Từ ngày 1-1-2017, theo quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính, Đà Nẵng có 9 loại hình dịch vụ tính phí trước đây sẽ chuyển sang hoạt động bằng cơ chế giá thị trường. Trong đó có các loại dịch vụ cơ bản như: dịch vụ tiện ích bán hàng tại chợ; dịch vụ trông giữ xe; dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.
Nhiều loại phí được chuyển sang vận hành theo cơ chế giá bắt đầu từ 1-1-2017. Trong ảnh: Hoạt động buôn bán tại chợ Hàn. |
Giữ nguyên mức tính trong 6 tháng
Theo Sở Tài chính, danh mục các dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo Luật Phí và lệ phí được áp dụng trên địa bàn Đà Nẵng bao gồm: sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; 5 loại dịch vụ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước như: sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, dịch vụ sử dụng cảng cá, dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, dịch vụ đo đạc, lập bản đồ địa chính; dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; dịch vụ sử dụng tiện ích bán hàng tại chợ và dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.
Ông Trần Thủ, Trưởng phòng Quản lý giá công sản, Sở Tài chính cho biết, theo quy định mới, các dịch vụ thuộc danh mục chuyển từ phí sang cơ chế giá thị trường với mức tính được giữ nguyên như cũ trong vòng 6 tháng kể từ ngày 1-1 đến 30-6 nhằm có thời gian để các đơn vị và cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, định giá lại.
Trong danh mục chuyển từ phí sang giá được chia 2 loại: các dịch vụ do Nhà nước định giá (với loại hình này, các đơn vị cung cấp dịch vụ đề xuất mức giá lên thành phố xem xét và quyết định) và các dịnh vụ do các tổ chức, cá nhân tự định giá.
Trong đó, các dịch vụ Nhà nước không định giá bao gồm: dịch vụ kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu; dịch vụ đấu thầu, đấu giá; thẩm định kết quả đấu thầu; khai thác và sử dụng tài liệu do Nhà nước quản lý, khai thác tư liệu tại các bảo tàng, khu vực di tích lịch sử, văn hóa; dịch vụ giám định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; giới thiệu việc làm; dự thi, dự tuyển; dịch vụ kiểm nghiệm trang thiết bị y tế; kiểm định phương tiện đo lường; giám định tư pháp; dịch vụ sử dụng bến, bãi, mặt nước; kiểm nghiệm chất lượng động vật, thực vật; dịch vụ kiểm nghiệm chất lượng động vật, thực vật, chất lượng thức ăn chăn nuôi, kiểm tra vệ sinh thú y.
Quận Thanh Khê là địa phương sớm triển khai quy định mới này. Cụ thể, UBND quận đã hướng dẫn các hộ kinh doanh buôn bán tại chợ sử dụng hóa đơn thu dịch vụ theo đúng quy định; niêm yết giá công khai dịch vụ sử dụng tại chợ. Đối với số thu từ dịch vụ liên quan tại chợ, Ban quản lý chợ giữ lại 100% số thu để phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và bảo vệ tại chợ.
Kiểm soát thận trọng
Ông Trần Thủ cho biết thêm, các đơn vị đang tiến hành xác định, rà soát và thẩm định lại đối với mức giá dịch vụ rồi gửi Sở Tài chính khảo sát, định giá từ nay đến hết ngày 30-6; sau đó trình UBND thành phố xem xét, quyết định trên tinh thần bảo đảm phù hợp với điều kiện xã hội, môi trường sống và thu nhập của người dân thành phố. Về cơ bản, việc chuyển các dịch vụ trong danh mục từ phí sang cơ chế giá thị trường không gây ảnh hưởng lớn đến ngân sách địa phương.
Là đơn vị có dịch vụ trong danh mục chuyển sang cơ chế giá, ông Đặng Đức Vũ, thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, đề xuất việc nâng giá dịch vụ thu gom rác từ 13.000 đồng/hộ dân như hiện nay lên 40.000 - 46.000 đồng/hộ.
Lý giải điều này, ông Vũ cho rằng, mức thu như hiện tại quá thấp so với mặt bằng chung trên cả nước, không bảo đảm nguồn thu để chi trả tiền lương cho người lao động, cán bộ, nhân viên cũng như công tác đầu tư nâng cấp trang thiết bị. Mức giá dịch vụ tăng lên thì chất lượng phục vụ cũng sẽ tăng lên.
Để triển khai hiệu quả quy định về việc chuyển từ phí sang giá, Bộ Tài chính cũng có văn bản quy định rõ trong việc quản lý, kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Theo đó, đối với các loại phí được chuyển sang thực hiện cơ chế giá thị trường không do Nhà nước định giá, mức giá các dịch vụ sẽ được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, phù hợp với thị trường.
Đối với các loại phí chuyển sang giá do Nhà nước định giá, các đơn vị cung ứng dịch vụ phải báo cáo kết quả hoạt động, tình hình cân đối thu chi, đánh giá mức độ bù đắp các chi phí phát sinh để cung ứng dịch vụ từ số tiền thu phí theo mức phí hiện hành, để xây dựng phương án giá dịch vụ. Trường hợp mức giá cao hơn mức phí hàng hóa, cần có lộ trình điều hành phù hợp nhằm bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA