Kinh tế
Tiếp cận vốn vay để giảm tổn thất nông nghiệp
Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc thiết bị là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tại Đà Nẵng, chương trình này được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) triển khai chủ yếu trên địa bàn huyện Hòa Vang, qua đó giúp nông dân, hợp tác xã tiếp cận vốn vay, đầu tư máy móc, mở rộng phát triển sản xuất.
Anh Hồ Văn Sơn (thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) kiểm tra máy móc chuẩn bị cho vụ gặt tới. |
Từ Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang, chúng tôi chạy xe theo quốc lộ 14B lên xã Hòa Khương. Hai bên con đường dẫn vào nhà anh Hồ Văn Sơn (thôn Phú Sơn 3) là những ruộng lúa xanh mơn mởn. Anh Sơn là hộ dân tiêu biểu phát triển sản xuất từ nguồn vốn vay giảm tổn thất sau thu hoạch của Agribank Chi nhánh Hòa Vang.
Anh Sơn cho biết, từ năm 2013 đến nay, gia đình anh vay 2 lần, 1 lần vay 300 triệu đồng, 1 lần vay 400 triệu đồng để mua 2 máy gặt đập liên hợp (550 triệu đồng/máy) phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trước đây, anh Sơn làm nghề lái máy gặt lúa, nhưng lâu ngày máy móc cũ, gặt không hiệu quả nên anh quyết định bán và vay vốn mua 2 máy gặt đập thế hệ mới tiên tiến hơn.
Anh Sơn hồ hởi khoe: “Từ khi có máy gặt đập mới, công việc ổn định. Máy gặt đập có nhiều tính năng ưu trội, khi gặt đập trên đồng có độ chính xác cao, ít bị sót lúa ra ngoài, hao hụt chỉ khoảng 0,5% nên người dân rất thích. Mỗi vụ gặt được từ 50 - 60ha lúa”. Ngoài gặt đập lúa cho các vụ mùa trong vùng, anh Sơn còn mang máy ra đến tận các cánh đồng Hà Tĩnh, Nghệ An… để gặt thuê. Nhờ có máy gặt đập thế hệ mới, gia đình anh Sơn có thu nhập cao hơn trước, có tiền tích lũy, xây nhà cửa khang trang.
Ngoài hộ anh Sơn, Agribank Chi nhánh Hòa Vang còn cho Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất nông nghiệp 1 Hòa Phong vay 350 triệu đồng, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp 2 Hòa Phong vay 400 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Sỹ, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp 1 Hòa Phong cho biết, trước đây, HTX cũng rất cần vốn vay nhưng vay từ ngân hàng rất khó vì phải có tài sản thế chấp. Nhưng nay hình thức vay linh hoạt hơn, HTX có thể vay vốn mua trang thiết bị rồi thế chấp ngay trang thiết bị đó cho ngân hàng với nhiều ưu đãi. Hiện HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp 1 Hòa Phong có 2 máy gặt đập liên hợp phục vụ gặt đập cho mỗi vụ thu hoạch và 2 máy cày làm đất; giải quyết việc làm cho 23 lao động với mức thu nhập trung bình từ 2 - 2,2 triệu đồng/tháng.
Ông Sỹ khẳng định thêm, nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng, nhiều người được hưởng lợi. Thành viên HTX có thêm công việc, người nông dân rút ngắn được thời vụ của mình (thay bằng trước đây gặt thủ công, nếu kéo dài thời gian sẽ bị thiên tai, lũ lụt, ảnh hưởng đến sản lượng), chất lượng sản phẩm vì thế cũng tốt hơn và ít bị tư thương ép giá.
Theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, các cá nhân, tổ chức trực tiếp sản xuất vay mua các loại máy móc, thiết bị được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong 2 năm đầu; hỗ trợ 50% lãi suất trong năm thứ 3, thứ 4 và qua năm thứ 5 mới thu 100% lãi.
Tuy nhiên, theo các ngân hàng, các hộ vay rất ít khi để nợ quá hạn. Ông Văn Quyện, Giám đốc Agribank Chi nhánh Hòa Vang cho biết, hiện nay, doanh số cho vay theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Agribank Chi nhánh Hòa Vang là hơn 9,98 tỷ đồng; dư nợ cho vay trên 5,6 tỷ đồng, chiếm 0,95%/tổng dư nợ; 30 khách hàng hiện dư nợ theo quyết định nói trên.
Thời gian tới, Agribank Chi nhánh Hòa Vang tiếp tục đẩy mạnh cho vay theo chính sách này để góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản phù hợp hơn với tình hình thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp thay thế Quyết định 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định 65/2011/QĐ-TTg trước đó theo hướng bổ sung thêm danh mục máy móc, thiết bị. Từ đó đến nay, nhiều hộ dân, doanh nghiệp được vay vốn đầu tư máy móc, thiết bị, thực hiện dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị, giảm tổn thất trong nông nghiệp. |
Bài và ảnh: THANH TÌNH