Kinh tế
Khó thu thuế kinh doanh qua facebook
Hoạt động kinh doanh qua mạng, nhất là các trang mạng xã hội facebook, fanpage facebook đang diễn ra rầm rộ với nhiều mặt hàng được rao bán có giá trị từ vài chục, vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng, thậm chí hàng chục, hàng trăm triệu đồng, đem lại lợi nhuận cho người bán. Nhưng đến nay, ngành thuế chưa kiểm soát và khai thác được nguồn thu này.
Hoạt động rao bán hàng trên các trang mạng cá nhân facebook diễn ra sôi nổi, thu hút không ít người tham gia giao dịch. |
Kinh doanh từ hàng hiệu đến nhà đất
Tìm hiểu từ trang mạng cá nhân facebook tại địa chỉ M.N, được biết đây là trang chuyên bán hàng xách tay áo quần, túi xách, giày dép, mỹ phẩm, đồng hồ, lắc tay… của các thương hiệu lớn từ Mỹ, Anh, Úc. Mỗi món hàng có giá dao động từ vài trăm đến vài triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng. Trang facebook này do một du học sinh người Đà Nẵng từng học tập tại Mỹ lập nên nhiều bạn trẻ tin tưởng và đặt mua, hoạt động khá sôi nổi từ vài năm nay.
Một trang facebook khác khá nổi tiếng trong giới trẻ Đà Nẵng chuyên bán hàng qua mạng có tên D.A.N (chủ trang facebook này tự nhận chuyên kinh doanh hàng chính hãng), thường xuyên cập nhật hình ảnh các sản phẩm mới, chủ yếu là áo quần, mỹ phẩm từ các thương hiệu như Zara, H&M, Michael Kors, Gucci… Các sản phẩm này khi bán đến tay người tiêu dùng có giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng trở lên. Trang D.A.N được nhiều bạn trẻ tín nhiệm, hoạt động sôi nổi.
Không chỉ rao bán các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm, áo quần…, nhiều trang facebook còn trở thành nơi quảng cáo, mời chào giao dịch về đất đai, nhà cửa. Trên trang cá nhân của V.D hơn một năm trở lại đây thường xuyên đăng tải nội dung mời mua nhà, đất trên địa bàn Đà Nẵng. V.D cũng tham gia một số hội kinh doanh, mua bán nhà đất hoạt động khá sôi nổi trên trang mạng facebook với hàng chục thành viên.
Ngoài các trang cá nhân, nhiều trang facebook dưới hình thức các hội, nhóm xuất hiện như Hội Mua bán và thanh lý đồ cũ của mẹ và bé Đà Nẵng, Hội Mua bán đồ cũ Đà Nẵng, Hội Các mẹ kinh doanh kiếm tiền nuôi bé Đà Nẵng… Dù các trang này kinh doanh hiệu quả, mang lại lợi nhuận nhưng ngành thuế vẫn chưa khai thác được nguồn thu từ lĩnh vực này.
Quản lý để hạn chế thất thu thuế
Theo ông Trương Công Khoái, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Hải Châu, cơ quan thuế Hải Châu mới ghi nhận hiện tượng kinh doanh rầm rộ qua mạng, chứ chưa có những thông tin cụ thể, chính xác. Bên cạnh đó, qua tìm hiểu, phần lớn những người kinh doanh này làm “nghề tay trái” nên không đăng ký, không kê khai. Tuy nhiên, về nguyên tắc, khi kinh doanh có thu thì phải đóng thuế.
Chi cục đang có những đề xuất lên Cục Thuế thành phố trong việc phối hợp với một số sở, ngành nhằm đánh giá tình hình, tìm hiểu thông tin chính xác để rà soát, quản lý nguồn thu này. Trước mắt, Chi cục Thuế quận Hải Châu sẽ triển khai kế hoạch thâm nhập, tham gia các hội, nhóm bán hàng trực tuyến, qua đó sẽ thu thập thông tin, số điện thoại, hình ảnh, địa chỉ để có cơ sở mời những người kinh doanh đến làm việc và đấu tranh kê khai doanh thu.
Nhìn nhận việc bán hàng qua mạng là xu thế kinh doanh mới của thời đại công nghệ Internet, ông Lê Bá Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Sơn Trà cho biết, pháp luật nước ta có quy định về kiểm soát nguồn thu từ các trang web kinh doanh lớn và chính thống nhưng chưa có quy định cụ thể đối với các trang facebook.
“Tuy nhiên, khai thác được nguồn thu này khá khó khăn vì người ta chỉ lập một trang facebook cá nhân để quảng cáo các mặt hàng. Thông thường khi mua hàng thì phải kết bạn rồi trao đổi qua tin nhắn hay bình luận nhưng nếu họ chặn không cho mình kết bạn thì khó khai thác thông tin. Ngoài ra, khi cơ quan chức năng mời được chủ trang facebook đó đến làm việc, nếu họ không hợp tác với lý do chỉ rao hàng nhưng không bán hàng tại Đà Nẵng mà ở các địa phương khác thì mình cũng khó xử lý. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là buông lỏng quản lý mà phải dần dần đưa đối tượng kinh doanh qua trang facebook vào diện quản lý, hợp thức hóa trong văn bản pháp luật”, ông Tiến nói.
Luật sư Lê Cao, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật hợp danh FDVN: Theo Nghị định số 39/2007/NĐ-CP, kinh doanh qua mạng cá nhân facebook không phải là cá nhân hoạt động thương mại độc lập kiểu bán hàng rong, bán quà vặt, bán vé số, sửa xe… Do đó, theo luật, họ phải thực hiện đăng ký kinh doanh và buộc phải tuân thủ pháp luật về thuế. Tuy nhiên, chúng ta chưa có đủ công cụ hữu hiệu để kiểm soát và thu thuế các chủ thể kinh doanh này vì hoạt động sử dụng facebook để kinh doanh hiện nay không được xem là loại hình kinh doanh phải đăng ký theo hình thức thương mại điện tử (theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Thông tư 47/2014/TT-BCT). Hơn nữa, mạng xã hội như facebook là trang mạng xã hội của một doanh nghiệp nước ngoài, trong chính sách pháp luật của Việt Nam chưa có quy định cụ thể để dự liệu tình huống facebook kiếm lợi từ quảng cáo ở Việt Nam, hoặc người dùng facebook thu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ở Việt Nam thì facebook có những nghĩa vụ gì để Việt Nam có thể thu thuế. Vì vậy, ngay cả thu thuế từ hoạt động quảng cáo trên facebook hiện nay cũng rất khó. Riêng việc các cơ quan thuế muốn facebook cung cấp thông tin các tài khoản kinh doanh trên facebook để có cơ sở kiểm soát và thu thuế cũng không dễ, bởi trong trường hợp này phải có đề nghị gửi đến facebook và việc một doanh nghiệp ở Mỹ có chấp nhận cung cấp thông tin người sử dụng cho cơ quan thuế ở Việt Nam hay không là một vấn đề luật pháp chưa chạm tới được. Ngoài ra, hoạt động giao dịch truyền thống ở Việt Nam phần lớn vẫn được thanh toán bằng tiền mặt. Vì vậy, để truy ra các nguồn thu nhập của những chủ thể không đăng ký kinh doanh như thế này là điều rất khó. Chúng tôi cho rằng, muốn kiểm soát thuế đối với hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, phải đưa người kinh doanh vào các khuôn khổ pháp lý cụ thể; đồng thời thị trường và thói quen thanh toán phải dần hiện đại thì mới theo kịp các hình thức kinh doanh tiên tiến. |
Bài và ảnh: HOÀNG LINH