Kinh tế

Gian nan thu thuế nợ đọng

08:03, 20/03/2017 (GMT+7)

Theo phân tích từ các cơ quan thuế, phần lớn số thuế nợ đọng là nợ khó thu thuộc các doanh nghiệp (DN) đã bỏ địa chỉ kinh doanh, không còn hoạt động, không còn tài sản nên dù thực hiện đầy đủ các biện pháp cưỡng chế vẫn khó thu được.

Thu hồi nợ thuế phải bảo đảm thấu tình đạt lý nhằm thu được nợ nhưng cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. (Ảnh mang tính minh họa). 										             Ảnh: KHÁNH HÒA
Thu hồi nợ thuế phải bảo đảm thấu tình đạt lý nhằm thu được nợ nhưng cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: KHÁNH HÒA

Nợ khó thu có chiều hướng tăng cao

Báo cáo từ Cục Thuế thành phố Đà Nẵng cho thấy, đến hết năm 2016, tổng nợ thuế là 1.516,7 tỷ đồng; trong đó các khoản nợ từ thuế, phí, tiền chậm nộp, tiền thuê đất của các đơn vị đều tăng so với cuối năm 2015. Nợ khó thu vẫn chiếm tỷ lệ lớn với 479,65 tỷ đồng, tăng 22,68% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo phân tích từ Cục Thuế thành phố, hiện nay, số nợ từ thuế và phí các loại còn hơn 636 tỷ đồng, chiếm 40,5% trên tổng nợ, tăng 10,83% so với cuối năm 2015; nợ các khoản liên quan đến đất là 394,8 tỷ đồng, chiếm 25,13% trên tổng nợ.

Hầu hết các quận, huyện đều tăng nợ thuế; trong đó, quận Thanh Khê tăng 30 tỷ đồng (tương đương 30%), quận Liên Chiểu tăng 16,876 tỷ đồng (tăng 28,11%), Sơn Trà tăng 15 tỷ đồng (tăng 26,86%), Hòa Vang tăng 10,955 tỷ đồng (tăng 19,11%), Cẩm Lệ tăng 12,227 tỷ đồng (tăng 16,44%), Ngũ Hành Sơn tăng 7,39 tỷ đồng (tăng 14,34%), Cơ quan Cục Thuế tăng 51,565 tỷ đồng (tăng 13,86%), Hải Châu tăng 14,585 tỷ đồng (tăng 6,72%).

Trước áp lực nợ thuế ngày càng tăng, ngành Thuế Đà Nẵng đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý, thu hồi nợ theo quy trình; đồng thời thực hiện công khai danh sách các đơn vị nợ thuế lên các phương tiện thông tin đại chúng. Năm 2016, Cục Thuế Đà Nẵng phát hành 141.785 lượt thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp; ban hành 14.893 quyết định cưỡng chế tài khoản, 2.497 quyết định cưỡng chế hóa đơn, lập 812 lệnh thu qua ngân hàng, khai thác thông tin của bên thứ ba thu nợ được hơn 3.000 tỷ đồng…

Ông Lê Bá Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Sơn Trà cho biết, trong quý 1-2017, Chi cục chủ yếu tập trung công tác kiểm tra, rà soát lại những DN trong danh sách có độ rủi ro cao về nợ thuế. Đặc biệt, chủ động thông báo, thu trước nợ thuế đối với nhiều DN nhằm góp phần giúp họ có sự chuẩn bị tránh rơi vào tình trạng nợ thuế lâu ngày.

Năm 2016, ngành thuế quận đã thu nợ thuế được 87,1 tỷ đồng, trong đó thu nợ của năm 2015 chuyển sang là 9,67 tỷ đồng, thu nợ phát sinh trong năm 2016 là 77,45 tỷ đồng.

Thiếu giải pháp hiệu quả

Phân tích từ Cục Thuế Đà Nẵng cho thấy, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu nợ thuế gặp nhiều khó khăn và đạt hiệu quả thấp. Bởi hầu hết DN nợ thuế trên 90 ngày đều thực sự khó khăn về tài chính, không có khả năng thanh toán, gần như đã thế chấp hết tài sản để vay vốn kinh doanh…

Quá trình thu thập, xác minh tài khoản ngân hàng của DN mất nhiều thời gian do DN mở nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau. Mặt khác, một số DN cố tình chây ỳ, không chấp hành việc cung cấp các tài khoản có dòng tiền mà chỉ cung cấp các tài khoản không có số dư hoặc số dư nhỏ không đủ để thực hiện cưỡng chế.

Ông Trương Công Khoái, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Hải Châu phân tích, việc áp dụng các biện pháp thu nợ thuế cũng phải thấu tình đạt lý, bởi lẽ cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, uy tín và thương hiệu của DN, khiến DN khó tiêu thụ hàng hóa, không bảo đảm doanh thu thì khả năng trả nợ thuế càng khó hơn.

Biện pháp này gần như đồng nghĩa với việc chấm dứt hoạt động của DN, trong khi lượng DN thuộc diện bị áp dụng biện pháp này rất nhiều. Ngoài ra, cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên gặp khó khăn vì hầu hết tài sản đã thế chấp ngân hàng nên không thể cưỡng chế…

Vì vậy, những năm qua, mặc dù ngành thuế đã triển khai hàng loạt giải pháp nhưng nợ thuế vẫn tăng qua từng năm, mục tiêu giảm nợ xuống dưới 5% theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế chưa thể hoàn thành.

Năm 2017 là năm bản lề trong việc thực hiện giai đoạn bình ổn ngân sách thời kỳ 2017-2020, công tác thu ngân sách được lãnh đạo thành phố quan tâm, chỉ đạo công tác thu quyết liệt ngay từ đầu năm. Trong đó, nhấn mạnh ngành thuế thành phố cần tập trung triển khai tốt các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, phấn đấu giảm nợ thuế từ năm 2016 chuyển sang, hạn chế nợ mới phát sinh; tiến hành phân loại các khoản nợ thuế để thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp theo quy định.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

.