Kinh tế
Tạo thói quen nghiên cứu khoa học
Khơi dậy đam mê, động lực nghiên cứu khoa học trong cộng đồng là vấn đề được thành phố Đà Nẵng đang quan tâm hiện nay. Mặc dù đã có nhiều biện pháp khuyến khích các giải pháp coi trọng hiệu quả ứng dụng của các đề tài nghiên cứu, nhưng vấn đề nghiên cứu khoa học vẫn còn nhiều tồn tại. Một trong những nguyên nhân là chưa tạo được thói quen nghiên cứu khoa học trong mỗi người.
Cần tạo thói quen nghiên cứu khoa học để có nhiều đề tài ứng dụng vào cuộc sống. TRONG ẢNH: Mô hình nghiên cứu ứng dụng trồng hoa lan trong nhà lưới tại Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng. |
Những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng (KH&CN) đã chủ động tham mưu cho thành phố ban hành nhiều văn bản phục vụ công tác quản lý Nhà nước về nhiệm vụ KH&CN. Qua đó, các quy định mới ban hành đã góp phần đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ KH&CN, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Đặc biệt, Sở KH&CN đã thực hiện tốt việc ban hành các hướng dẫn trong việc quản lý các nhiệm vụ KH&CN thành phố đối với tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN; tham mưu UBND thành phố khen thưởng đối với các tác giả, nhóm tác giả có đề tài KH&CN tiêu biểu theo các điều kiện và tiêu chuẩn cụ thể.
Ngoài ra, trong năm 2016, Sở KH&CN cũng đã triển khai thực hiện 63 đề tài, dự án; trong đó có 3 dự án nông thôn miền núi, 42 đề tài cấp thành phố và 18 đề tài cấp cơ sở...
Có thể thấy, qua các năm, chất lượng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN dần được nâng cao và đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Công tác xây dựng kế hoạch được tổ chức thực hiện nghiêm túc; các đề tài, dự án bàn giao cho các đơn vị tuy mới nghiệm thu chưa lâu nhưng đa số đã được ứng dụng thực tiễn.
Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả ứng dụng các đề tài, dự án nghiên cứu, Sở KH&CN còn tích cực triển khai hoạt động ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN, nhất là trong phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong lĩnh vực ứng dụng tiết kiệm năng lượng và công nghệ sinh học.
Nhiều đề tài nghiên cứu, mô hình ứng dụng giải quyết các vấn đề thực tiễn, liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Năm 2017, Sở KH&CN đã nhận được 81 nhiệm vụ đề xuất, đặt hàng liên quan đến các lĩnh vực y dược, môi trường, nông nghiệp, khoa học - xã hội - nhân văn.
Tại buổi làm việc mới đây của UBND thành phố với Sở KH&CN liên quan đến vấn đề phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố lần 1, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho biết, hoạt động KH&CN thời gian qua đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhiều đề tài nghiên cứu được ứng dụng thực tiễn. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là chất lượng đề tài chưa thực sự cao, nhiều đề tài nghiên cứu không ứng dụng được, hoặc nhiều đề tài nghiên cứu mang tính hàn lâm nên kết quả nghiên cứu phải “cất vào ngăn kéo”...
Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng nhấn mạnh: Việc cần làm bây giờ là tạo thói quen nghiên cứu khoa học trong cộng đồng, có như vậy mới khơi nguồn cảm hứng nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đời sống.
Nên chăng thời gian tới, Sở KH&CN cần nghiên cứu để đưa ra quy chế xét duyệt đề tài cụ thể, phổ biến rộng rãi nhằm tạo động lực cho các nhà khoa học tham gia. Đồng thời, Sở KH&CN cũng cần tập trung tìm hiểu, khơi gợi những đề tài, sáng kiến hay trong cộng đồng để phục vụ cuộc sống.
Bằng mọi biện pháp, cách làm cụ thể để tạo thành bầu không khí nghiên cứu KH&CN năng động, xứng tầm với một thành phố trẻ, sao cho “người người nghiên cứu, nhà nhà nghiên cứu, sáng tạo”.
Ông Thái Bá Cảnh, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, để khuyến khích cộng đồng tham gia nghiên cứu khoa học, trước mắt, Sở KH&CN sẽ tập trung tổ chức các hội nghị để các nhà khoa học gặp gỡ, từ đó đưa đề tài cho họ nghiên cứu, hoặc cũng có thể đặt hàng các nhà khoa học khi có nhu cầu.
Song song, hằng năm sẽ trích ra một khoản kinh phí để động viên, khuyến khích các nhà khoa học. Có như vậy mới tìm ra được các đề tài khoa học có chất lượng tốt cũng như tạo được động lực để mọi người tham gia nghiên cứu khoa học.
Bài và ảnh: THANH TÌNH