường sông.
Hiện nay, du khách thường muốn có những trải nghiệm gần gũi với người dân địa phương và thiên nhiên. Trong ảnh: Lối vào nhà cổ Tích Thiện Đường, thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) bằng đường sông.

Qua chuyến khảo sát một số mô hình du lịch nổi bật của tỉnh Lâm Đồng do Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức dành cho những người làm lữ hành mới đây, có thể thấy những mô hình du lịch thân thiện, gần gũi với nhiên nhiên như du lịch cộng đồng, homestay, du lịch nhà vườn… của tỉnh Lâm Đồng hoạt động khá hiệu quả; trong đó đáng lưu ý là homestay. Cùng ăn, cùng ở, cùng chơi, tìm hiểu văn hóa của người bản địa là xu hướng trải nghiệm mới mẻ dành cho du khách.

Tại Đà Nẵng, những năm gần đây, homestay cũng bắt đầu hình thành và phát triển. Theo thông tin của Sở Du lịch Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố có khoảng 21 cơ sở nhà nghỉ du lịch, homestay với 343 phòng. Tuy nhiên, đa số loại hình lưu trú này do người dân tự mở và tự khai thác khách du lịch, chủ yếu khách lẻ, đi du lịch tự túc, rất ít điểm có sự kết nối giữa các doanh nghiệp và người dân.

Chị Nguyễn Thị Quyên, chủ homestay Vitamin Sea (đường Thạch Lam, quận Sơn Trà) cho biết, khi khai thác loại hình này, cái khó nhất vẫn là ý tưởng và định hình phong cách mới, bởi đối tượng chọn homestay chủ yếu là người trẻ với mong muốn trải nghiệm văn hóa và giao lưu nhiều hơn. Sau một thời gian khai thác, đa số khách yêu cầu nhiều về sự thân thiện, giao lưu với người địa phương, về khám phá ẩm thực và các địa điểm tham quan nên tại đây vẫn có những bữa ăn gia đình, tiệc tối, tiệc nướng BBQ để khách cùng tham gia… Chị Quyên cũng cho hay, một số địa phương lân cận như Thừa Thiên Huế, Hội An (tỉnh Quảng Nam) hay Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng)… có nhiều lợi thế về địa hình, thiên nhiên nên dễ phát triển các mô hình mới mẻ và độc đáo, dễ có nhiều hoạt động cho du khách; tại Hội An, người dân tận dụng những làng nghề như: làng rau Trà Quế, làng Gốm Thanh Hà... Còn với không gian và địa điểm ở Đà Nẵng, homestay chưa có nhiều hoạt động cho khách trải nghiệm thoải mái, độc đáo. Muốn rộng rãi, gần gũi với thiên nhiên thì xa trung tâm thành phố, không tiện cho khách... “Khách du lịch đến Đà Nẵng thường rất thích biển nhưng homestay khó có các hoạt động liên quan đến biển, chẳng hạn như câu cá đêm hay đánh bắt cá gần bờ. Để làm được như vậy quả thật không dễ, cần có những người làm chuyên nghiệp, bài bản, vì những hoạt động này đòi hỏi tính an toàn cao”, chị Quyên phân tích.

Ông Trịnh Bằng Sỹ, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phương Đông Việt, Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, mô hình này thường có sức hút với các bạn trẻ cả trong nước và quốc tế. Thị trường Đà Nẵng cũng đang có một số loại hình du lịch homestay nhưng để mô hình này phát triển hiệu quả, nên phát triển về hướng Hòa Vang, gần gũi với thiên nhiên và đời sống của người dân quê. “Điểm hấp dẫn của homestay là nét văn hóa của địa phương, của người dân bản địa. Do đó, nên tận dụng những lợi thế mà chúng ta có như sông, núi, nhà vườn… thì mới thu hút khách”, ông Sỹ nói.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình cho rằng, mỗi địa phương đều có một thế mạnh riêng, tạo sức hút riêng với du khách. Mô hình du lịch gắn với cộng đồng rất hay, du khách sẽ được trải nghiệm đời sống, văn hóa, nghỉ dưỡng… Do đó, ngành du lịch thành phố cũng đang tiến hành khảo sát một số địa điểm tại các xã Hòa Bắc, Hòa Phú (huyện Hòa Vang); phối hợp với các địa phương lân cận để xây dựng những sản phẩm du lịch mới liên quan đến mô hình này.

Bài và ảnh: THU HÀ

.