.

Xe buýt trợ giá dần có khách - Bài cuối: Hướng tới mục tiêu thân thiện và tiện lợi

.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải thành phố, sau hơn 2 tháng đưa vào hoạt động, cả 5 tuyến xe buýt trợ giá lượng khách mặc dù còn khá khiêm tốn nhưng tình hình đang được cải thiện qua từng ngày. Sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động cho thấy lượng khách đi xe buýt tăng trung bình 10,4%/tuần. Trong đó, riêng tuyến xe buýt số 8 tăng trung bình 23,4%/tuần.

Các ô-tô đậu lấn chiếm hết chỗ dừng xe buýt, buộc xe buýt phải đỗ ngoài đường.                Ảnh: P.V
Các ô-tô đậu lấn chiếm hết chỗ dừng xe buýt, buộc xe buýt phải đỗ ngoài đường. Ảnh: P.V

Ông Bùi Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng nhìn nhận: “Do mới đi vào hoạt động nên cả 5 tuyến xe buýt trợ giá của thành phố có những hạn chế, nhất là một số tuyến buộc phải thay đổi lộ trình để tránh đi qua 2 nút giao thông hầm chui đang thi công, ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực từ doanh nghiệp cũng như của thành phố, các tuyến xe buýt nói chung và xe buýt trợ giá đang dần đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân và du khách”.

Theo ông Bùi Thanh Thuận, Sở Giao thông vận tải khẩn trương triển khai những phần việc hướng đến mục tiêu đưa xe buýt ngày càng thân thiện và tiện lợi để thu hút ngày càng nhiều người đi xe buýt. Cụ thể, Sở này đang phối hợp với các đơn vị vận hành và tư vấn tiếp tục khảo sát để điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt theo hướng tối ưu nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hành khách. Song song đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, băng rôn, áp phích và cả tờ rơi để làm sao thông tin đến tận tay hành khách.

Đến nay đã có 30.000 tờ rơi và 30.000 tin nhắn qua điện thoại di động, 61.000 tin nhắn qua thuê bao Zalo về các tuyến xe buýt trợ giá đến với hành khách. Đồng thời, phối hợp với Tổng đài 1080 cung cấp thông tin, lộ trình cụ thể cũng như thông tin bán vé tháng xe buýt cho hành khách có nhu cầu. Để thu hút khách du lịch, khách vãng lai, sở cũng đã phát thông tin về xe buýt trợ giá thành phố qua hệ thống loa đặt tại 22 nút giao thông quan trọng.

“Đặc biệt, chúng tôi đang hướng đến nguồn khách khá lớn và thường xuyên là học sinh, công nhân, cán bộ, công chức bằng việc gửi thông báo, treo pa-nô tại các trường học, khu công nghiệp, trụ sở UBND các quận, huyện, xã, phường... Hy vọng với các kênh khá rộng và đều khắp này, thời gian đến, các tuyến xe buýt trợ giá của thành phố sẽ là lựa chọn tốt cho việc đi lại của mọi người”, ông Thuận bày tỏ.

Giám đốc Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng Đặng Nam Sơn cho biết: Từ khi vận hành đến ngày 21-2, đã có hơn 37.107 lượt xe chạy với 146.513 lượt hành khách sử dụng vé.

Trong thời gian đến, để tăng hiệu quả truyền thông và tiếp cận người dân có nhu cầu đi lại, Trung tâm sẽ thay đổi, bổ sung thêm nhiều biển hiệu thông tin về các tuyến xe buýt có trợ giá dọc các bến đón khách, đẩy mạnh công tác truyền thông như đăng tải thông tin báo chí, phát tờ rơi, sử dụng các phần mềm ứng dụng trên di động, phim ảnh video cổ động phương tiện công cộng...

Một số điểm đón khách, điểm cuối tuyến xe... cũng được điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu đi lại của hành khách, nhất là thuận lợi cho khách đón xe dễ dàng, an toàn.

Sở Giao thông vận tải thành phố cũng đã hoàn thành đề án “Bổ sung quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng 2013-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, để đạt mục tiêu đến năm 2020 vận chuyển hành khách công cộng đạt 15% tổng nhu cầu đi lại, thành phố sẽ phát triển 20 tuyến xe buýt, trong đó có 2 tuyến xe buýt nhanh, 3 tuyến xe buýt tiêu chuẩn dịch vụ và 15 tuyến xe buýt thông thường; giai đoạn từ năm 2020-2025, thành phố sẽ có 26 tuyến xe buýt; đến năm 2030 có 27 tuyến xe buýt, trong đó sẽ hình thành tuyến hành lang quan trọng kết nối với Hội An và Sơn Trà - Bãi Bụt.

Về mạng lưới xe buýt đến năm 2020, không những phát triển rộng khắp ở khu vực trung tâm thành phố mà còn lan tỏa ra các vùng ngoài ô, ưu tiên kết nối khu vực trung tâm đến các vành đai xung quanh thành phố, vùng công nghiệp, khu đại học, các trung tâm dịch vụ du lịch, giải trí của thành phố. Bảo đảm thời gian hoạt động của các tuyến xe buýt từ 7 - 22 giờ mỗi ngày, với tầng suất từ 5 - 10 phút có lượt xe đi - đến qua các trạm đón - trả khách.

Tuy nhiên, để mục tiêu trong ngắn hạn đến năm 2020, cũng như tầm nhìn đến năm 2030 thành công, trước mắt, các doanh nghiệp vận tải, cơ quan chức năng thành phố cần bảo đảm 5 tuyến xe buýt trợ giá và tuyến xe buýt thường phải hoạt động hiệu quả, thu hút ngày càng đông hành khách đi. Đây là tiền đề có tính quyết định cho hoạt động vận tải công cộng của thành phố trong tương lai.

Chị Hứa Thị Thuật Khánh, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn: Theo tôi, nguyên nhân người dân chưa quan tâm đến dịch vụ xe buýt trợ giá là do nhiều người chưa biết nhiều đến dịch vụ này, chưa biết có bao nhiêu tuyến, bao nhiêu xe, thời gian hoạt động ra sao… Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác tuyên truyền đến từng người dân, từng tổ dân phố, từng chi bộ trong khu dân cư, các công sở, trường học để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt.

Anh Võ Trường Kính, Công ty TNHH MTV Khải Hòa: Theo tôi, nguyên nhân người dân chưa quan tâm đến dịch vụ xe buýt trợ giá, một phần do thói quen lâu nay thường dùng phương tiện giao thông cá nhân là xe máy, nay chuyển sang phương tiện xe buýt sẽ rất khó. Do đó, cần phải hạn chế cấp phép các phương tiện cá nhân, đồng thời nâng cao phong cách, thái độ phục vụ của đội ngũ vận hành xe buýt… Bên cạnh đó, phát triển nhiều dịch vụ vận tải công cộng với chất lượng tốt để người dân có quyền lựa chọn, làm sao để việc sử dụng phương tiện công cộng trở thành thói quen của mỗi người dân.

Anh Trần Ngọc Tường, sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng): Một trong những cái khó của xe buýt là chưa có trạm dừng liên thông giữa hai tuyến xe buýt, thứ 2 là trạm dừng xe khá xa, cụ thể ở khu vực đường Nguyễn Chánh thông với khu công nghiệp rất đông người đi, nhưng lại không có điểm dừng xe buýt nào. Người dân muốn đi xe buýt phải đi bộ hơn một cây số mới tới trạm Xuân Thiều, như vậy rất bất tiện.

Chị Võ Thị Trường Quý, Công ty Xây dựng số 1: Các xe buýt trợ giá lần này khá tốt, có máy lạnh suốt hành trình, có loa và bảng điện tử thông báo tự động về trạm dừng tiếp cho hành khách. Ngoài ra, góc xe còn đặt một túi cứu thương dùng để sơ cứu những trường hợp khẩn cấp. Mỗi hành khách lên xe đều được nhân viên soát vé hỏi nơi đến và hướng dẫn ghế ngồi… Nói chung là rất thuận tiện, song chưa có tuyến Bệnh viện Phụ sản - Nhi đi khu vực Hòa Khánh Bắc/Nam hoặc các nơi khác đi qua bệnh viện, trung tâm thành phố để người dân đi lại dễ dàng hơn.

          THÀNH LÂN - THANH SƠN

;
.
.
.
.
.